Đã có những manh mối về khả năng tồn tại sự sống trên Sao Hỏa trước đây, như:
Việc Robot thăm dò Curiosity đã nhiều lần phát hiện ra khí methane.
Khí methane là một sản phẩm phụ mà các vi sinh vật trên Trái Đất thường thải ra trong quá trình tiêu hóa.
Tuy nhiên nó cũng có thể được tạo ra từ phản ứng địa nhiệt mà không có sự tham gia của yếu tố sinh học nào.
Dù vậy, những khám phá mới từ NASA được coi là mang tính hứa hẹn hơn.
Tín hiệu sự sống trên Sao Hỏa - Bằng chứng từ các mẫu đá
Ngày 15/09 vừa qua, hãng thông tấn lâu đời nhất trên thế giới - AFP đã đưa tin:
Robot thám hiểm Perseverance đã phát hiện ra nồng độ cao chưa từng thấy của phân tử hữu cơ trong một số mẫu đá, tín hiệu về khả năng tồn tại của các vi sinh cổ đại trên Sao Hỏa.
Nghiên cứu còn cho thấy được hố Jezero, nơi có thể từng là một hồ nước và vùng châu thổ.
Dường như tồn tại một môi trường có thể sinh sống được cách đây 3,5 tỷ năm.
David Shuster, nhà khoa học nghiên cứu về các mẫu mà Robot thám hiểm Sao Hỏa Perseverance thu thập, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo:
"Rất công bằng khi nói rằng đây là những mẫu đá có giá trị nhất từng được thu thập."
Nhà thiên văn học Sunanda Sharma của NASA nói:
"Đây là một cuộc săn tìm kho báu để tìm ra những dấu hiệu tiềm ẩn của sự sống trên một hành tinh khác".
Ông rất kỳ vọng với manh mối này:
"Vật chất hữu cơ là một manh mối và chúng ta đang ngày càng có nhiều manh mối chắc chắn hơn. Cá nhân tôi thấy những kết quả này rất xúc động vì dường như chúng ta đang ở đúng nơi, với những công cụ phù hợp, vào một thời điểm then chốt".
Cầu thang đá cổ đại ở Sao Hỏa - Sao Hỏa từng có dung nham và nước ?
Mới đây, theo tờ Space, bức ảnh bí ẩn được tàu NASA chụp ở Solis Planum, một vùng địa chất trên Sao Hỏa.
Cấu trúc kỳ lạ trông giống một cầu thang đá cổ đại như những bậc thang mà người Trái Đất ngày xưa vẫn khắc vào núi, nhưng trắng xóa như băng.
Những bậc thang bí ẩn này theo các nhà khoa học từ Đại học Arizona, có thể cung cấp một cánh cửa dẫn vào lịch sử phức tạp của một thế giới từng đầy nước và có thể là đầy sự sống của hành tinh đỏ.
Sau khi nghiên cứu thì các nhà khoa học nhận định rằng đây là "một mạng lưới các kênh cổ xưa bị đập vỡ".
Thú vị hơn, các nhà khoa học cho rằng có 2 thứ có thể tạo ra các kênh cổ xưa này: Dung nham hoặc nước.
Dù là dung nham hay nước thì vẫn có thể minh chứng Sao Hỏa là một hành tinh “sống”.
Dung nham đại diện cho một hành tinh "sống" với hoạt động sôi nổi của núi lửa.
Điều này có nghĩa là vẫn có hoạt động địa chất phức tạp, thứ rất cần thiết để hành tinh đó duy trì được khí quyển và môi trường ổn định, phù hợp cho sự sống.
Nước là thứ gắn kết mạnh mẽ nhất với sự sống, và rất có thể có sinh vật từng cư ngụ ở đó.
Lời kết
Từ lâu, từ những bằng chứng sơ bộ, các nhà khoa học đã tin tưởng rằng:
Sao Hỏa từng có nước và sự sống, trước khi một sự kiện không may làm nó mất đi từ quyển, khí quyển và cả nước, trở nên khô cằn như ngày nay và khiến sự sống tuyệt chủng.
Phát hiện mới cung cấp một "lá cờ đánh dấu" thú vị về một trong những nơi mà các sứ mệnh săn tìm sự sống tương lai của NASA và nhiều cơ quan vũ trụ khác trên thế giới nên tìm tới.
Tuy nhiên, để có thể nghiên cứu và phân tích sâu hơn, các nhà khoa học sẽ phải chờ các mẫu đá được đem về Trái Đất trong sứ mệnh Mars Sample Return - hợp tác giữa NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) - vào năm 2033.