Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) lần thứ 27 và Giải thưởng WIPO 2021 đã được tổ chức và trao cho các tác giả có công trình xuất sắc.
Tiêu chí trao giải dựa trên tính mới, sáng tạo, hiệu quả kinh tế - xã hội - kỹ thuật và khả năng áp dụng rộng rãi.
Trong số hơn 100 hồ sơ tham dự, Hội đồng giải thưởng lựa chọn 45 công trình tiêu biểu.
Có 4 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích đã được trao.
4 giải nhất ở các lĩnh vực: bảo vệ môi trường; cơ khí tự động hóa; sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; công nghệ vật liệu.
Giải pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm không làm ảnh hưởng tới cảnh quan xung quanh khi thi công
Một trong số những công trình đạt giải là "Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm".
Công trình này của TS Hoàng Đức Thảo (Công ty cổ phần khoa học công nghệ Việt Nam, tỉnh Bà Rịa - BUSADCO).
Dự án đã đạt giải nhất lĩnh vực công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.
Đây là tổ hợp của công nghệ chế tạo, thiết kế sản phẩm, giải pháp kỹ thuật và biện pháp thi công sáng tạo.
BUSADCO là Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân, được Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận là doanh nghiệp Khoa học Công nghệ.
Công ty hoạt động trên 05 lĩnh vực bao gồm:
- Hoạt động công ích trong lĩnh vực thoát nước đô thị;
- Dịch vụ Tư vấn Xây dựng tổng hợp và Dịch vụ môi trường, thương mại.
- Thi công Xây lắp các công trình Dân dụng, Công nghiệp, Hạ tầng kỹ thuật đô thị;
- Đầu tư phát triển Dự án đa ngành, đa lĩnh vực;
- Nghiên cứu và ứng dụng Khoa học công nghệ;
- Các hoạt động kinh doanh khác mà pháp luật không cấm.
Doanh nghiệp đã nhiều lần đạt giải các cuộc thi về khoa học công nghệ như iCAN, Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ.
Công trình đạt giải lần này có điểm nổi bật là phương pháp thi công mới cho cấu kiện kè bê tông cốt phi kim, áp dụng riêng tại hồ Hoàn Kiếm.
Chúng phù hợp với tính đặc thù của công trình, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiếng ồn, bụi, không xả thải trong quá trình thực hiện.
Công trình không dùng móng, cấu kiện được nén ép và liên kết trực tiếp với đất nền.
Các cấu kiện liên kết với nhau dạng modul đảm bảo ổn định kết cấu tường chắn đất không bị lật, trượt, lún.
Nhờ công nghệ sáng tạo này nên quá trình thi công không ảnh hưởng đến mực nước ngầm dưới đáy và cây cối, môi trường xung quanh hồ.
Thiết bị xì tháo thuốc nổ độ an toàn cao lần đầu được sử dụng ở Việt Nam
Giải nhất lĩnh vực cơ khí tự động hóa thuộc về "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị xì tháo thuốc nổ phục vụ xử lý bom mìn, vật nổ cơ động".
Tác giả của công trình này là Trung tá, TS Tô Đức Thọ và cộng sự (Cục Khoa học quân sự - Bộ quốc phòng).
Đây là lần đầu tiên thiết bị xì tháo cơ động có công suất, tính năng, hiệu quả, độ an toàn cao được sử dụng ở Việt Nam.
Công trình này được đánh giá là góp phần bổ sung quan trọng về phương pháp, trang thiết bị xử lý đạn dược cho công tác xử lý bom mìn, vật nổ sau chiến tranh và xử lý đạn dược cấp 5 hàng năm.
Nhờ vậy giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, đảm bảo an toàn, hiệu quả cao, dễ chế tạo, sản xuất.
Giống chè mới sinh trưởng khỏe mạnh năng suất cao
Giải nhất lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống thuộc về:
"Nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống chè PH8 cho năng suất cao, chất lượng tốt góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất chè cho các địa phương trong cả nước" .
Công trình này của nhóm tác giả TS Nguyễn Thị Minh Phương (Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm miền núi phía Bắc, tỉnh Phú Thọ).
Viện này là đơn vị sự nghiệp khoa học trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Viện có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về nông nghiệp phục vụ phát triển của Vùng Trung du miền núi phía Bắc.
Nhóm tác giả sử dụng phương pháp lai hữu tính giữa mẹ là giống TRI777 và bố là giống Kim Tuyên.
Từ đó tạo ra giống PH8 sinh trưởng khỏe, bật mầm sớm, búp nhiều tuyết, cho năng suất cao.
Giống chè mang nhiều ưu điểm nổi trội so với giống phổ biến hiện nay nhờ kết hợp được nhiều tính trạng quý, đặc biệt là khả năng chống chịu và thích ứng rộng.
Trong điều kiện thâm canh tốt, giống này có thể cho năng suất ổn định từ 20 - 25 tấn/ha, năng suất hái máy có thể đạt 35 - 40 tấn/ha.
Công nghệ Top Base giảm độ lún của đất, tăng khả năng chịu tải của nền móng
Giải nhất lĩnh vực công nghệ vật liệu thuộc về công trình "Ứng dụng công nghệ phễu bê tông (Top Base) trong việc gia cố nền đất yếu tại Việt Nam".
Kỹ sư Phạm Thành Công và cộng sự (Viện Công nghệ GFS) là tác giả của nghiên cứu này.
Viện Công nghệ GFS thuộc Tập đoàn GFS, với 03 lĩnh vực đầu tư mũi nhọn:
Bất động sản; Khoa học - Công nghệ; Nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.
Từ việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ Top Base của Hàn Quốc, nhóm kỹ sư GFS tìm cách cải tiến, cập nhật tiêu chuẩn cơ sở cho giải pháp này.
Từ đó cho phép áp dụng đại trà vào thực tiễn ngành xây dựng Việt Nam.
Công nghệ Top Base được thi công bằng cách đặt những khối bê tông hình phễu đã được lèn chặt trong một lớp đá dăm, trên nền đất yếu.
Phương pháp này có thể giảm được độ lún của đất, tăng khả năng chịu tải của nền móng.
TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC cho biết:
Qua 27 lần tổ chức giải thưởng, hàng nghìn công trình đoạt giải được ứng dụng, triển khai thực tế, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước.
Các công trình tạo được tiếng vang lớn, góp phần động viên phong trào thi đua nghiên cứu sáng tạo khoa học công nghệ.
Giải thưởng đã khơi dậy hơn nữa đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo công nghệ.