Art toy - khi đồ chơi cũng là nghệ thuật
Art toy hay được gọi là Designer toy được nhiều người hiểu đơn giản là những mô hình đồ chơi được thiết kế gắn liền với một nhân vật nào đó.
Tuy nhiên ngoài vẻ bề ngoài đẹp mắt, sáng tạo ra thì trong mỗi phiên bản Art toy đều có những ý nghĩa, câu chuyện riêng của mỗi nhân vật.
Không chỉ thế, Art Toy mang tính sưu tập và giá trị tinh thần nhiều hơn đối với những người yêu nghệ thuật.
Khác với những loại hình đồ chơi khác, các sản phẩm Art toy đều được làm thủ công do chính các nghệ sĩ trực tiếp thực hiện, tự quyết định ý niệm, cách thể hiện và ra mắt.
Do đó là giá thành của chúng trên thị trường thường rất cao thậm chí là phải bỏ nhiều công sức để săn lùng những món đồ chơi hot hay có số lượng rất ít.
Hiện nay, các sản phẩm Art toy thường là những nhân vật tưởng tượng riêng và phát hành dưới dạng phiên bản giới hạn. Góp phần giới thiệu loại hình đồ chơi nghệ thuật mới này tới giới sưu tầm nhiều hơn.
Ngày nay, các công ty lớn trong ngành sản xuất đồ chơi như Medicom và Kidrobot đều gia nhập lĩnh vực mới nổi này.
Tuy sức hút của loại hình này tại Việt Nam là không nhiều nhưng tại các quốc gia phát triển khác thì Art toy lại được rất nhiều tín đồ sưu tầm đồ chơi yêu thích sở hữu.
Chẳng hạn như Trung Quốc năm 2020, Pop Mart - cửa hàng đồ chơi nghệ thuật lớn nhất đất nước tỷ dân đã bán ra được hơn 5 triệu sản phẩm, bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch.
Làn sóng Art Toy từng bước trở thành xu hướng nghệ thuật mới tại Việt Nam
Art toy đã xuất hiện trên thế giới từ rất lâu, được xem như một hình thức sáng tác của nghệ thuật đương đại và phát triển từ 10-20 năm trước.
Nhưng cho đến vài năm trở lại đây thì loại hình này mới có mặt và được nhiều bạn trẻ Việt Nam chú ý, sưu tầm.
Vào năm 2019, store Cơm Hộp - sân chơi tiên phong trong lĩnh vực này chính thức trình lành và thể hiện sự ủng hộ tính cộng đồng của trào lưu Art toy trong nước.
Trong hai năm vừa qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng đơn vị này đã tổ chức bốn mùa triển lãm liên tiếp dưới cái tên Cơm Thập Cẩm để trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ mà Cơm Hộp hợp tác.
Cơm hợp đang từng bước xây dựng danh tính để nhiều người sưu tầm biết đến. Sự xuất hiện của Cơm Hộp phải nói là đúng thời điểm với những người theo đuổi loại hình đồ chơi nghệ thuật này.
Cơm Hộp đầu tư chỉn chu cho việc trưng bày, giúp tôn lên giá trị của sản phẩm. Có một sân chơi tốt sẽ thu hút được nhiều cao thủ ẩn dật.
Đây chính là động lực lớn thúc đẩy văn hoá Art toy phát triển mạnh mẽ hơn, ở cả vai trò người mua lẫn người bán.
Làn sóng Art toy đã khuấy động cộng đồng sáng tạo Sài Gòn trong những năm vừa qua và hứa hẹn trở thành xu hướng nghệ thuật mới.
Hàng loạt các triển lãm, những concept store bán ý tưởng liên quan về đồ chơi nghệ thuật cũng hoạt động một cách rất sôi nổi.
Có thể nói, cộng đồng làm và chơi art toys tại Việt Nam mới chỉ rục rịch bắt đầu nhưng đây là một thị trường đầy tiềm năng phát triển, trung hòa được sự sáng tạo và những đứa trẻ bên trong mỗi con người bởi tính sáng tạo cá nhân được thể hiện rất rõ trong mỗi tác phẩm.
Nghệ sĩ Art toy Việt Nam và niềm hạnh phúc khi được tự do sáng tạo
Hiện tại, Việt Nam chưa có một cơ sở hay khóa học nào chuyên đào tạo về Art toy cho nên đa phần người thiết kế cần tự trang bị kiến thức về đồ họa, tự mày mò, tự học tập và trau dồi để tạo ra tác phẩm riêng của mình.
Đa số những nghệ sĩ Art toy đều xuất từ sự yêu thích, đam mê của mình, họ cảm thấy thật thoải mái khi thỏa sức thể hiện nghệ thuật cá nhân thông qua những câu chuyện lòng ghép vào tác phẩm cuối cùng.
Jopus là một nhà thiết kế đồ họa trẻ, theo đuổi Art toy từ năm 2018. Anh chia sẻ về cơ duyên biết tới bộ môn này: “Năm 2017, mình và vợ đi du lịch Thái Lan, vô tình lúc đó cũng là khoảng thời gian diễn ra ThaiLand Toy Expo”.
Jopus đã ngạc nhiên bởi những sản phẩm đồ chơi nghệ thuật tại đó. Lúc đấy anh dường như vẫn khá còn mơ hồ về lĩnh vực mới lạ này, sau khi tìm hiểu kĩ hơn thì anh mới biết chính xác loại hình này là gì và càng lấn sâu thì càng thấy nó hấp dẫn, vì bản thân mình làm trong ngành đồ hoạ nên rất thích những sản phẩm tương tự như vậy.
Jopus chia sẻ: “Được thoải mái làm điều mình thích, không bị gò bó khuôn mẫu hay bất kỳ thứ gì, nhất là khi được cầm trên tay 'đứa con' của mình, đó là niềm hạnh phúc khó tả.”
Một nghệ sĩ khác trong ngành Art toy là The O Room, người có hai năm theo đuổi nghề và bốn mẫu nhân vật mới, chia sẻ: “Với mình, quy trình sáng tạo đến từ sự quan sát, sau đó chắt lọc hình ảnh và chuyển đổi sang hình dáng cụ thể, chỉnh sửa cho đến khi mình ưng ý rồi bắt tay vào sản xuất.”
Tác phẩm nổi bật của anh mang tên Street Dragon đã gây ấn tượng từ khi ra mắt.
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên, The O Room đã liên tưởng về tổ tiên trong cuộc sống hiện đại, nay đang ngồi ghế nhựa uống trà đá và tán dóc cùng bạn bè.
Anh nói thêm về quy trình mà bản thân áp dụng: “Quá trình sản xuất kéo dài từ việc nặn tay tạo hình nhân vật, sau đó đổ khuôn, đúc resin, xử lý bề mặt, sơn hoàn thiện, cuối cùng là đóng gói. Đối với mình thì công đoạn khó nhất là giữ bản thân đi được đến bước cuối cùng, vì thực sự ở bước nào cũng có áp lực và khó khăn riên”.
Art toy mở ra tiềm năng phát triển kinh tế sáng tạo tại Việt Nam
Tồn tại trong một thị trường có quy mô khiêm tốn như Việt Nam, các sản phẩm Art toy thường mang lại giá trị nghệ thuật hơn là kinh tế đối với người chơi.
Là lĩnh vực mới chớm nở nên Art toy vẫn đang trên đà phát triển và chiếm được sự chú ý từ công chúng. Bởi đây là một bộ môn khá mới nên có thể nhiều người vẫn còn thấy xa lạ.
Theo thời gian, tạo hình Art toy từ chỗ sở thích thủ công cá nhân đang dần nhận được nhiều sự quan tâm hơn.
Ngành Art toy hiện đã được đào tạo chính quy, và các sản phẩm Art toy đang được các bạn trẻ Việt sản xuất theo phương pháp công nghiệp hiện đại hơn.
Nhìn chung, một luồng gió mới như Art toy vẫn là một lĩnh vực tiềm năng khi con người ngày càng theo phong cách cá nhân hoá, đặc biệt hơn là giá trị tinh thần, những câu chuyện phía sau luôn luôn gây cho họ sự thích thú.
Tổng hợp, nguồn: Vietcetera, Urbanistvietnam