Nhà xưởng vừa là trái tim vừa là bộ não của địa hạt thời trang.
Đây không chỉ đơn thuần là nơi trang phục và những món phụ kiện được ra đời, mà còn là nơi những người thợ gửi gắm niềm tự hào về nghệ thuật thủ công Pháp vào từng đường kim mũi chỉ.
Không thừa mà cũng chẳng thiếu, những đường cắt may được tính toán tỉ mỉ đến từng chi tiết để mỗi sản phẩm vừa là một món đồ thời trang vừa là một kiệt tác nghệ thuật.
Một lần nữa, Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri tiếp tục khẳng định vẻ đẹp nguyên bản không thể thay thế của may đo cao cấp và kỹ thuật thủ công thông qua các thiết kế trong BST Christian Dior Haute Couture Xuân Hè 2022 vừa ra mắt trong khuôn khổ Tuần lễ Thời trang Haute Couture Paris 2022.
Bước vào không gian tổ chức show diễn, khách mời ngay lập tức bị thu hút bởi phông nền tối giản, được điểm xuyết thêm những bức họa trừu tượng đầy sắc màu tươi sáng và sống động do hai họa sĩ người Ấn Độ thực hiện là Madhvi và Manu Parekh.
Từng người mẫu khoác lên người những bộ trang phục Couture mới nhất của Dior đã làm sống lại những di sản tưởng chừng như đã “ngủ quên” của làng mốt nói chung và nhà mốt Dior nói riêng.
Với BST Haute Couture Xuân Hè 2022, Maria Grazia Chiuri không chỉ tôn vinh nghệ thuật thủ công, mà còn ngợi ca thành quả lao động của những người thợ, những người đã góp phần duy trì và đưa Haute Couture vươn đến đỉnh cao của nền thời trang như ngày nay.
“Ý tưởng chính của BST là để hướng đến không gian làm việc, nhà xưởng, nơi mà tất cả mọi người cùng nhau làm việc. Tôi nghĩ chúng ta nhận thức rất rõ về mối liên kết tuyệt vời này. Một hiện thực không thể chối cãi là chúng ta là một cộng đồng rộng lớn“, nữ Giám đốc Sáng tạo đương nhiệm của Dior chia sẻ.
Có thể thấy, BST Christian Dior Haute Couture Xuân Hè 2022 hướng đến tinh thần tối giản để làm nổi bật nét đẹp thanh lịch vượt thời gian của phái nữ.
Xuyên suốt 64 bộ trang phục trong BST, Maria Grazia Chiuri sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, bao gồm dập pli, đính đá, đính lông vũ…
Nhưng thêu nổi mới chính là “át chủ bài” làm thăng hạng các thiết kế tối giản của BST lên gấp nhiều lần.
Về cơ bản, thêu nổi vốn đã ăn sâu vào huyết mạch của nhà mốt Dior, trước đây nhà sáng lập cũng vô cùng mê đắm các thiết kế đồ thêu nổi và áp dụng kỹ thuật này vào những mẫu đầm Couture lộng lẫy vào những năm 1950.
Hơn hết, thêu nổi còn giúp nâng tầm một món đồ thời trang trở thành một kiệt tác nghệ thuật.
Theo Đẹp