Trong một chuyến công tác sang Nhật Bản có dịp ghé thăm nhiều công ty đối tác, Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà đã nói: "Tôi muốn thực hiện 3 chia sẻ với các công ty Nhật Bản".
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software).
Đầu tiên là "heart-share", có nghĩa là đoàn kết một lòng dù trong điều kiện thuận lợi hay phải đối mặt với thách thức.
Thứ hai là "mind-share", có nghĩa là phát huy thế mạnh của nhau và tạo ra sự kết hợp tối ưu để tăng cường năng lực cạnh tranh.
Thứ ba là "business-share", cùng nhau phát triển kinh doanh và thị trường mới như một đối tác kinh doanh thực sự.
Theo bà Hà, Tập đoàn FPT đã xây dựng quan hệ đối tác với nhiều công ty Nhật Bản và sẽ tích cực hơn nữa trong việc liên doanh với các công ty Nhật Bản cũng như hợp tác với các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Hà lý giải, chính FPT Nhật Bản (công ty con có tư cách pháp nhân tại Nhật của FPT Software) cũng đã bắt đầu hoạt động kinh doanh từ năm 2005 với chỉ ba thành viên.
Đến nay đã có hơn 1.500 nhân viên đang làm việc tại 12 văn phòng trên xứ Phù Tang. Ngoài ra, hơn 9.000 nhân viên tại Việt Nam và các khu vực khác cũng đang tham gia vào công việc liên quan đến các doanh nghiệp Nhật Bản.
“FPT Nhật Bản cũng đi lên như một công ty mới khởi tạo, hoàn toàn thấu hiểu những khó khăn cũng như thế mạnh của những tổ chức mới vào thị trường”, bà Hà nói.
Thời gian đầu, FPT Nhật Bản chọn khả năng cạnh tranh về chi phí của mô hình phát triển offshore (dùng đội ngũ sản xuất tại Việt Nam) là thế mạnh chính nhưng nhờ nỗ lực tích lũy năng lực công nghệ, doanh nghiệp này đã được nhiều khách hàng đánh giá là đối tác thực hiện chuyển đổi số trong những năm gần đây.
Để có được mức tăng trưởng 30% hàng năm sau 15 năm gia nhập thị trường Nhật Bản, FPT Nhật Bản không ngừng nỗ lực, chuyển mình phát triển các mảng kinh doanh.
Doanh nghiệp Việt tại Nhật không chỉ chú trọng vào tăng cường năng lực dịch vụ công nghệ thông tin truyền thống mà còn cả ở công đoạn bậc cao như tư vấn về công nghệ thông tin hay thiết kế cơ bản.
Một trong những hoạt động hỗ trợ mà FPT Nhật Bản thực hiện là mở trường Nhật ngữ FPT nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực Tiếng Nhật cho cộng đồng người Việt cũng như người nước ngoài tại Nhật, dự kiến mỗi năm đào tạo 100 sinh viên.
Giải thích lý do FPT chọn đầu tư vào Nhật năm 2005 và không ngừng phát triển cộng đồng tại đây, bà Hà nói: “Để nuôi dưỡng nhân tài trẻ, Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du nhằm khuyến khích việc sang Nhật du học. Việc đầu tư vào Nhật Bản cũng một phần được truyền cảm hứng bởi câu chuyện lịch sử này.
Thêm vào đó, chúng tôi cảm thấy giữa hai nước có những điểm chung nhất định về điều kiện tự nhiên hay văn hóa, ví dụ như cách suy nghĩ hoặc hành động được nuôi dưỡng bởi nền văn minh lúa nước".
Theo Chủ tịch FPT Software, doanh nghiệp này muốn bắt kịp công nghệ tiên tiến của thế giới bằng cách mở rộng đầu tư vào thị trường Nhật Bản.
Nhật Bản có vô số công ty thành công cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, các công ty ở đất nước mặt trời mọc đều đang phải đối mặt với thách thức lớn là già hóa dân số. Trong khi đó, Việt Nam có độ tuổi trung bình trẻ, có rất nhiều người trẻ tràn đầy lòng hiếu học.
“Chắc chắn năng lực cạnh tranh toàn cầu sẽ được nâng lên một tầm cao mới bằng cách kết hợp đặc trưng của cả hai nước”, vị lãnh đạo này khẳng định.
Trong 15 năm qua, Nhật Bản cũng từng phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn, trong đó, có thể kể đến thảm họa động đất và sóng thần Tohoku. Có những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã sơ tán nhân viên ra nước ngoài, nhưng FPT Nhật Bản chọn ở lại.
Sau sự kiện động đất và sóng thần Tohoku, toàn bộ cán bộ nhân viên của FPT Nhật Bản năm đó đã quyên góp một ngày lương để trợ giúp Nhật Bản sau thảm họa.
"Theo đuổi triết lý heart-share và niềm tin, sự quyết tâm mạnh mẽ không phụ lời hứa với khách hàng, chúng tôi đã tiếp tục duy trì công ty tại Nhật Bản. Việc đó không chỉ giúp chúng tôi nhận được lời khen ngợi từ rất nhiều khách hàng, mà còn củng cố lòng tin của họ tại Nhật Bản đối với chúng tôi", bà Hà nói với báo Nhật.
Đến năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, vào thời điểm tất cả chuyến bay thông thường của các hãng hàng không giữa hai nước đều bị hoãn, Tập đoàn FPT và FPT Nhật Bản đã điều động chuyên cơ riêng để đưa số người được phép tối thiểu về nước an toàn bằng sáu chuyến bay.
Trên những chuyến bay riêng do FPT sắp xếp, có cả những cư dân Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp Nhật Bản, nhân viên của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đang mở rộng kinh doanh tại Nhật Bản.
Theo bà Hà, FPT Nhật Bản hiện đã trở thành một sự hiện diện hỗ trợ cho mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản về mặt kinh doanh.
Tháng 10/2020, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã lựa chọn Việt Nam là điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức.
Tầm quan trọng của mối quan hệ Nhật - Việt đang ngày một tăng lên do những thay đổi về địa chính trị như xung đột thương mại Mỹ - Trung cũng như khi hiệp định TPP11 bắt đầu có hiệu lực. Bà Hà cho biết trong tình hình đó, FPT Software trở thành tâm điểm của sự chú ý.
"Chúng tôi đang cùng với khách hàng tiếp tục quyết tâm vượt qua những khó khăn do Covid. Các hoạt động giảm chi phí, tối ưu hóa tài nguyên hoặc đề xuất thực hiện chuyển đổi số vẫn liên tiếp diễn ra. Chính vì đây là thời kỳ khó khăn nên chúng tôi muốn đưa ra những đề xuất có giá trị hơn bao giờ hết,” Chủ tịch FPT Software nói.
Tháng 3/2020, Tập đoàn FPT đã trở thành công ty công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam gia nhập Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản.
Theo The Leader