Hiện nay, với sự phát triển đa dạng của nhiều loại mô hình doanh nghiệp, mô hình kinh doanh cũng đồng thời mang đến những phong cách quản trị và văn hoá doanh nghiệp hết sức phong phú.
Dù việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ tối quan trọng nhưng các nhà lãnh đạo cần nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra các cách tiếp cận phù hợp.
Dưới đây là các bước chỉ dẫn ngắn gọn và thiết yếu cho việc lựa chọn và xây dựng văn hóa doanh nghiệp mà các nhà lãnh đạo cấp cao cần tham khảo.
1. Thấu hiểu về doanh nghiệp - Thế mạnh, đặc điểm riêng, phù hợp với mô hình nào
Khi bắt đầu xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp, hãy nghĩ thật kỹ về những điều doanh nghiệp muốn tạo nên, bắt đầu từ chính những thế mạnh và đặc điểm riêng của công ty.
Khi công ty phát triển dựa trên những nền tảng có sẵn, trực giác sẽ chỉ cho nhà lãnh đạo biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào để mọi thứ tốt nhất.
Các nhà lãnh đạo cần nghiên cứu, tham khảo các loại hình văn hóa doanh nghiệp chi tiết ưu, nhược điểm của 8 loại hình văn hóa doanh nghiệp đặc trưng, và đặt doanh nghiệp của mình vào, lựa chọn hình thức phù hợp.
Nhóm các dạng văn hóa phổ biến trong doanh nghiệp tại Việt Nam: Văn hóa Quyền Lực (Tăng cường sự kiểm soát mạnh mẽ của cấp trên), Văn hóa Kỷ luật (Tuân thủ theo nguyên tắc), Văn hóa An toàn (Lên kế hoạch rõ ràng, hạn chế tối đa sự sai sót), Văn hóa Kết quả (Tạo động lực chinh phục mọi đỉnh cao).
Nhóm các dạng văn hóa một số doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đổi mới: Văn hóa Quan tâm (Đánh giá cao sự kết nối và tin tưởng lẫn nhau), Văn hóa Học Hỏi (Không chỉ là làm việc cùng nhau mà là cùng nhau phát triển).
Nhóm các dạng văn hóa của các doanh nghiệp nổi bật trên thế giới: Văn hóa Vui vẻ (Biến nơi làm việc thành không gian trải nghiệm hạnh phúc mỗi ngày), Văn hóa Chủ đích (Sự hình thành của lý tưởng tồn tại và hướng đến sự phát triển bền vững).
Bài viết chi tiết phân tích về 08 loại văn hóa doanh nghiệp được Harvard Business Review phân biệt dựa theo 2 tiêu chí là sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi: 08 dạng văn hóa trong doanh nghiệp và cách lựa chọn văn hóa doanh nghiệp phù hợp.
2. Xây dựng hình mẫu lý tưởng
Sau khi tham khảo 8 loại hình văn hóa đặc trưng trên thế giới, chúng ta có thể chú thích đi kèm mỗi loại hình là tỷ lệ phần trăm theo khuynh hướng văn hóa mà doanh nghiệp quan tâm tới.
Đầu tiên là chúng ta cần cải thiện những tình trạng trong thực tế trước, những vấn đề tồn đọng ngay trước mắt.
Tuyển dụng liên tục: đây là dấu hiệu cho thấy công tác quản lý nhân sự yếu kém, việc nhân viên không hài lòng, không muốn gắn bó với doanh nghiệp.
Thói quen xấu của quản lý và nhân viên: kỷ luật kém, không hoàn thành công việc đúng deadline, hay đi làm trễ, đến công ty đúng giờ nhưng không bắt đầu công việc đúng giờ…
Có nhiều cuộc trò chuyện và các biện pháp kỷ luật khi nhân viên vi phạm, sai lầm. Nhưng lại có rất ít sự công nhận và khen thưởng.
Mọi người không lên tiếng thảo luận về các ý tưởng trong cuộc họp, nhưng lại phấn khởi bàn tán sau lưng khi cuộc họp kết thúc.
Giao tiếp nội bộ kém: chả ai muốn bước chân vào văn phòng mà thấy nơi làm việc của mình mọi người đều im lặng, không cười đùa, không giao tiếp hay không có bất kỳ sự tương tác nào.
Nỗi sợ hãi có thể cảm nhận rõ ràng: Cửa phòng đóng sầm, mọi người im lặng khi sếp đi qua, tránh không đi thang máy chung với sếp…
Sau đó, trái ngược với những tồn tại đó, chúng ta sẽ xây dựng nên hình mẫu mà chúng ta mong muốn, giảm bớt những tồn đọng và tăng phần trăm đối với loại văn hóa mà chúng ta hướng tới.
3. Lên kế hoạch thực hiện - Thu hẹp khoảng cách giữa văn hóa doanh nghiệp hiện tại và hình mẫu lý tưởng
Đầu tiên, chúng ta cần xác định các yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp (giá trị cốt lõi của doanh nghiệp).
Ngày nay, có rất nhiều công ty sử dụng những từ ngữ hoa mỹ và hào nhoáng để nói về văn hóa của mình.
Enron – một tập đoàn năng lượng hùng mạnh của Mỹ từng dùng 4 từ sau để nói về giá trị cốt lõi của mình:
Liêm chính (Integrity), Kết nối (Communication), Tôn trọng (Respect), Xuất sắc (Excellence).
Kết quả là tập đoàn này đã sụp đổ vào năm 2002 do che giấu, khai man sổ sách và lừa đảo, tạo nên một trong những vụ án kinh tế chấn động nhất lịch sử nước Mỹ.
Vì vậy, giá trị cốt lõi chỉ nên là những thứ thực sự được coi trọng ở doanh nghiệp bạn.
Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì? Công ty được biết đến như thế nào?
Ví như: Netflix luôn được biết đến với không khí minh bạch. Đó là điều doanh nghiệp chú trọng xây dựng từ những ngày đầu tiên.
Mỗi nhân viên được tạo động lực làm những việc mình cho là đúng, thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân với cấp trên và đồng nghiệp.
Thay vì theo dõi nhân viên bằng giờ làm việc, Netflix thể hiện rõ những kỳ vọng và giá trị của mình để nhân viên tự giám sát và đánh giá thành tích của chính họ.
Startup này cũng nổi tiếng với chế độ lương thưởng thuộc top đầu trong các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon, thậm chí, nhân viên còn được lựa chọn việc thanh toán dưới hình thức tiền mặt hay cổ phiếu công ty.
Khi đã xác định được một văn hoá lý tưởng cho doanh nghiệp và cũng đã có sự thấu hiểu về văn hoá đang tồn tại trong doanh nghiệp mình.
Đây là lúc doanh nghiệp nghĩ tới làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa chúng.
Các khoảng cách này nên được đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.
Từ đó, chúng ta sẽ thực hiện kế hoạch hành động của doanh nghiệp sẽ bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể.
4. Triển khai văn hóa doanh nghiệp - Vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo
Thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp: lãnh đạo cấp cao doanh nghiệp cần trực tiếp chỉ đạo và theo dõi quá trình triển khai văn hóa trong doanh nghiệp mình.
Đôi khi, doanh nghiệp có thể trao lại phần lớn quyền hạn cho bộ phận Nhân sự và Truyền thông nội bộ.
Doanh nghiệp nên công bố và truyền đạt văn hóa doanh nghiệp tới toàn bộ nhân viên.
Đừng quên đặt mình vào vị trí của nhân viên để nhận biết các trở ngại thay đổi và giải quyết chúng.
Khảo sát hàng năm, tạo cơ hội để nhân viên phản hồi về các giá trị của công ty, đánh giá sự phù hợp của chúng với hoạt động hàng ngày và với giá trị của nhân viên.
Lãnh đạo cấp cao đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và truyền đạt Tầm nhìn, Sứ mệnh, Giá trị doanh nghiệp, hình thành và duy trì nền tảng văn hóa doanh nghiệp.
Do vậy, các nhà lãnh đạo cần tạo cho mình những thói quen và kỹ năng giao tiếp, thuyết phục nhân viên, gắn kết đội ngũ một cách hiệu quả và tự nhiên nhất.
Đồng thời, đây cũng là cách để nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng cho nhân viên, giúp nhân viên hoàn thiện và doanh nghiệp phát triển.