Đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam vừa thông tin, 5 tháng đầu năm 2021, dù ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam vẫn đạt gần 296 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020.
Đây cũng là mức tăng cao kể từ khi nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hàng hải nói riêng chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch COVID-19.
Các khu vực có hàng container xuất nhập khẩu tăng mạnh, gồm: khu vực Tp. Hồ Chí Minh tăng hơn 16%, khu vực Vũng Tàu tăng 33%, khu vực Hải Phòng tăng hơn 20%.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, để giữ được nhịp tăng trưởng, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và cơ quan chức năng, Cục Hàng hải Việt Nam liên tục có văn bản đốc thúc các doanh nghiệp cảng và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh COVID-19.
Trong đó, các cảng vụ hàng hải được yêu cầu phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng biển kiểm soát, hạn chế thuyền viên lên bờ, không để những người không có nhiệm vụ từ bờ lên tàu. Trường hợp thực sự cần thiết, thuyền viên có lên bờ cũng phải được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền.
Tối ưu hóa hệ thống cảng biển bất chấp đại dịch.
Để đảm bảo việc đón tàu, thuyền cập cảng làm hàng không bị gián đoạn, ông Nguyễn Xuân Sang cho biết Cục đã yêu cầu tổ chức hoa tiêu hàng hải xây dựng phương án xử lý trong trường hợp đơn vị có cán bộ, hoa tiêu bị nhiễm hoặc phải cách ly do dịch.
Có phương án phối hợp giữa các hoa tiêu trong khu vực khi có trường hợp khẩn cấp nhằm hạn chế kẹt càng do thiếu hoa tiêu, duy trì nhịp độ vận chuyển hàng hóa tại cảng.
Cảng cũng chủ động làm việc với cơ quan chức năng để hoa tiêu được tiếp tục đi làm nhiệm vụ dẫn tàu khi tỉnh/thành phố thực hiện cách ly, phong tỏa sau khi hoa tiêu đã được xét nghiệm đầy đủ.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Sang, để hạn chế nguy cơ lây lan COVID-19 trong hoạt động tiếp nhận hàng hóa tại cảng biển, công tác triển khai thủ tục điện tử cũng đã được các cảng vụ, cảng biển ứng dụng triệt để.
Đối với các thủ tục hành chính chưa được thực hiện bằng phương thức điện tử, đơn vị yêu cầu hạn chế tối đa việc nộp hồ sơ trực tiếp, khuyến khích gửi thủ tục qua đường bưu chính và tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến hồ sơ qua Email, Zalo, Viber,…
Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng phòng Tuyên giáo-Truyền thông, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam-VIMC (đơn vị sở hữu 15 cảng biển trên cả nước) cho biết, để đảm bảo an toàn cảng cũng trang bị thêm nhiều trang thiết bị hỗ trợ phòng tránh dịch, yêu cầu cán bộ, công nhân viên lẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc quy định phòng tránh dịch.
Nhờ triển khai hiệu quả các biện pháp, 4 tháng đầu năm, cảng biển VIMC đã đảm bảo an toàn cho hơn 30 triệu tấn hàng hóa thông qua với mức tăng trưởng gần 13%./.
Theo Việt Nam plus.