Black Friday dù đã là đợt khuyến mãi rầm rộ lớn nhất tại Mỹ và một số nước khác nhưng tương lai của nó được dự báo là không sáng sủa (đồng nghĩa với tên Black: màu đen). Vì sao?
Nguồn gốc Black Friday
Black Friday (thứ 6 màu đen) nghe qua sẽ liên tưởng đến điều gì đó mang ý nghĩa tiêu cực, đen đủi. Thế nhưng, nó lại là ngày mua sắm điên rồ tại Mỹ. Các cửa hàng bắt đầu mở cửa sớm hơn bình thường rất nhiều với vô số hàng hóa giảm giá sốc, tất nhiên sẽ có những chiêu lừa giảm giá cho có. Có thể có những mặt hàng được giảm giá lên đến 80% hay mức không tin được. Chính vì vậy, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị, cửa hàng để tìm mua hàng giá rẻ. Tất cả các đường phố trên đất Mỹ đều đông nghịt người trong ngày thứ sáu mua sắm. Do đó, cảnh sát sẽ vô cùng vất vả nên họ gọi luôn là “Thứ Sáu Đen” - nghĩa là đen cho giới cảnh sát.
Thương mại điện tử ngày càng phát triển và cạnh trạnh với hoạt động khuyến mại kinh doanh truyền thống. Ảnh Công Hùng
Vì tâm lý đám đông, Black Friday có thể biến những người trầm tính và bình tĩnh nhất thành những tín đồ mua sắm không suy nghĩ vì cho rằng cả năm mới có một lần. Trước và trong Black Friday, báo chí tràn ngập tin tức, hình ảnh về những người sẵn sàng đứng chờ qua đêm trước các các trung tâm mua sắm và cửa hàng, có khi bất chấp thời tiết khó khăn, để tràn vào bên trong mà hốt hàng rồi gây ra những cảnh hỗn loạn (năm nào cũng vậy).
Trước Black Friday một thời gian, các cửa hàng và trung tâm thương mại thông báo đầy những giảm giá, khuyến mại sốc để càng nhiều người biết càng tốt. Cứ như là điềm báo trước những cuộc tranh giành giá sốc, cảnh người ta chen lấn để lao vào nhau tại các siêu thị, cửa hàng hòng giành giật hàng hóa.
Những dịp mua sắm lớn khác dần phổ biến trên thương mại điện tử
Đầu tiên là Cyber Monday hay Thứ Hai Online, là thứ hai ngay sau Black Friday (năm 2020 là ngày 30/11). Chính sự phát triển của công nghệ và xu hướng mua sắm trực tuyến đã góp phần tạo nên Cyber Monday. Đó là ngày tín đồ của mua đồ qua mạng tiếp tục được hưởng các ưu đãi và giảm giá như Black Friday nhưng chỉ áp dụng với mua sắm online như tên gọi
Năm 2005, Ellen Davis - Phó Chủ tịch cấp cao của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ - là người đầu tiên sử dụng khái niệm này, vì bà thấy doanh số bán hàng online vào thứ hai sau dịp Lễ Tạ Ơn tăng mạnh mẽ. Số liệu do Adobe Analytics thống kê ở Mỹ năm 2018, số giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện vào "Cyber Monday" còn lớn hơn Black Friday, và doanh thu lên tới 7,9 tỷ USD.
Ngày Độc thân Single Day 11/1: Jack Ma, ông chủ người khổng lồ Alibaba của Trung Quốc là cha đẻ của Single Day; 4 chữ số 1 được chọn để thể hiện sự độc thân. Dù sinh sau đẻ muộn nhưng ngày lễ mua sắm do Jack Ma tạo ra cũng đã hình thành một xu hướng mới để thách thức Black Friday trên phạm vi toàn cầu.
Với sự phát triển của Alibaba và thị trường gốc là Trung Quốc đông dân nhất thế giới, tương lai của Ngày Độc thân sẽ thật sự là thử thách lớn đối với Black Friday.
Giảm giá đóng vai trò lớn trong doanh số bán hàng của Ngày Độc thân. Alibaba đưa ra nhiều hình thức như giảm giá trực tuyến, coupon có thể được sử dụng cả trên cửa hàng online lẫn vật lý, chương trình khuyến mãi trong các sự kiện bán trước ngày giảm giá chính thức và giảm giá trên trang Tmall thuộc Alibaba.
Có thể kể đến vai trò của giảm giá offline (vật lý) như sau: Năm 2018, Alibaba đã kết nối hoạt động mua sắm trực tuyến với các cửa hàng trên khắp Trung Quốc. Họ đảm bảo khách hàng có thể nhận được những chương trình khuyến mãi ngay cả trên các cửa hàng vật lý, với 22 cửa hàng Intime, 100 siêu thị Hema và 222 cửa hàng nội thất Easyhome. Các thương hiệu cá nhân cũng sử dụng chương trình giảm giá và chiến thuật như "click" và lấy đồ để thúc đẩy doanh số tại các cửa hàng. Luckin Coffee đã chạy chương trình "Mua 1, tặng 2" cho cả đơn đặt hàng online và cửa hàng vật lý. Chương trình này đã giúp số lượng sản phẩm được bán ra trong 7 ngày là 18 triệu cốc, tương đương cao cấp 62 lần số lượng được bán ra mỗi ngày.
Thị trường Việt Nam cũng hưởng ứng Single Day mạnh mẽ, trong đó, nổi bật hơn là các nền tảng Lazada và Shopee. Những thị trường Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines cũng là chỗ được Single Day yêu thích.
Tạm để Cyber Monday và Single Day qua 1 bên, Việt Nam còn có nhiều đợt khuyến mại mua sắm toàn quốc rầm rộ khác. Có thể liệt kê chưa đầy đủ như sau: Giáng Sinh, Tết Nguyên Đán, Lễ tình nhân 14/2, Ngày lễ 30/4 - 1/5, Lễ Quốc khánh 2/9…
Hầu hết các chương trình khuyến mại này đều có trên cá trang thương mại điện tử. Chính những điều này sẽ khiến Black Friday dần mất vai trò là dịp khuyến mãi lớn trong năm, dịp mọi người chờ đợi để mua hàng giá rẻ.
Theo Kinh Tế & Đô Thị