PV: Vì sao chị chọn toán và tài chính – chuyên ngành rất khác với niềm đam mê nghệ thuật trong nhiều năm của mình?
Tôi học cấp 3 ở trường Lê Hồng Phong (tpHCM) và luôn đạt thành tích cao trong môn toán. Do đó, khi đi học ở Mỹ tôi muốn đào sâu, tìm hiểu thêm về toán nhưng không phải chuyên về lý thuyết, dù giáo sư có khuyên tôi nên tiếp tục lấy bằng tiến sĩ.
Ngược lại, tôi thích tính thưc hành của toán và tìm tòi cách vận dụng khả năng toán học của mình một cách thiết thực hơn, chẳng hạn trong ngành tài chính và đầu tư.
Sau đó, khi đi thực tập tại Prudential ở bộ phận quản lý quỹ đầu tư ở cả Việt Nam và Singapore, thì càng làm tôi càng hứng thú vì mỗi ngày luôn học được điều gì đó mới mẻ. Từ đó, đầu tư tài chính trở thành niềm đam mê mới của tôi cho đến tận sau này.
Mọi người thường hay khuyên theo đuổi những gì mình đam mê. Tôi nghĩ điều đó không sai nhưng vẫn thiếu. Mình nên tìm kiếm cái gì là thế mạnh của bản thân, biến nó trở thành niềm đam mê thì mới có thể lâu dài và bền vững.
PV: Tốt nghiệp Đại học vào năm 2009 - ngay giai đoạn khủng hoảng tài chính, làm thế nào chị tìm được cơ hội làm việc đúng chuyên ngành và ở lại Mỹ?
Năm đó, việc tuyển dụng sinh viên quốc tế sẽ khiến việc bảo lãnh khó hơn nhiều so với mọi năm. Thế nên, DN có xu hướng dành cơ hội việc làm nhiều hơn cho sinh viên Mỹ, và vì thế tôi rất khó khăn trong quá trình tìm kiếm việc làm.
Lúc ấy thì tôi chỉ nghĩ để tìm được công việc mình mơ ước trong ngành đầu tư ở Mỹ, trước hết phải giữ được chân ở Mỹ trước đã. Do đó tôi nhận lời làm chuyên viên phân tích tài chính DN tại RJ Corman Railroad Group. Ở RJ Corman Railroad Group tôi cũng xác định là chỉ làm một thời gian thôi, nếu không tìm được công việc khác thì tôi sẽ đăng ký học MBA.
Trong một chuyến bay nọ, tôi tình cờ ngồi kế một vị giám đốc đầu tư. Lúc đầu tôi thấy ông ấy đang đọc một tài liệu rất thú vị, nên ghé ngang đọc cùng. Sau cuộc trò chuyện kéo dài khoảng một tiếng rưỡi, ông ấy gửi cho tôi danh thiếp và nhắn "giữ liên lạc".
Sau đó, tôi liên lạc với ông ấy hàng tuần và coi ông như một mentor giúp mình học thêm các kiến thức thực tế về đầu tư, và biết rằng ông là cơ hội duy nhất có thể giúp tôi tìm kiếm công việc trong ngành đầu tư mà mình mơ ước.
Ông ấy cũng là người khuyên tôi nên đi học CFA nếu muốn theo đuổi chuyên ngành về đầu tư (Chartered Financial Analyst® - là chương trình học do Hiệp hội CFA - Hiệp hội quốc tế dành cho các nhà quản lý đầu tư chuyên nghiệp, cấp chứng chỉ). Học xong CFA level 1, tôi đề nghị ông ấy mở cho mình một vị trí analyst ở quỹ đầu tư của ông tại Boca Raton, South Florida.
Giờ nghĩ lại, hành trình thăng tiến chưa bao giờ là một đường thẳng, do đó tôi không tránh khỏi những lúc tự hỏi bản thân: Không hiểu mình ở lại đây làm cái gì? Nhưng chưa bao giờ tôi bỏ cuộc.
PV: Có bao giờ chị nghĩ rằng, nếu không có cơ duyên gặp được vị giám đốc đầu tư năm ấy trên máy bay, sự nghiệp của chị đã có thể rẽ sang một hướng khác?
Có thể nói là ông ấy đã giúp tôi tạo ra một bước ngoặt trong sự nghiệp. Tuy nhiên tôi tin rằng, cốt lõi vẫn là việc phải không ngừng học hỏi, tự tìm kiếm cơ hội, và biết cách đòi hỏi những gì mình xứng đáng đạt được.
Tôi tin rằng ai cũng như tôi sẽ có một cơ hội kiểu như vậy hoặc có thể gặp được một người giúp mình thay đổi vận mệnh, vấn đề là họ có đủ khả năng nhận ra nó hay không và có biết cách vận dụng nó một cách tốt nhất cho bản thân hay không.
PV: Cơ hội trở thành người điều hành Fuel Venture Capital (Fuel VC) – quỹ đầu tư quản lý hàng trăm triệu USD - đã đến với chị như thế nào?
Khi làm portfolio manager ở Blue Shores Capital, tôi có nhiều cơ hội nói chuyện với nhà đầu tư và nhìn thấy một xu hướng mới. Nguồn tiền của các nhà đầu tư đi dần từ thị trường niêm yết trên sàn sang các private equity (quỹ đầu tư tư nhân) và venture capital (quỹ đầu tư mạo hiểm).
Nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ rằng họ muốn tìm cơ hội đầu tư sớm hơn, chứ như các công ty công nghệ kiểu Facebook, Google… thì khi lên sàn, họ đã quá lớn rồi.
Khoảng một thập kỷ trở lại đây, tại Mỹ, các doanh nghiệp công nghệ không lên sàn khi chỉ mới 3, 4 tuổi và doanh thu còn thấp. Họ chờ đến lúc khoảng 10 tuổi hay lớn hơn thế nữa, khi định giá cỡ unicorn (trên 1 tỷ USD) rồi thì mới lên sàn.
Điều đó có nghĩa là mọi sự tăng trưởng đều xảy ra trong thị trường tư nhân và sinh lợi nhuận cho những nhà đầu tư trong đó. Đây là điều thúc đẩy tôi tìm kiếm cơ hội chuyển sang thị trường đầu tư tư nhân.
Qua một người bạn, tôi có dịp làm quen với ông Jeff Ransdell, người sáng lập quỹ Fuel VC. Cũng như tôi, Jeff đến từ thị trường niêm yết và ông là một trong 6 người điều hành Merril Lynch với 21 năm kinh nghiệm. Khi đó, ông mới thành lập Fuel VC được nửa năm và cần một người có bằng cấp cao, kinh nghiệm chuyên làm về quỹ, biết cách quản lý, phân bố tài sản, biết cách tạo danh mục đầu tư…
Biết mình chưa có kinh nghiệm nhiều trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, tôi chấp nhận làm vị trí chuyên viên phân tích mặc dù trước đó đã ở vị trí cao hơn là giám đốc đầu tư ở quỹ khác.
Quan điểm của tôi từ trước đến giờ luôn là chỉ đàm phán thương lượng khi mình đã chứng tỏ được giá trị của bản thân đối với công ty và chiếm được niềm tin từ đối tác.
Sau 3 năm tôi gia nhập, tôi đã xây dựng cả một quy trình đầu tư và giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ gây được quỹ thứ nhất, và đầu tư vào 24 công ty trong nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau như fintech, trí tuệ nhân tạo, robotics…
Với những đóng góp của tôi cho Fuel VC, chỉ trong vòng 1 năm sau đó, tôi được lên chức trưởng bộ phận đầu tư, rồi sau một năm tiếp theo trở thành General Partner (người đồng sở hữu chịu trách nhiệm quản lý và điều hành quỹ) trẻ nhất của Fuel VC, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên ở vị trí này tại đây.
Hiện tại, công việc của tôi phần lớn là huy động vốn cho quỹ thứ 2 tập trung vào fintech với quy mô 100 triệu USD và lên kế hoạch giúp công ty mình đã rót vốn tìm kiếm cơ hội lên sàn chứng khoán hoặc được mua lại từ những tập đoàn đối tác.
PV: Một người vốn có thế mạnh về phân tích dữ liệu như chị thì cần làm gì để thành công ở Fuel VC khi ở đó việc ra quyết định đầu tư sớm vào các startup công nghệ không có nhiều dữ liệu để phân tích, mà cần nhiều kinh nghiệm?
Đúng là kỹ năng trước đó của tôi thiên về số má và não trái hoạt động mạnh hơn. Nhưng khi vào đây thì não phải, phần thiên về sáng tạo, nghệ thuật và cảm nhận trừu tượng có cơ hội phát triển tốt hơn.
Làm VC buộc tôi phải nhảy lên lưng ngựa đi đến tương lai để dự đoán được những sản phẩm nào, những ý tưởng nào có ích trong tương lai chứ không thể hoàn toàn cứng nhắc và học cách nhìn mọi thứ từ nhiều góc khác nhau. Đây cũng là lý do khi bắt đầu làm VC tôi cảm thấy hứng thú hơn nhiều so với khi làm trong thị trường niêm yết. Tôi cảm thấy mình đang dần đạt được sự hoàn thiện và cân bằng cho bản thân.
Tôi không chỉ ngồi đó phân tích số liệu mà phải mày mò tìm hiểu thêm về sản phẩm, mô hình kinh doanh của mỗi công ty… và biết cách phối hợp thế mạnh của mình với thế mạnh của nhiều đối tác khác. Tôi cũng phải học thêm nhiều kiến thức từ họ để có thể ra quyết định đầu tư hoặc hỗ trợ công ty mình đã đầu tư phát triển nhanh hơn.
PV: Khi làm Fuel VC, đâu là khó khăn lớn nhất của chị?
Tôi nghĩ những người làm VC nói chung sẽ luôn gặp phải 2 vấn đề. Thứ nhất là huy động vốn. Hiện giờ ai cũng có thể nói mình là VC được hết: diễn viên, ca sĩ, chính trị gia… founder thoái vốn có vài trăm triệu USD cũng làm được.
Điều này khác với thị trường niêm yết khi người làm cần có kiến thức chuyên môn nhất định và được cấp các chứng chỉ theo quy định của luật. Do vậy, VC rất cạnh tranh, mỗi người đi huy động quỹ là một câu chuyện, phải có những lợi thế nhất định và triết lý đầu tư riêng.
Cái thứ hai là tìm kiếm cơ hội đầu tư, rót vốn vào đúng lúc đúng chỗ, và biết cách dẫn dắt công ty đến đích cuối cùng. Mỗi startup sẽ có một ưu điểm và những vấn đề khác nhau, mà mình phải sẵn sàng sắn tay áo lên để cùng founder phát huy thế mạnh cũng như đối mặt khó khăn.
Không có một công thức nào hay quy định nào được xác định sẵn và có thể áp dụng cho tất cả mọi công ty hay có thể đảm bảo cho sự thành công tuyệt đối cả.
PV: Cho đến nay, trong số các thương vụ mà chị ra quyết định của Fuel VC, đâu là khoản đầu tư được coi là thành công nhất?
Một trong những khoản đầu tư mà tôi có liên quan trực tiếp đó là Soundtrack Your Brand tại Thuỵ Điển - trước đây là Spotify for Business, Trong thương vụ này, chúng tôi đầu tư và trở thành cổ đông lớn nhất.
Hiện tại, công ty đã mở rộng hoạt động sang 72 quốc gia và cung cấp giấy phép cho những tập đoàn trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ có thể truyền phát trực tiếp âm nhạc trong phạm vi kinh doanh để phục vụ khách hàng của mình.
Soundtrack hiện có hợp đồng đối tác với cả 3 ông lớn trong giới âm nhạc: Universal, Sony và Warner, nhờ đó có thư viện âm nhạc lớn giống như Spotify. Fuel VC đang lên kế hoạch để dẫn dắt Soundtrack tạo được tiếm tăm lớn trong thị trường Mỹ và từ đó theo con đường của Spotify để trở thành công ty đại chúng.
PV: Kế hoạch quan trọng nhất mà chị đang muốn thực hiện với Fuel VC là gì?
Chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái được gọi là "idea to exit" để hỗ trợ toàn diện cho các founder. Bởi khi làm việc từ giai đoạn early stage cho đến late stage với họ, tôi nhận thấy nhu cầu của họ rất nhiều và đa dạng.
Đó không chỉ là phải làm cho xong cái sản phẩm đấy, hay giúp sản phẩm đạt được quy mô tăng trưởng cần thiết là xong.
Trong mỗi giai đoạn phát triển, công ty sẽ yêu cầu những hỗ trợ khác nhau. Vì thế, hệ sinh thái mà chúng tôi đang xây dựng có những đối tác chiến lược hỗ trợ tìm kiếm nhân tài cho startup đang gia tăng quy mô nhanh chóng, hay đối tác kỹ thuật hỗ trợ phát triển sản phẩm, rồi pháp lý, định giá, gây quỹ…
Chúng tôi gọi mỗi bộ phận hộ trợ đó là "Station", ví dụ như Talent Station, Legal Station, Product Station hay Business Development Station... Gần đây chúng tôi mở thêm SPAC (Special Purpose Acquisition Companies) Station để giúp các công ty trong quỹ của mình có phương tiện thoái vốn dễ dàng hơn.
Tôi rất muốn xây dựng hệ sinh thái này thành công, để sau này có thể áp dụng và tạo một mô hình tương tự ở Việt Nam.
Hiện nay, mô hình đã hoàn thiện khoảng 80-90% rồi và đang hỗ trợ những công ty mà Fuel VC đã rót vốn từ Bắc Mỹ, đến Nam Mỹ và châu Âu.
PV: Fuel VC có đầu tư vào OhmniLabs do Vũ Duy Thức – một founder người Việt ở Silicon Valley xây dựng. Khi quyết định, chị có bị ảnh hưởng bởi yếu tố Việt Nam ở OhmniLabs không?
Tôi quen anh Thức từ năm 2006 khi qua California chơi và tình cờ gặp, lúc đang học năm thứ nhất đại học. Hồi ấy, tôi cũng chỉ biết anh Thức là một người rất giỏi và học ở Stanford.
Tôi có thói quen khi thấy ai giỏi hơn mình thì thường theo dõi để có thể học tập từ cách sống và làm việc của họ cũng như tìm kiếm sự kết nối với những người bạn trong thế giới của họ. Bởi vì con người thường có khuynh hướng chơi với những người giống mình hay có chung hoài bão và ước mơ giống mình.
Đến khi trở thành General Partner ở Fuel VC, một ví trí cho tôi cơ hội giúp đỡ những nhà khởi nghiệp đặc biệt là người Việt đang thành công ở Mỹ, tôi chủ động liên lạc lại với anh Thức trên LinkedIn.
Trong một lần OhmniLabs gọi vốn, anh Thức có gửi hồ sơ qua. Khi đưa cho team thẩm định xem xét, mọi người thấy tất cả tiêu chuẩn đều phù hợp, như founder đã thành công lập nghiệp nhiều lần, công ty đang tăng trưởng tốt và thu hút được một số khách hàng lớn, có khả năng phát triển mạnh hơn… Do đó, chúng tôi quyết định rót vốn vào Ohmnilabs năm 2019 và tiếp tục thêm vốn vào năm 2020.
PV: Cho đến bây giờ, chị thấy quyết định đầu tư vào OhmniLabs có đúng không?
Bắt đầu từ năm 2019, tôi làm việc rất chặt chẽ với anh Thức và các bạn ở OhmniLabs. Mặc dù OhmniLabs là công ty về cả phần cứng và phần mềm và ở Silicon Valley, nơi khá đắt đỏ, nhưng đội ngũ lãnh đạo rất biết cách huy động vốn hợp lý, chi tiêu cũng rất hiệu quả.
Đó là cái chúng tôi tìm kiếm, bởi khi đầu tư vào một startup, không ai muốn founder huy động một "núi tiền" và tiêu vào những cái không mang lại hiệu quả hay giá trị gì cho nhà đầu tư.
Tôi cũng rất tự hào khi thấy OhmniLabs biết cách nắm bắt và vận dụng thời cơ trong thời gian đại dịch để thúc đẩy doanh thu của robot giao tiếp trực tuyến và phát triển thêm robot tia cực tím, đồng thời không ngừng tìm kiếm những cơ hội mới.
Theo CafeF