Trong đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở TP.HCM, khoảng tháng 3/2020, anh Poppet Celdrán (đến từ Philippines) nhận ra dịch Covid-19 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội, trong đó có thất nghiệp.
Celdrán đặc biệt chú ý tới nhóm đối tượng nhân viên trị liệu - những người đã mất việc khi các trung tâm massage buộc phải đóng cửa. "Tôi tự hỏi những nhân viên này sẽ đi về đâu? Họ phải chịu cảnh thất nghiệp trong nhiều tháng", anh Celdrán chia sẻ với Zing.
Bên cạnh đó, vì bản thân mắc chứng đau lưng kinh niên, phải đi massage 2-3 lần mỗi tháng, Celdrán cũng đồng cảm với sự bất tiện mà đợt giãn cách gây ra cho những người có nhu cầu trị liệu thường xuyên.
Từ đây, Celdrán bắt tay xây dựng ứng dụng Zen, sản phẩm giúp kết nối người dùng có nhu cầu massage tại nhà với các nhân viên trị liệu có chứng chỉ.
Massage không đồng nghĩa với mại dâm
Theo lời kể của Celdrán, khi bắt tay vào xây dựng sản phẩm Zen, anh và các đồng sự đặt mục tiêu giúp đỡ những nhân viên trị liệu mất việc vì giãn cách xã hội.
Chàng trai Philippines này cũng muốn hỗ trợ những người cần dịch vụ massage thư giãn để giải tỏa căng thẳng và chứng đau nhức kinh niên.
Đồng thời, một trong những lý do thôi thúc Celdrán phát triển Zen xuất phát từ việc nhiều người ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung vẫn có những ấn tượng tiêu cực đối với hoạt động massage trị liệu.
Anh kể lại rằng trong quá trình khảo sát khách hàng tiềm năng, khoảng 30-35% trả lời họ không thích massage và nói rằng hoạt động massage "rất dơ bẩn" và "chỉ dành cho người muốn mua dâm".
"Chúng tôi muốn xóa bỏ những định kiến này về ngành massage trị liệu", anh Celdrán cho biết. Theo anh, mỗi nhân viên trị liệu khi ứng tuyển vào hệ thống của Zen đều được giải thích cặn kẽ và buộc phải chấp hành những lệnh cấm rất khắt khe liên quan đến vấn đề mại dâm trá hình massage.
Anh Celdrán cũng chia sẻ về tham vọng phá bỏ định kiến về massage trên diện rộng:
"Nếu nhìn ngược về lịch sử, massage trị liệu là một nghệ thuật trong nền văn hóa Á châu. Do đó, tôi muốn phát triển Zen ở Việt Nam trước sau đó mở rộng phạm vi hoạt động sang Campuchia, Thái Lan và các nước châu Á khác để xóa bỏ những thành kiến không tốt về kỹ thuật trị liệu này".
Tuy nhiên, đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt thứ hai ở TP.HCM gây ra những khó khăn nhất định cho đội ngũ của anh Celdrán.
Anh chấp nhận tạm ngưng hoạt động của Zen để đảm bảo an toàn cho cả nhân viên trị liệu lẫn khách hàng, mặc dù đang có 746 người đăng ký trong danh sách chờ để sử dụng dịch vụ của Zen ngay khi ứng dụng này hoạt động trở lại.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần mùa dịch
Trong thời gian giãn cách, anh Celdrán và các đồng sự chuyển hướng phát triển một nhánh khác trong hệ sinh thái Zen với sản phẩm Zen Mind, tập trung hỗ trợ những người bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần do tác động của đại dịch.
Theo anh Celdrán, tình trạng giãn cách kéo dài khiến nhiều người bối rối không biết làm gì, kéo theo các vấn đề tâm lý thường trực, nổi bật là lo âu và trầm cảm.
"Đó là lý do chúng tôi phát triển Zen Mind, hướng tới việc giúp đỡ cộng đồng bằng một số chỉ dẫn và tài liệu", chàng trai Philippines sống tại Bình Thạnh chia sẻ.
"Khi người ta gặp khủng hoảng tâm lý, họ có thể nhìn vào danh sách gợi ý của chúng tôi, bao gồm những việc họ có thể làm và các tổ chức họ nên liên hệ để tìm kiếm sự trợ giúp", Celdrán nói.
Anh Celdrán cho biết bản thân đang hướng tới hoàn thiện bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người Việt Nam, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Chàng trai đến từ Philippines chia sẻ thêm rằng một trong những lý do thúc đẩy anh theo đuổi dự án này đến từ tình yêu dành cho đất nước và con người Việt Nam. "Tôi đã ở đây 13 năm và dự định ở lại lâu hơn nữa nên tôi sẽ đóng góp trong khả năng của mình", anh trải lòng.
"Muốn dành phần đời còn lại ở Việt Nam"
Anh Celdrán đến Việt Nam vào tháng 5/2008 để tham gia vào khâu tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ.
"Sau khi sự kiện kết thúc, tôi ở lại vì tình yêu với Việt Nam và không trở về Philippines nữa", anh nói với Zing.
Dù có bằng thạc sĩ về truyền thông đại chúng, bản thân anh vẫn chưa có cơ hội để vận dụng kiến thức về lĩnh vực này trong quá khứ.
Do đó, Celdrán tập trung xây dựng Zen với mục tiêu đóng góp cho cộng đồng.
"Tôi đã phải lòng Việt Nam. Tôi yêu con người, nền ẩm thực, văn hóa, truyền thống và lối sống giản đơn của Việt Nam. Sự sôi động ở TP.HCM hoàn toàn độc nhất so với các đô thị khác trên thế giới. Việt Nam đã trở thành ngôi nhà của tôi. Tôi biết bản thân sẽ già đi và sống phần đời còn lại ở đây", chàng trai đến từ Philippines bộc bạch.
Mặc dù đã sống tại TP.HCM trong suốt 13 năm qua, anh Celdrán vẫn ngạc nhiên vì mỗi ngày bản thân có thể khám phá thêm những điều mới mẻ về thành phố và Việt Nam nói chung. Anh so sánh quãng thời gian ở Việt Nam như "một cuộc thám hiểm không có điểm dừng".
Điều anh Celdrán yêu mến nhất về TP.HCM chính là con người ở thành phố mang tên Bác. "Con người Việt Nam nói chung thực sự khác biệt nhưng cũng rất thân quen", anh chia sẻ.
Để hòa nhập với cư dân bản địa, anh Celdrán đã theo học tiếng Việt tại Đại học Nhân văn TP.HCM trong hai năm.
Khi được hỏi về trải nghiệm đáng nhớ nhất trong 13 năm sinh sống ở Việt Nam, anh Celdrán chọn kể về quá trình tham gia vào đội ngũ sản xuất phụ trách cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi tham gia vào nhóm sản xuất, Celdrán đã ghé thăm mọi điểm đến du lịch nổi bật ở Việt Nam, đồng thời gặp nhiều người từ bắc chí nam, qua đó hiểu hơn về dải đất hình chữ S.
Chàng trai đến từ Philippines cũng liên tục nhắc đến nền ẩm thực phong phú của cả ba miền. "Tôi và các đồng sự được nếm đủ loại món ăn nổi tiếng của Việt Nam. Trải nghiệm này thực sự đã khiến tôi phải lòng Việt Nam một cách chóng vánh", anh Celdrán bày tỏ.
Theo Zing news