Chỉ số chuyển đổi số DTI là gì?
Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) được cấu trúc theo 3 trụ cột chính (pillar) gồm:
Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Mỗi trụ cột gồm 7 chỉ số chính: chỉ số đánh giá về chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng và nền tảng số, thông tin và dữ liệu số, hoạt động chuyển đổi số, an toàn an ninh mạng, đào tạo và phát triển nhân lực.
Chỉ số chuyển đổi số (DTI) bao gồm 03 cấp: DTI cấp tỉnh, DTI cấp bộ và DTI cấp quốc gia.
- Cấu trúc DTI cấp tỉnh: 03 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
- Chỉ số đánh giá gồm: 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần.
- Cấu trúc DTI cấp bộ: Chỉ số đánh giá, 06 chỉ số chính với 70 chỉ số thành phần.
- Cấu trúc DTI quốc gia: 24 chỉ số.
Các chỉ số này thể hiện mức độ đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025,... đồng thời tham chiếu đến các chỉ số được sử dụng trong đánh giá của quốc tế.
Khi đánh giá DTI của từng cấp sẽ có những thang điểm chuẩn, cụ thể đối với thang điểm chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh là 1.000 điểm chia cho 3 trụ cột theo tỷ lệ:
- 400 điểm cho chính quyền số
- 300 điểm cho kinh tế số
- 300 điểm cho xã hội
Riêng trong đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, điểm cho chỉ số của mỗi trụ cột chiếm 20%, các chỉ số chính còn lại là 10% số điểm (đánh giá theo số liệu báo cáo thống kê và điều tra xã hội).
Xếp hạng các tỉnh đứng đầu về chỉ số DTI
Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ ba của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số vào sáng ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ủy ban đã công bố Báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số - DTI 2021.
Trong bảng xếp hạng năm 2021, top 10 tỉnh/TP đứng đầu về DTI gồm: TP. Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang.
Với nhóm các tỉnh, thành phố, 2 vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, với giá trị DTI 2021 của 2 địa phương đạt được là 0,6419 và 0,5872, tăng lần lượt 0,1545 và 0,1775 so với năm 2020.
TP.HCM đã tăng thêm 2 bậc so với năm 2020, vượt lên xếp thứ 3 trên toàn quốc.
Các vị trí tiếp theo trong Top 10 địa phương dẫn đầu về DTI 2021 gồm: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang.
Trong đó, tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đều có sự vươn lên mạnh mẽ khi xếp hạng lần lượt là thứ 6 và 12, thuộc top đầu của cả nước.
Cụ thể, trong bảng xếp hạng DTI năm 2021 cấp tỉnh, Ninh Bình đứng thứ 6/63, tăng 2 bậc so với năm 2020.
Hoạt động nổi bật của các tỉnh thành có chỉ số DTI cao
Bình Phước "đi trước, đón đầu" bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh
Tỉnh Bình Phước đã nỗ lực để đạt mục đích hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới chuyển đổi số toàn diện
Các dự án công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh đầu tư bài bản, hiệu quả rõ nét như bộ não số IOC, trung tâm hành chính công các cấp.
Từ năm 2020, Bình Phước triển khai mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi.
Trong phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số"; đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện khai thuế điện tử; hóa đơn điện tử, thí điểm mô hình chợ 4.0 ở nhiều địa phương...
Đối với trục thông minh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được trang bị mạng nội bộ (LAN), kết nối Internet để triển khai các ứng dụng phục vụ công việc.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cả phần cứng, phần mềm xây dựng tại 100% UBND cấp huyện, xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính.
Đà Nẵng nỗ lực dẫn đầu kế hoạch chuyển đổi số
Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ triển khai phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Với mục tiêu hoàn thành cơ bản xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN, Đà Nẵng đã nỗ lực hướng tới các công trình chuyển đổi số.
Năm 2021, hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin tiếp tục đảm bảo phục vụ hiệu quả cho các sự kiện lớn, hoạt động của cơ quan Nhà nước, cung cấp dịch vụ công cho người dân và điều hành phòng, chống dịch COVID-19.
Triển khai kết nối mạng MAN (Mạng Metropolitan Area Network hay còn gọi là mạng đô thị liên kết từ nhiều mạng LAN qua dây cáp, các phương tiện truyền dẫn khác,...) đến tất cả các cơ quan của thành phố để phục vụ sử dụng văn bản điện tử và điều hành.
Cùng với đó, Đà Nẵng đã thu hút đầu tư Trung tâm dữ liệu; khai trương 5G và bắt đầu cung cấp dịch vụ; triển khai 6 trạm BTS không cồng kềnh trong các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung và khu công nghệ cao.
Bên cạnh đó, 100% thủ tục hành chính được kịp thời nâng lên trực tuyến mức 3,4 vừa tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế tiếp xúc, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; triển khai hệ thống họp trực tuyến phục vụ điều hành phòng, chống dịch trên toàn địa bàn thành phố.
Bắc Ninh - thành công từ mô hình thành phố thông minh
Bắc Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh.
Trung tâm điều hành, trung tâm dữ liệu, hệ thống camera, trung tâm an ninh mạng và các ứng dụng thông minh triển khai đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành.
Các sở chuyên ngành cũng đã tiến hành triển khai các đề án chuyên biệt hướng tới sự tiện lợi của người dân như:
Trung tâm Điều hành giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông thông minh, hệ thống thu thập thông tin cảnh báo sớm.
Hệ thống thông tin một cửa điện tử tích hợp Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã đáp ứng đầy đủ các chức năng và yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
8/8 UBND cấp huyện, 126/126 xã, phường, thị trấn được kết nối, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Toàn tỉnh thống nhất sử dụng duy nhất 1 phần mềm Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành giúp cán bộ, công chức, viên chức sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, nâng cao hiệu quả làm việc, tiết kiệm các chi phí văn phòng.
Lời kết
Như vậy, với sự nỗ lực không ngừng, các tỉnh thành đã tiến hành các kế hoạch và dự án chuyển đổi số.
Điều này không những cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) mà còn góp phần hỗ trợ cho đời sống của người dân.