Ông có thể kể lại khoảng thời gian ban đầu, khi từ bỏ công việc nghìn đô để theo đuổi ngành năng lượng tái tạo?
Trước khi sang làm điện mặt trời, tôi từng làm việc cho 4 tập đoàn nước ngoài. Năm 2008, tôi có tiếp quản bộ phận marketing tại một tập đoàn Đan Mạch nhưng khi đó cũng là lúc nền kinh tế xảy ra suy thoái.
Với quan điểm có suy thoái thì sẽ có khởi đầu, bản thân luôn muốn tìm tòi cái mới, tôi bắt đầu nghiên cứu và tìm thấy mảng kinh doanh điện mặt trời.
Nghỉ việc cuối năm 2008, tôi mở công ty và đi nước ngoài tìm hiểu sâu hơn, tôi nghĩ rằng châu Âu sẽ thường đi trước mình khoảng 10 năm về xu hướng mới. Lúc đó họ nói nhiều về năng lượng tái tạo và bản thân thấy hấp dẫn nên chọn để tìm hiểu.
Sau đó tôi còn lập ra trang web solarpower.vn để phổ biến kiến thức ngành. Song song đó, công ty cũng phải kinh doanh thêm các mảng khác như vật liệu xây dựng, thi công để trang trải chi phí và tồn tại trong vài năm đầu.
Việc tiên phong trong một lĩnh vực mới như vậy có gặp trở ngại hay rào cản nào không?
Lúc đầu bản thân còn cảm thấy hối hận và nhiều khi chán nản muốn dừng lại.
Công việc quá cực nhưng khi đã có anh em làm cùng thì mình không thể dừng lại được. Anh em trong ngành cũng khá thương vì mình chọn con đường này quá sớm, trước cả chục năm so với khi có quyết định của Thủ tướng về phát triển điện mặt trời.
Xã hội lúc đó chỉ biết điện mặt trời là làm cho vùng không có lưới điện và là ngành không có tương lai. Nhưng tôi tìm hiểu châu Âu làm điện mặt trời là cho vùng thành thị, cấp cả cho những nơi có điện chứ không phải ở những nơi không có lưới điện như bây giờ.
Lúc đó khái niệm điện mặt trời cũng chưa phổ biến, chúng tôi phải thay thế bằng khái niệm máy phát điện mặt điện trời để đi tiếp thị và educate (phổ cập kiến thức - PV) người dùng.
Xã hội đã quen với máy phát điện chạy bằng xăng, bằng dầu nên khái niệm “máy phát điện mặt trời chạy bằng nắng” này dễ được chấp nhận.
Thời gian đầu công ty kinh doanh những gì?
Thời gian đầu, công ty có bán hệ thống máy phát điện cho các vùng hải đảo, vùng quê, vùng núi – nơi không có lưới điện và hạ tầng kém phát triển, dưới thương hiệu Solar V. Các sản phẩm chủ yếu như máy phát điện mặt trời, bộ điều khiển sạc, bộ đổi nguồn…
Ý tưởng hồi đó đơn giản là sản xuất và bán 1 triệu sản phẩm với giá 1 triệu đồng/máy, kiếm được 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên kế hoạch không thành công, doanh số qua nhiều năm đạt chưa tới 100.000 máy, do diện tích vùng không có lưới diện chỉ chiếm tỷ trọng dưới 1% dân số và thu nhập người dân quá thấp.
Hiện nay sản phẩm vẫn còn hoạt động nhưng chủ yếu dưới dạng đi làm từ thiện cùng các tổ chức thiện nguyện.
Trong những năm kinh doanh đầu tiên thị trường rất khó, thậm chí phải nghĩ đến chuyện làm sản phẩm vali kéo cho dân picnic (du lịch), dùng để sạc điện thoại và laptop. Bản thân mình phải ráng tìm ra các thị trường ngóc ngách để bán thêm sản phẩm.
Năm 2014, chúng tôi có cơ hội lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho một vị khách đến từ Đức – chuyên gia ngành điện làm việc tại Vũng Tàu. Đây là dự án thi công điện mặt trời hòa lưới đầu tiên, mở ra mảng thi công cho doanh nghiệp và từ đây Vũ Phong Solar phát triển mạnh.
Ông hay nhắc về Make in Việt Nam, vậy Vũ Phong Solar đang thực hiện như thế nào?
Chúng tôi đang sở hữu công ty thành viên Vũ Phong Tech – một công ty chuyên về nghiên cứu các thiết bị vận hành hệ thống điện mặt trời như robot, flycam – drone quét nhiệt, hệ thống quản lý dữ liệu lớn (big data), cắt cỏ trang trại điện.
Hiện tất cả các dự án mà Vũ Phong Tech vận hành đều sử dụng robot này. Đây là sản phẩm Make in Việt Nam hoàn toàn do kỹ sư trong nước chế tạo.
Sử dụng robot hiệu quả hơn nhiều so với thủ công, tiết kiệm chi phí 3-5 lần.
Đặc biệt trên mái các nhà máy mà công nhân đi vệ sinh tấm pin thì rất nguy hiểm, trong khi robot chạy nhanh và an toàn hơn.
Chúng tôi cũng đang phát triển các công nghệ bay giám sát, quét các lỗi trên bề mặt nhà máy. Công nghệ bay và robot là mảng mà Vũ Phong Tech rất tập trung trong 3-5 năm tới.
Ngoài ra, Vũ Phong Tech còn tổ chức hệ thống giám sát IoT (PV - Internet Vạn Vật) cho hệ thống điện mặt trời; thực hiện vận hành, bảo dưỡng và tối ưu nhà máy điện mặt trời; tham gia công tác dịch vụ kỹ thuật và vận hành các nhà máy điện gió.
Câu chuyện Make in Việt Nam của Vũ Phong Tech không chỉ là sản xuất robot để bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, không chỉ vận hành điện tái tạo ở Việt Nam mà còn tham gia thị trường vận hành ở quốc tế.
Trong quá trình phát triển, thành công nào ông cảm thấy hài lòng nhất?
Thành công ban đầu mà bản thân hài lòng nhất là đã thuyết phục được tổng thầu Pháp cho phép mình vận hành hoàn toàn nhà máy BIM 2. Một sản phẩm khác tôi cảm thấy hài lòng chính là robot lau pin nói ở trên. Sản phẩm này đang chạy hiệu quả so với cả nước ngoài và chạy được mọi công việc từ A đến Z.
Vậy còn tiếc nuối lớn nhất trong hơn thập kỷ kinh doanh vừa qua?
Tôi nghĩ đó là việc chìm đắm quá lâu trong câu chuyện phát triển tại vùng không có lưới điện. Mình chờ chính sách điện mặt trời quá lâu nên mất đến 7 năm tăng trưởng thấp vì chỉ phục vụ cho một thị trường quá hẹp.
Lúc đó tôi cứ nhìn vào Tây Nguyên mà suy đoán cho cả nước, nhưng thực ra chỉ có khu vực này mới đặc thù ít lưới điện như vậy. Do đó sản phẩm Solar V không phát triển mạnh được, chỉ bán được ở Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung.
Lẽ ra công ty nên có một mảng kinh doanh gì đó khác để tạo được nguồn vốn chuẩn bị cho việc điện mặt trời bùng nổ. Và thực tế khi thị trường bùng nổ năm 2017, dòng tiền tích lũy của công ty không mạnh, do đó không tham gia đầu tư được các nhà máy điện mặt trời quy mô lớn.
Gặp áp lực về nguồn vốn như vậy, công ty có kế hoạch nào không, chẳng hạn như lên sàn chứng khoán?
Công ty cũng có nhiều thời điểm gặp áp lực về vốn, khi mình muốn phát triển nhanh thì nguồn vốn phải nhiều. Như thời gian vừa qua, Vũ Phong Solar cần tiền để đầu tư một số dự án bán điện cho các nhà máy, nhưng phải đi vay trong nước với lãi suất quá cao 10-11%/năm, gây nhiều áp lực.
Do đó, chúng tôi đang cân nhắc tìm kiếm nguồn vốn ngoại với lãi suất thấp hơn. Ngoài ra, công ty cũng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược để nâng cao năng lực vốn và tiếp cận các khoản vay quốc tế.
Vậy ngoài điện mặt trời, công ty có tham gia các loại hình năng lượng khác không?
Điện gió ngoài khơi trải dài khắp đất nước được xem là an ninh biển đảo, mỗi cột điện gió giống như một radar. Việc vận hành và bảo dưỡng các nhà máy này theo tôi phải do chính người Việt Nam làm, doanh nghiệp Việt theo đó cần nâng cao năng lực lên ngang tầm quốc tế.
Vừa rồi chúng tôi có 3 đội đi làm nhiệm vụ sửa chữa, thay mới và nâng cấp ở quần đảo Trường Sa. Vũ Phong Tech cũng đang chuyển giao công nghệ và vận hành điện gió của đối tác Đức, nhằm chuẩn bị cho việc vận hành điện gió ngoài khơi.
Chúng tôi buộc phải đào tạo, xây dựng quy trình chuẩn quốc tế và đây cũng chính là một câu chuyện Make in Việt Nam.
Ông dự báo tương lai ngành điện tái tạo ở Việt Nam sẽ như thế nào?
Tính đến hết năm 2020, quy mô các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh và thị trường đó hiện đủ lớn để cho Vũ Phong Tech tung hoành và cũng là cơ hội để doanh nghiệp vươn ra quốc tế.
Theo quy hoạch trong 10 năm tới, lĩnh vực điện tái tạo cần phát triển khoảng 30.000 MW.
Tôi tin rằng ngoài điện truyền thống thì sẽ có các ứng dụng về mặt lưu trữ lớn; trong đó có hệ thống ESS cho điện mặt trời hay thủy điện tích năng…
Hệ thống ESS (Energy Storage System - hệ thống lưu trữ năng lượng) là nhằm hóa giải sự lên xuống không đều độ của chất lượng nắng, tức là giải quyết vấn đề điện thừa vào ban ngày và điện thiếu vào ban đêm hay lúc bóng râm.
Theo Người Đồng Hành