Cuối tháng 3.2020, Vietnam Airlines, Vietjet Air, và Jetstar Pacific chính thức tạm dừng bay quốc tế. Cho đến hết năm 2020, ngoại trừ các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước và một số chuyến bay thương mại trọn gói vào tháng 11, các đường bay quốc tế thường lệ vẫn chưa chính thức mở lại, do dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.
Ngày 1.4, khi lệnh lockdown được áp dụng trên phạm vi cả nước, các đường bay nội địa cũng đóng lại (chỉ duy trì 3 đường bay tối thiểu Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng).
Trong tâm thư gửi cán bộ nhân viên Vietnam Airlines (VNA) tháng 4.2020, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc VNA, đã nhấn mạnh đến những ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử mà hãng này phải đối mặt. Quyết định đóng cửa gần như toàn mạng bay nội địa khiến 100 máy bay trong tổng số 106 máy bay phải tạm dừng hoạt động - theo ông Thành - là một quyết định đặc biệt khó khăn và lịch sử.
Cũng như Vietnam Airlines, các hãng hàng không Việt khác đều rơi vào khó khăn, doanh thu sụt giảm, lỗ vài nghìn đến cả chục nghìn tỉ đồng.
Tuy nhiên, khác với tình cảnh của nhiều hàng không thế giới rơi vào suy thoái kéo dài, mất thanh khoản, thậm chí phá sản, các hãng hàng không Việt đã gượng dậy rất nhanh sau khi Covid-19 được kiểm soát tại Việt Nam vào cuối tháng 4. Thậm chí, cao điểm hè tháng 6, tháng 7 chứng kiến lượng khách nội địa tăng trưởng kỷ lục, đã giúp các hãng giảm bớt khó khăn, dù chưa thể phục hồi hoàn toàn.
Hàng không cũng là ngành có nhiều đóng góp trong thành công cuộc chiến chống dịch Covid-19 của đất nước, với cả nghìn chuyến bay đưa công dân về nước đã được thực hiện, cũng như vận chuyển hàng hoá, thiết bị y tế, thuốc men thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Đáng chú ý, giữa những khó khăn chung, thị trường hàng không vẫn có rất nhiều điểm sáng trong năm 2020. Hàng không cũng có nhiều hy vọng vào sự phục hồi hoàn toàn trong năm 2021, cùng với việc khởi công hạng mục đầu tiên của dự án "siêu sân bay" Long Thành ngay từ những ngày đầu năm.
Theo Báo Thanh Niên