"Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do Covid-19. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài." - Ông Choi Joo Ho.
Buổi tọa đàm "Covid-19 và FDI: Tác động và triển vọng" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/9.
Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài
Lợi thế của Việt Nam sở hữu bao gồm nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.
Đặc biệt, lợi thế lớn nhất là Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 gần đây mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Nghị quyết này là một tin vui đối với các nhà đầu tư nước ngoài.", ông Choi phấn khởi.
Cơ hội gia tăng mối quan tâm đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài nếu đảm bảo cùng lúc hai hành động
Theo đó, Việt Nam sẽ vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định.
Nếu theo đúng chiến lược này, đảm bảo song song hai động thái kể trên, chắc chắn dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.
Samsung Việt Nam đang xây dựng trung tâm R&D 220 triệu USD tại Hà Nội
Về tình hình của Samsung, hiện tại Samsung Việt Nam đang vượt qua vai trò cứ điểm sản xuất trọng điểm toàn cầu tại Việt Nam.
"Chúng tôi đang xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng Samsung tại Hà Nội với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD.” - Ông Choi.
Mục tiêu của quy mô này nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển trung và dài hạn.
Hiện Trung tâm xây dựng mới nghiên cứu và phát triển đã hoàn thành tiến độ trên 50%, dự kiến sẽ khánh thành vào cuối năm 2022.
Theo ông Choi, khi Trung tâm nghiên cứu và phát triển đi vào hoạt động, số lượng kỹ sư Việt Nam từ 2.100 người trong hiện tại sẽ mở rộng lên tới 3.000 người.
Dự kiến sẽ còn nghiên cứu về các mảng trí tuệ nhân tạo, 5G, cơ sở dữ liệu lớn và internet vạn vật.
Về mặt dài hạn, trung tâm nghiên cứu và phát triển của Samsung được kỳ vọng sẽ đóng góp vào việc nâng cao năng lực ngành IT, năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.
Samsung “thuận lợi” phát triển trong thời điểm “bất lợi” của Covid-19
Bất chấp làn sóng dịch bệnh Covid-19 diễn ra từ cuối tháng 4 vừa qua, 6 tháng đầu năm, Samsung vẫn thuận lợi trong việc đạt mục tiêu xuất khẩu.
"Nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng tại TP.HCM nhanh chóng hoạt động bình thường trở lại, dự kiến công ty sẽ vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay.” - Ông Choi.
Hiện nay, Samsung Việt Nam đang vận hành 6 nhà máy sản xuất tại các tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển R&D tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng.
Tính đến nay, Samsung đã chính thức đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn trên 17,7 tỷ USD.
Theo Cafebiz