Nhà hoạch định tài chính Adam K. Wright của Wright Associates Investment Advisers đã chia sẻ với Business Insider, rằng rất nhiều người biết đến 04 lời khuyên này nhưng không muốn nghe và làm theo.
Adam K. Wright cũng chia sẻ về những khó khăn của công việc tư vấn tài chính:
"Tham gia vào các cuộc trò chuyện khó khăn là một phần công việc của chúng tôi. Một nhà hoạch định tài chính hợp tác với khách hàng của mình để giúp họ cải thiện cuộc sống và tạo ra kết quả tốt hơn. Chúng tôi thường xuyên gặp phải trường hợp đưa ra lời khuyên cho khách hàng nhưng họ không làm theo”.
Mỗi người đều có một hệ giá trị, niềm tin vào tiền, những trải nghiệm từ bé đến lớn với tiền bạc là khác nhau. Nhiều khi, chúng ta đã quá quen với tư duy “đi làm chăm chỉ và tiết kiệm nhiều hơn” có từ thời cha mẹ, ông bà chúng ta.
Bài viết không phán xét tư duy ấy là đúng hay sai, tuy nhiên, hãy thử hình dung nếu bạn có tư duy tiết kiệm đã hằn sâu trong tiềm thức, rất khó để nghe theo lời khuyên “Tiền ở một chỗ là tiền chết, hãy đầu tư vào các quỹ giao dịch để khơi thông dòng tiền của bạn”, đúng không nào?
Vì vậy, để thực sự chấp nhận và ứng dụng những lời khuyên có vẻ sáo rỗng, không phù hợp với hoàn cảnh cá nhân (ở góc nhìn của bạn), điều bạn cần làm chính là khám phá ra những giá trị, động lực sâu thẳm đã định hình nên lựa chọn và thái độ của bạn với tiền.
Hiểu đúng về tiền, từ đó sẵn sàng thu hút dòng chảy tích cực của tiền và có cái nhìn cởi mở về những lời khuyên tài chính, chính là hướng tiếp cận lâu dài dành cho bạn.
Trong khuôn khổ bài viết, chúng ta sẽ chỉ bàn đến 04 lời khuyên tài chính hữu ích dành cho mọi người, sau khi bạn đã sở hữu một thái độ cởi mở cùng góc nhìn khách quan về tiền bạc.
Cũng theo Adam K. Wright, 04 lời khuyên có phần “đơn giản, tẻ nhạt” này thực sự có thể giúp bạn cải thiện tình trạng tài chính của mình và tránh được những rủi ro trong tương lai.
Lời khuyên số 1: Lập ngân sách tài chính
Với nhiều người, việc lập ngân sách và bị hạn chế chi tiêu cũng giống như bị mất tự do. Tuy nhiên, đây là yếu tố cần thiết để xây dựng sự giàu có lâu dài, vì thực tế đó là bước đầu tiên giúp bạn đạt được các mục tiêu tài chính (số dư hàng tháng) của mình.
"Không ai thích theo dõi chi phí hoặc cảm thấy bị bó buộc. Hầu hết thời gian họ nhìn thấy bạn bè mua xe mới, nhà mới hoặc các thiết bị mới, bản thân họ cũng bị thôi thúc muốn những thứ ấy. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản để lập kế hoạch tài chính và chuyển thu nhập thành của cải là bạn phải biết tiền của mình dùng cho những khoản nào", Adam K. Wright nói với Insider.
Lập ngân sách hiệu quả giúp bạn quản lý tiền của mình thật khôn ngoan và đạt được mục tiêu tài chính. Bằng cách tính toán các khoản chi tiêu cố định, bạn sẽ kiểm soát được số tiền của mình và biết rõ đâu là các khoản chi không cần thiết.
Để lập ngân sách chi tiêu hiệu quả, trước hết bạn cần theo dõi chi phí cho ít nhất một tháng: tất cả khoản tiền mặt, thẻ tín dụng, khoản thanh toán điện tử..., từ đó điều chỉnh và đưa ra kế hoạch chi tiêu phù hợp. Dưới đây là 07 bước lập ngân sách chi tiêu cá nhân hiệu quả.
- Theo dõi mức chi tiêu tối thiểu một tháng. Nếu bạn không giữ lại các biên lại thu tiền, hãy ghi chép lại các giao dịch mỗi ngày. Khi ghi các món đồ đã chi tiêu, bạn cần viết ngày tháng, mô tả mua vật dụng gì, số tiền đã chi và hình thức thanh toán.
- Phân chia các khoản chi tiêu theo gói hạng mục: thức ăn, quần áo, nhà cửa, chăm sóc sức khỏe, đi lại, chăm sóc vật nuôi, các món nợ, giáo dục, du lịch, quà tặng, đồ dùng văn phòng, tiết kiệm, thuế, giải trí và chăm sóc phụ thuộc.
- Ghi lại số tiền chi tiêu cho mỗi gói hạng mục và tổng kết thành chi tiêu hàng tháng.
- Lấy thu nhập hàng tháng trừ đi chi tiêu hàng tháng, bạn sẽ ra được số dư mỗi tháng.
- Xác định đâu là các chi phí cố định cần thiết bằng cách đánh dấu vào bên cạnh những gói hạng mục thích hợp. Chi phí cố định sẽ không thay đổi.
- Thiết lập mục tiêu tài chính mong đợi. Ví dụ, bạn muốn tăng số dư vào mỗi cuối tháng, sau khi đã xác định đâu là các khoản chi cố định, bạn sẽ biết được đâu là các khoản chi không cần thiết có thể cắt giảm.
- Điều chỉnh ngân sách bằng cách thiết lập giới hạn chi tiêu cho các khoản không cần thiết như quần áo hoặc đến quán café. Việc lập ngân sách và phân bổ tiền tiết kiệm đối với các mục tiêu trọng yếu cho tương lai sẽ giúp bạn tích cóp được một khoản kha khá đấy.
Tips cho bạn: Nếu cảm thấy ngân sách bị hạn chế, Wright khuyên bạn nên thay đổi cách tiếp cận. Thay vì cắt giảm chi tiêu quá nhiều, bạn hãy bắt đầu tiết kiệm 20% thu nhập và coi đó là khoản chi trả trước cho bản thân.
Lời khuyên số 2: Mua bảo hiểm nhân thọ
Ông Wright cũng chia sẻ: "Hầu hết mọi người không tin tưởng hoặc nghi ngờ việc mua bảo hiểm và xem bảo hiểm như một thứ gì đó được bán và không có mấy người mua. Nhưng trên thực tế, bảo hiểm là một yếu tố quan trọng khi lập kế hoạch tài chính".
Dù là những khoản tiền chi hàng tháng bạn không thể “tận hưởng ngay lập tức”, song bảo hiểm nhân thọ sẽ là vị cứu tinh tài chính đối với những người thân yêu của bạn, trong trường hợp bạn gặp vấn đề về sức khỏe hay tính mạng.
Ví dụ thực tế tại Việt Nam là cô Lê Anh (52 tuổi), làm việc tại một khách sạn với vai trò Quản lý trong 15 năm.
Bỗng nhiên Covid-19 ập đến, cô bị cắt giảm lương, thậm chí có thể phải về hưu sớm nếu khách sạn đóng cửa trong bối cảnh ngành du lịch không có triển vọng phục hồi sớm. Cô cũng là mẹ đơn thân có một cô con gái 16 tuổi và cậu con trai 14 tuổi.
Trước đó, vào năm 2005, cô đã mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ liên kết chung. Với chính sách linh hoạt, cô có thể rút tiền nhiều lần từ hợp đồng bảo hiểm để duy trì cuộc sống hiện tại và đảm bảo học phí cho con đến trường, giúp các em thực hiện giấc mơ Đại học.
Trong khi đó, cô vẫn được an toàn tài chính nếu rủi ro về sức khoẻ hoặc sinh mạng có ập đến nhờ bảo hiểm nhân thọ này.
Như vậy, dù đã bước sang ngưỡng cửa trung niên, cô Lê Anh vẫn sống khỏe với những giá trị bảo vệ nói trên. Tính linh hoạt của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phù hợp với mọi giai đoạn của cuộc sống và khiến chúng trở thành một sản phẩm rất phù hợp cho bất kỳ cá nhân nào.
Lời khuyên số 3: Làm công việc bạn giỏi, không phải công việc bạn nghĩ rằng mình thích
Đôi khi những công việc mà chúng ta muốn làm không phải lúc nào cũng được trả lương cao như những gì chúng ta làm tốt. Nhà hoạch định tài chính Adam K. Wright nói, đó là điều cần cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp hoặc cơ hội việc làm.
Nó không có nghĩa bạn không thể theo đuổi ước mơ của mình, nhưng trước tiên, hãy tập trung vào thu nhập ổn định. Hơn nữa, sau khi đã có thu nhập ổn định, bạn có thể theo đuổi mục tiêu bằng cách chuyển sự tập trung dần sang việc mình yêu thích.
Wright nói: "Thế giới này trả tiền cho tài năng. Và có lúc việc trở thành một kỹ sư ngồi bàn giấy 10 giờ mỗi ngày có vẻ buồn tẻ, nhưng đó lại là cách để bạn kiếm được nhiều nhất.
Với những khoản thu nhập đó, bạn có thể tiết kiệm và đầu tư để có được những lựa chọn như tích lũy tài sản. Nếu bạn tập trung xây dựng cho mình sự tự do tài chính, cuối cùng bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để làm những gì bạn muốn”.
Lời khuyên số 4: Đa dạng hóa các khoản đầu tư
Có một danh mục đầu tư đa dạng, hay nghĩa là không bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Thay vì đầu tư tất cả tiền bạc bạn tích cóp được vào một hoặc hai công ty, hãy đặt nó vào một quỹ giao dịch trao đổi rộng rãi hoặc quỹ chỉ số. Bằng cách đó, bạn có thể tiếp xúc với toàn bộ thị trường và bảo vệ tài sản của mình khỏi những nguy cơ thất thoát.
"Tất cả chúng ta đều muốn các khoản đầu tư của mình luôn trôi chảy, tạo ra lợi nhuận lớn mọi lúc. Không ai muốn sở hữu một tài sản, cổ phiếu có thành tích kém. Đầu tư tốt là đảm bảo một số danh mục đầu tư của bạn luôn hoạt động. Đây là việc đa dạng hóa được thực hiện đúng. Và nó giúp bạn tồn tại trong phạm vi kết quả khả quan nhất có thể", ông Wright khẳng định.
Nguồn: Tổng hợp