Thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ trong thời phòng chống dịch bệnh, thấu hiểu sự khó khăn của nhiều người dân, đã có nhiều CEO tạm gác lại một phần công việc kinh doanh và xông xáo tham gia các hoạt động thiện nguyện.

Từ món quà sinh nhật con!

Hệ thống cửa hàng Di động Việt vừa hợp tác với FoodBank Việt Nam (Ngân hàng thực phẩm Việt Nam là tổ chức thiện nguyện kết nối với nhiều nhà cung cấp thực phẩm) cho ra đời điểm bán rau củ quả và thịt, cá với tên gọi “Thực phẩm chia sẻ - Foodshare Market”.

Mô hình này tập trung bán qua kênh online với giá bình ổn. 

Foodshare Market khuyến khích bán theo nhóm lớn cho khu chung cư, nhóm bạn, nhóm hàng xóm, dùng mô hình xe lưu động cùng Sở Công Thương TP.HCM và Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam để triển khai. 

“Hôm qua là sinh nhật con trai nhưng tôi không dám về nhà chỉ biết chúc mừng online và dành tặng món quà tinh thần này cho cháu. Mong cháu sẽ hiểu những khó khăn lúc này để chịu khó vươn lên trong cuộc sống, phục vụ cộng đồng, xã hội", Nguyễn Ngọc Đạt, CEO Di Động Việt chia sẻ.

Foodshare Market đã kết nối được nhiều đối tác lâu năm để cung cấp lượng lớn nông sản và thủy hải sản. Điều này nhằm giúp giải quyết đầu ra cho bà con nông dân đang gặp khó khăn trong khâu vận chuyện.

“Chúng tôi cũng đã nhận được lời đề nghị cung cấp hàng trợ giá tốt nhất của 23 doanh nghiệp, nhà cung cấp, trong đó sẽ có combo miễn phí dành cho người khó khăn...”, Đạt chia sẻ thêm.
“Foodshare Market đúng như tên gọi “Siêu thị Thực phẩm Chia sẻ”, phương châm là bán đồng giá, không đặt mục tiêu lợi nhuận, chủ yếu phục vụ cho người dân TP.HCM trong giai đoạn thiếu thốn thực phẩm. 
Hiện tại, chuỗi cung ứng vô cùng khó khăn ở nhiều công đoạn, nhưng được sự hỗ trợ của cơ quan địa phương và anh em gần xa, chúng tôi đã nhanh chóng cho ra đời chương trình “Bán hàng đồng giá” và sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này", anh nói.

Chỉ riêng trong ngày đầu mở bán, Foodshare Market đã bán ra được khoảng 20 tấn rau củ với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; Trứng gà có giá 30.000 đồng/vỉ 10 trứng, thịt heo 120.000 đồng/kg; Cửa hàng khuyến khích mua theo nhóm 10kg – 20kg – 30kg để dễ vận chuyển trong giai đoạn này.

CEO Di Động Việt - Nguyễn Ngọc Đạt. CEO Di Động Việt - Nguyễn Ngọc Đạt.

Với số liệu đó, Foodshare Market dự kiến trong những ngày tới sẽ mở thêm một số điểm bán để cung cấp thêm nhiều nguồn cung cho người dân.

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9/7, khiến tất cả các cửa hàng điện thoại của anh Đạt tại TP.HCM đóng toàn bộ. 

CEO Di Động Việt đã vận động một số nhân viên chuyển sang bán ở các cừa hàng thực phẩm.

Trước tiên, Đạt sẽ tận dụng mặt bằng tại các chi nhánh cửa hàng điện thoại để mở thêm cửa hàng thực phẩm và bổ sung giấy phép ngành này.

Đồng hành cùng Foodshare Market, còn có nhiều cá nhân mạnh thường quân cho mượn xe chuyên chở, hỗ trợ cho mượn mặt bằng ở trung tâm TP.HCM và cả kho bãi lưu trữ hàng hóa. Foodshare Market cũng đang cần huy động các loại rổ đựng rau quả, tủ lạnh, tủ đông các loại để trữ thực phẩm tươi sống.

Ông Nguyễn Ngọc Đạt đã "nhường" mặt bằng của cửa hàng Di Động Việt thành địa điểm bán thực phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Đạt đã "nhường" mặt bằng của cửa hàng Di Động Việt thành địa điểm mua bán thực phẩm mùa dịch.

Đến những ATM gạo tích hợp AI.

Chắc không đâu ở như Việt Nam, TP.HCM trong những ngày khó khăn này nhưng tình người luôn được vun đắp không chỉ Chính phủ, chính quyền lo cho dân vừa an toàn vừa phải chống dịch, phát triển kinh tế.

Mô hình ATM gạo đầy tình nghĩa đến từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân nay đã đặc biệt được lắp đặt camera, tích hợp AI và hệ thống tổng đài gọi lấy số thứ tự.

Ông Lê Hải Bình, Chủ tịch Tập đoàn AXYS, đã có ý tưởng tạo ra một chiếc ATM gạo tặng miễn phí cho người dân tại TP.HCM. Anh cùng nhân viên trong công ty tạo nên chiếc ATM gạo có camera nhận diện khuôn mặt, để bảo đảm mỗi người dân có thể nhận 3 kg gạo/tuần.

Cây ATM gạo sử dụng camera nhận diện khuôn mặt. Cây ATM gạo sử dụng camera nhận diện khuôn mặt.

ATM gạo có mặt tại địa chỉ 12A đường Núi Thành, Phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM.

ATM gạo có thể phát 1-2 tấn gạo/ngày, mỗi người chỉ nhận 1 lượt/tuần nên ATM gạo có thể giúp khoảng 4.000 người thành phố mỗi tuần. Quá trình nhận gạo diễn ra chỉ trong một phút và nếu người dân tới nhận lần 2, ATM sẽ tự động không phát gạo nữa.

Mục đích việc này chính là để gạo được thực sự đến được tay những người có nhu cầu.

Biết được việc làm ý nghĩa của anh Bình, nhiều bạn bè đã đứng ra hỗ trợ. Có người hứa trong mùa dịch này sẽ gửi tặng 50 tấn gạo. Có bà con đi ngang qua, thấy ATM phát gạo cho người dân liền gửi luôn 100 kg gạo, có người gửi tiền mặt. 

Anh Bình cho biết thêm, đối với những người cần hơn lượng gạo đó vẫn có thể nói người thân trong nhà gọi tổng đài để lấy số thứ tự hoặc người thân tới xếp hàng lấy thêm. Những cô chú lớn tuổi, người tàn tật, phải đi xe lăn sẽ được các tình nguyện viên đưa gạo tới tận nơi, mà không cần soi camera ở ATM.

Tổng đài lấy số thứ tự nhận gạo được thiết lập, để hạn chế người dân đứng xếp hàng lâu giữa trời nắng.

Đồng thời bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch. 

Người dân gọi đến số (028) 77.77.77.88, hệ thống sẽ tự động kiểm tra thông tin, xếp lịch và thông báo thời gian người dân đến nhận gạo. Trước 30 phút đến thời gian nhận gạo, tổng đài sẽ gọi nhắc người dân một lần nữa.

Ngoài Chủ tịch AXYS, Giám đốc điều hành NTS Security Ngô Trần Vũ cũng rất hăng hái công việc thiện nguyện từ nhiều năm nay đồng hành với các anh em vẽ tranh, bán tranh hoàn toàn cho mục đích từ thiện.

Giám đốc điều hành NTS Security Ngô Trần Vũ cũng rất hăng hái trong các hoạt động thiện nguyện. Giám đốc điều hành NTS Security Ngô Trần Vũ cũng rất hăng hái trong các hoạt động thiện nguyện.

Đợt giãn cách lần này, ông Vũ cũng thực hiện chương trình Quỹ gieo gạo.

Tính đến 19/7, Quỹ gieo gạo huy động được 403,7 triệu đồng và đã chi 337,6 triệu đồng (tương đương 829 phần quà); Quỹ tồn 66,1 triệu đồng và tiếp tục quyên góp phát quà đến 24/7. Tất cả chi tiết đóng góp, đều được anh Vũ công khai, chia sẽ trên mạng xã hội facebook cá nhân.

Sự nhanh nhạy, đồng cảm, những doanh nghiệp như Di động Việt, Con Cưng, Guardian, ATM gạo, Quỹ gieo gạo… đã nhanh chóng nhận được nhiều sự khen ngợi từ cộng đồng. 

Sự có mặt của họ đã phần nào giúp người dân mua thực phẩm thiết yếu một cách dễ dàng, thuận tiện hơn.

Theo VnEconomy