Tuy nhiên để nhận được ưu đãi đặc biệt này, doanh nghiệp phải có dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 30.000 tỉ đồng.
Hoặc dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có vốn trên 3.000 tỉ đồng cùng các điều kiện khác.
Ba mức ưu đãi đặc biệt
Theo Quyết định 29/2021/QĐ-TTg được ký ngày 6-10 vừa qua, có 3 mức ưu đãi đầu tư đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, sẽ có 3 mức ưu đãi được áp dụng cho các dự án đầu tư, tùy vào khả năng đáp ứng các tiêu chí về vốn đầu tư, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, giá trị gia tăng, và có sự tham gia chuỗi của doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể nhà đầu tư sẽ được áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp 9% trong 30 năm nếu thực hiện dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn từ 30.000 tỉ đồng trở lên và phải thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với thuế suất ưu đãi 7% trong thời gian 33 năm áp dụng đối với thu nhập từ dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó).
Các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên.
Phải thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.
Đối với thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37 năm áp dụng đối với thu nhập từ các hoạt động của Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37 năm còn áp dụng với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỉ đồng trở lên.
Phải thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỉ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư và đáp ứng một trong bốn tiêu chí.
Đó là dự án công nghệ cao mức 2, có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 2, giá trị gia tăng chiếm trên 40% trong giá thành toàn bộ của sản phẩm đầu ra cuối cùng mà tổ chức kinh tế cung cấp, hoặc đáp ứng tiêu chí chuyển giao công nghệ mức 2.
Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg cũng quy định cụ thể về thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với các đối tượng quy định.
Cụ thể miễn thuế 5 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 10 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi 9% nêu trên.
Miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 12 năm tiếp theo đối với thu nhập của tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi 7% nêu trên.
Miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 13 năm tiếp theo đối với thu nhập từ các hoạt động của đối tượng hoặc tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp áp dụng thuế suất ưu đãi 5% nêu trên.
Ngoài ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, các dự án đầu tư đáp ứng các điều kiện đặt ra, còn được miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 18-20 năm, giảm 55-75% tiền thuê đất, thuê mặt nước trong suốt vòng đời dự án.
Đây được xem là mức ưu đãi rất cao, bởi thực tế, theo các quy định hiện hành, mức ưu đãi cao nhất mà các dự án đầu tư được hưởng là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo.
Không dễ nhận được ưu đãi đặc biệt này!
Mặc dù vậy, để nhận được ưu đãi này theo giới quan sát và nhà đầu tư là không đơn giản vì các tiêu chí được đưa ra là khá khó, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể đáp ứng được.
Bởi lẽ bên cạnh điều kiện về quy mô vốn đăng ký, để được hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước của Chính phủ.
Quyết định 29/2021/QĐ-TTg còn quy định nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí quy mức vốn giải ngân, đầu tư dự án công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước.
Đơn cử như quy định về dự án công nghệ cao, có hoạt động R&D sẽ được chia thành hai mức.
Mức 1 có doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao ít nhất đạt 70% tổng doanh thu, lao động R&D đạt 1%.
Mức 2 doanh thu sản phẩm công nghệ cao đạt trên 80%, lao động R&D đạt 2%.
Tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 1 là từ 30-40%, mức 2 là trên 40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi và thực hiện các hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất sản phẩm.
Khoảng 30% giá thành sản phẩm được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.
Hoặc là với tiêu chí tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, mức 1 là 30-40%.
Mức 2 là trên 40% doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi và thực hiện các hợp đồng lắp ráp, cung cấp linh kiện, nguyên vật liệu, dịch vụ để sản xuất sản phẩm.
Đáng chú ý, tương ứng đó là khoảng 30% giá thành sản phẩm phải được tạo ra bởi các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị.
Đối với tiêu chí về chuyển giao công nghệ, các doanh nghiệp muốn hưởng ưu đãi đầu tư đặc biệt phải đáp ứng điều kiện chuyển giao công nghệ cho 3 doanh nghiệp Việt Nam trở lên trong 5 năm kể từ thời điểm cấp phép đầu tư dự án.
Đây là hai tiêu chí quan trọng mà các dự án đầu tư cần đáp ứng, nếu muốn được hưởng ưu đãi đầu tư ở mức 2 và mức 3.
Tuy nhiên hai tiêu chí này được đánh giá là rất khó khăn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Nhất là đối với các tập đoàn sản xuất đa quốc gia vì họ cho rằng khó tìm được nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng quy định trở thành nhà cung ứng cho họ.
Giới tư vấn đầu tư cũng băn khoăn với tiêu chí chuyển giao công nghệ, bởi thực tế, một số công nghệ lõi, công nghệ nguồn thì khó có tập đoàn nước ngoài nào sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam.
Trên thực tế, cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt đã được quy định tại khoản 2, Điều 20, Luật Đầu tư.
Quyết định 29/2021/QĐ-TTg là một bước để cụ thể hóa mức ưu đãi, thời gian và điều kiện áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt.
Và giới quan sát cho rằng các quy định ưu đãi đầu tư đặc biệt nằm trong chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chọn lọc đã được Chính phủ đề ra.
Quy định này khuyến khích các nhà đầu tư FDI vốn lớn, công nghệ cao gắn bó lâu dài với Việt Nam.
Nó cũng thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, tăng tính lan tỏa của đầu tư FDI mà lâu nay đất nước vẫn đề cập.
Cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt này cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn trong nước vươn lên, hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất, bắt tay và cạnh tranh sòng phẳng với các nhà đầu tư nước ngoài.
Trên thực tế, Chính phủ đang hướng trọng tâm vào các các tập đoàn lớn. Do là “ưu đãi đặc biệt”, vượt với mức ưu đãi hiện tại nên tiêu chí đặt ra cũng phải cao để sàng lọc nhà đầu tư có chất lượng.
Theo Kinh tế Sài Gòn