Thị trường F&B đang bị khuynh đảo bởi các nền tảng trung gian bán hàng online như GrabFood, Baemin hay Now.
Họ ‘đốt’ rất nhiều tiền vào mã khuyến mãi giảm giá và freeship để thu hút đối tác, khiến các đối tác F&B nghĩ rằng, nếu không lên các nền tảng này, họ sẽ bị tụt hậu so với xã hội – thị trường và thậm chí có thể chết.
Các chuỗi lớn như Highlands Coffee, Starbucks hay Phúc Long dù đã có chỗ đứng trong ngành F&B nhưng lại có mô quá lớn và không có hệ thống bán hàng riêng, khiến họ buộc phải hợp tác với các ứng dụng giao hàng.
Về phần The Coffee House, hãng vẫn kiên định với ý tưởng chỉ bán hàng qua hệ thống mình tự xây và nói không với GrabFood, Now lẫn Baemin.
Việc The Coffee House xuất hiện trên Loship không phải họ hợp tác với nền tảng này mà đơn giản chỉ là shipper của Loship mua hộ sản phẩm The Coffee House, chứ The Coffee House không tích hợp với hệ thống của Loship.
Vậy, vì sao The Coffee House lại là 'ông lớn' duy nhất trong ngành F&B có ứng dụng giao hàng riêng cho mình?
1. Gặp được nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược
Dở dĩ chỉ duy nhất The Coffee House làm được hệ thống bán hàng khép kín còn các đối thủ trên thị trường của họ thì không, bởi yếu tố ‘Seedcom’. Có thể khẳng định, nếu Seedcom không trở thành nhà đầu tư chiến lược của The Coffee House, doanh nghiệp này sẽ không có ngày hôm nay.
Từ khi mới vào The Coffee House, Seedcom đã không tiếc tiền đầu tư công nghệ - hệ thống vận hành trong đó tất nhiên có hệ thống bán hàng.
Để có hệ thống như hiện tại, The Coffee House đã mất 4 năm xây dựng và phát triển.
Họ đang có 25 kỹ sư công nghệ để vận hành hệ thống - một con số tương đối ấn tượng vào doanh nghiệp trong ngành F&B tại Việt Nam và bằng với một doanh nghiệp công nghệ cỡ vừa, trong đó phòng IoT chiếm 10 người.
2. Có đội ngũ logistics hỗ trợ riêng
Một trong những vấn đề quan trọng của việc bán hàng qua mạng là câu chuyện logistics. Hay cụ thể hơn, ai sẽ đi giao hàng?
Lúc quy mô nhỏ, chúng ta có thể thuê 1 vài shipper, nhưng khi khoảng trên 5 quán, chẳng nhẽ lại nuôi hẳn một đội shipper? Bỏ qua chuyện tiền đầu tư cho đội quân này, tuyển dụng và quản lý họ thôi cũng đã rất vất vả.
Trường hợp The Coffee House thì khác, vì họ và Giao Hàng Nhanh – AhaMove là người một nhà, nên tất nhiên được ưu tiên khi có nhu cầu. Chính sự cộng hưởng này đã giúp The Coffee House tự tin nói mình có thể đảm bảo việc giao hàng 30 phút ở các quận trung tâm.
Bà Chi Nguyễn - Giám đốc PR-marketing của Starbucks Việt Nam cũng từng cho biết:
"Sắp tới, có thể chúng tôi sẽ triển khai việc tự bán hàng qua app, nhưng chỉ bán tại quán để người dùng mang đi, chứ không thể giao tận nơi, bởi đơn giản chúng tôi không có giải pháp cho phần logistic.
App bán hàng online thì ai cũng có thể xây được, chúng khá đơn giản, quan trọng làm sao vận hàng hệ thống bán hàng để đảm bảo cho khách hàng có trải nghiệm xuyên suốt nhất".
2. Biết cách tận dụng dữ liệu khách hàng
Các doanh nghiệp khác vẫn thường thu thập dữ liệu rồi gửi tin nhắn cho khách hàng, The Coffee House còn phân tích dữ liệu để phục vụ 2 mục đích sau: thấu hiểu hành vi của khách hàng - là điều quan trọng nhất, từ đó có thể ‘xây dựng một hệ thống kinh doanh hiệu quả’.
Đối với ứng dụng của The Coffee House, ngoài tính năng giao hàng, khách hàng còn được tích điểm để đổi quà, nhận ưu đãi, đăng ký làm thành viên, tìm cửa hàng và nhận hướng dẫn đường đi đến cửa hàng.
Để thành công xây dựng hệ thống bán hàng online ‘ra tấm ra món’ cho các chuỗi, ngoài kiên nhẫn xây từ đầu, còn phải đầu tư rất nhiều tiền cho mảng công nghệ và có đội giao hàng riêng sẵn sàng hỗ trợ.
Muốn đạt được cả 3 điều kiện nói trên quả thật không dễ, nhìn sơ qua thị trường chúng ta chỉ thấy chuỗi The Coffee House đạt đủ 3 điều kiện trên; còn các chuỗi lớn khác như Starbucks Việt Nam, Phúc Long hay Highlands Coffee đều chưa thể làm được.
Tổng hợp