Ra đi vì chưa am hiểu thị trường

Một số thương hiệu bán lẻ ngoại đã nhanh chóng rời thị trường nhằm cắt lỗ, nguyên nhân được cho là do không chịu được áp lực cạnh tranh, không nghiên cứu kỹ thị trường.

Còn nhớ vào giữa năm 2019, nhiều người tiêu dùng khá bất ngờ khi nghe thông tin nhà bán lẻ Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả các hoạt động của Auchan tại Việt Nam; bao gồm 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ lẫn thương mại điện tử và hơn 200 nhân viên đang làm việc cho Auchan.

null Auchan đã thua lỗ liên tục trong thời gian trước đây.


Nhiều câu hỏi liền đặt ra vì sao Saigon Co.op mua lại chuỗi bán lẻ đến từ Pháp này bởi trước đó Chủ tịch Tập đoàn Auchan Retail, ông Edgard Bonte cho biết đã quyết định bán toàn bộ siêu thị tại Việt Nam sau gần 5 năm có mặt, nhường thị trường cho nhà bán lẻ khác.

Nguyên nhân chính là do thua lỗ liên tục tại thị trường 100 triệu dân.

Bước chân vào Việt Nam từ năm 2015, không giống nhiều chuỗi bán lẻ khác, Auchan chọn cách bắt tay với các tập đoàn bất động sản lớn để hợp tác xây dựng siêu thị ngay chính tại chung cư của chủ đầu tư.

Hệ thống siêu thị này từng lên kế hoạch đầu tư 500 triệu đô la với tham vọng mở 300 siêu thị và cửa hàng tại nước ta. Thế nhưng khi mới mở được 18 siêu thị tại Hà Nội, TPHCM và Tây Ninh thì Auchan đã rút khỏi thị trường.

Đáng chú ý, tập đoàn bán lẻ nổi tiếng của Pháp từng nhiều lần thay đổi nhận diện thương hiệu từ S.Mart thành Simply và sau đó là Auchan nhưng vẫn không thay đổi được doanh thu, thậm chí còn rơi vào vòng thua lỗ và buộc phải bán đi.

Sau khi về tay Saigon Co.op, những cửa hàng Auchan tại TPHCM; Hà Nội và Tây Ninh được chọn lọc để khai trương lại với những thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op: Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.

Hơn 200.000 khách hàng thành viên của Auchan sau đó được chuyển đổi sang chương trình khách hàng thân thiết của Saigon Co.op.

null Saigon Co.op cho biết đây là thương vụ nhận chuyển nhượng với nhiều nội dung khác nhau.


Khi đề cập đến giá trị thương vụ này, đại diện Saigon Co.op cho biết đây là thương vụ nhận chuyển nhượng với nhiều nội dung khác nhau, trong đó giá trị chuyển nhượng chỉ là một phần của thoả thuận. Theo cam kết, hai bên sẽ không tiết lộ chi tiết chuyển nhượng.

Nhiều năm trước đây, nhà bán lẻ Dairy Farm đã từng đưa thương hiệu siêu thị Wellcome và Giant đến thị trường TPHCM nhưng rốt cuộc cả hai thương hiệu bán lẻ này cũng lặng lẽ rút khỏi thị trường.

Giant - hoạt động dưới hình thức siêu thị và đại siêu thị ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei - khi bước chân vào thị trường Việt Nam vào cuối năm 2011 đã đặt mặt bằng bán lẻ tại tầng hầm Cresent Mall (quận 7).

Đến cuối năm 2019, thương hiệu này đã phải nhường sân cho chủ đầu tư khác, sau khi không thực hiện được mục tiêu hình thành một hệ thống bán hàng.

Một thương hiệu bán lẻ khác đến từ Singapore, chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop & Go do Công ty Cửa hiệu và Sức Sống quản lý, cũng thông báo rút khỏi thị trường, bán 87 cửa hàng với giá 1 đô la cho doanh nghiệp Việt.

Đi vào hoạt động từ năm 2006, từng có thời điểm sở hữu mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 100 cửa hàng, vượt qua những tên tuổi như Circle K hay Family Mart nhưng cuối cùng Shop & Go vẫn phải chuyển nhượng cho Vingroup.

Trước sức ép cạnh tranh với sự xuất hiện hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi khác, tình hình kinh doanh của Shop & Go ngày càng đi xuống. Đáng chú ý năm 2016, hệ thống này lỗ gần 40 tỉ đồng.

Tính từ năm 2016 cho đến khi sang nhượng chuỗi 87 cửa hàng còn lại của Shop & Go cho Vingroup (4-2019), bình quân mỗi tháng Shop & Go lỗ hàng trăm ngàn đô la.

null Bình quân mỗi tháng Shop & Go lỗ hàng trăm ngàn đô la trong 3 năm.


Thu hẹp sau những tháng ngày bành trướng

Parkson, thương hiệu bán lẻ với các trung tâm mua sắm cao cấp đến từ Malaysia, từng thành công rực rỡ và trở thành hiện tượng của thị trường bán lẻ thời trang ở Việt Nam.

Tuy nhiên, những năm qua, người tiêu dùng ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng đã chứng kiến việc nhà bán lẻ này liên tiếp đóng cửa, thu hẹp các điểm bán hàng.

Gia nhập thị trường Việt Nam vào năm 2005 và liên tục mở rộng ra khắp các tỉnh thành với số lượng thời đỉnh điểm lên đến gần 10 trung tâm, Parkson từng được biết đến như là một thương hiệu trung tâm mua sắm sang trọng bậc nhất Sài Gòn.

Khi đó, các nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm nước ngoài xem Parkson như là “nàng công chúa đẹp”, phải xếp hàng chờ được chọn vào kinh doanh với không ít điều kiện ràng buộc.

Nhờ tiếp cận thị trường sớm, Parkson đã có cơ hội phát triển nhanh đạt mười điểm bán ở các thành phố lớn, đáp ứng được nhu cầu quảng bá thương hiệu của một số nhãn hàng thời trang và mỹ phẩm nước ngoài lúc bấy giờ bắt đầu hướng vào thị trường Việt Nam.

Nhưng bắt đầu năm 2014, với sự xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ mới như Vincom, Aeon Mall, Crescent Mall, Takashimaya,...quy mô lớn, hiện đại hơn ra đời thu hút sự tham gia mạnh mẽ của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước cũng như xu thế tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử.

Kết quả kinh doanh của Parkson liên tục đi xuống, buộc nhà đầu tư Parkson phải tái cấu trúc lại.

null Parkson đã phải tái cấu trúc.

Tại Hà Nội và Hải Phòng, Parkson đã đóng toàn bộ các trung tâm. Tại TPHCM, chuỗi này cũng liên tục đóng các TTTM ở Lê Đại Hành (quận 11), Parkson Paragon (quận 7), Parkson Cantavil (quận 2).

Parkson Retail Asia hiện chỉ còn 3 trung tâm thương mại ở TPHCM là Parkson Saigon Tourist Plaza (quận 1), Parkson Hùng Vương Plaza (quận 5) và Parkson CT Plaza (quận Tân Bình) hoạt động.

Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh hàng loạt các trung tâm thương mại lớn, hiện đại, quy mô ra đời với nhiều cải tiến, Parkson trở nên lạc hậu khi không chịu thay đổi, cải tiến. Sự ra đi hoặc thu hẹp điểm của ông lớn đến từ Malaysia này đã được đoán trước.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 luôn có mức tăng trưởng hai con số. Cụ thể từ năm 2019 trở về trước, thị trường tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10% và kết quả của năm sau luôn tăng cao hơn năm trước đó.

Đáng chú ý, năm 2020 bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng thị trường bán lẻ vẫn đạt doanh số kỷ lục hơn 172 tỉ đô la Mỹ, tăng thêm hơn 11 tỉ đô la so với năm 2019.

Được đánh giá là có tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á hiện nay, nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là một sân chơi có tính cạnh tranh khốc liệt. Sẽ có thêm nhiều người chơi mới bước vào để khai thác và tìm kiếm lợi nhuận, và lẽ dĩ nhiên, sẽ có không ít gương mặt phải đi đến quyết định rút lui.

Theo The Saigon Times