Từ nhân viên FPT đến ông chủ 24h
Ông được biết đến với vai trò Chủ tịch STI – đơn vị đầu tư cho rất nhiều startup. Vậy trước khi đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, ông đã khởi nghiệp như thế nào?
Khi còn đi học tôi đã đi làm cho FPT và trở thành một trong những lập trình viên đầu tiên của tập đoàn. Tôi cũng là trưởng phòng kinh doanh tin học đầu tiên của FPT khu vực miền bắc.
Hồi đó FPT đang bắt đầu chuyển mình từ một công ty phi công nghệ thành công ty công nghệ. Sau 4 năm ở đây thì tôi nghỉ việc.
Chuyện khởi nghiệp của tôi bắt đầu từ những năm 1998. Tôi từng kinh doanh nhiều thứ như hóa chất, kim loại, rồi cả sản phẩm chống muỗi... Đến năm 2004, tôi và những người bạn thành lập 24h – công ty chuyên về công nghệ và truyền thông. Năm 2013, chúng tôi mua lại Tìm việc nhanh.
Sau này, chúng tôi thành lập thêm STI Holdings. Công ty này đã đầu tư cho rất nhiều startup, trong đó có một số startup là sở hữu chi phối như AnyCar, 30Shine...
Trước khi làm việc cho FPT và khởi nghiệp, ước mơ của ông là gì?
Ngay từ thời còn đi học, ước mơ của tôi là một thứ giống 24h nhưng trên giấy. Ngày xưa tôi đọc rất nhanh, mua rất nhiều sách báo để đọc nhưng lúc nào cũng thấy thiếu.
Tôi nghĩ mình cần cái gì đó được xuất bản liên tục trong ngày mới đáp ứng đủ nhu cầu thông tin. Đến khi có Internet thì ước mơ của tôi đã thành hiện thực.
Từ 200.000 USD và mơ ước thời sinh viên, 24h đã ra đời như thế nào?
24h do tôi và các bạn học cùng đại học rủ nhau thành lập. Trong đó chỉ có mình tôi bỏ tiền, các cofounder khác góp công, góp sức. Khi làm 24h, tôi chấp nhận đóng cửa các công ty kinh doanh khác, xóa toàn bộ nợ nần để không mất thời gian đi đòi. Tôi dành toàn bộ số tiền còn lại để khởi nghiệp và chấp nhận mất hết những thứ đang làm để tập trung cho nó.
24h cùng với những công ty như VNG, VCCorp... được xếp vào thế hệ startup đầu tiên tại Việt Nam. Ông thấy startup khi đó và hiện nay giống cũng như khác nhau ở điều gì?
Thời đó mọi người không có tiền, mình cũng không có tiền. Quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam là IDG Ventures. Đây cũng là quỹ đã đầu tư cho VNG, VCCorp và nhiều startup khác. 24h có lẽ là công ty hiếm hoi phát triển một mạch đến tận bây giờ mà không gọi vốn.
Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư, đổi lại mức độ cạnh tranh giữa các startup cũng như giữa các quỹ đầu tư cũng lớn hơn rất nhiều. Các bạn trẻ ngày nay được truyền rất nhiều cảm hứng để khởi nghiệp.
Các bạn founder thế hệ sau cũng có nhiều kiến thức và kỹ năng hơn thế hệ trước. Mọi người đều giỏi lên đồng nghĩa với cuộc chơi sẽ khó khăn hơn nhiều.
“Khởi nghiệp khó hơn đầu tư cho start up rất nhiều”
Giữa việc khởi nghiệp và đi đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, ông thấy việc nào khó hơn?
Tôi nghĩ khởi nghiệp khó hơn nhiều. Giữa rất nhiều đối thủ, mình phải là công ty đứng số 1 hay số 2 để có thể tồn tại. Xác suất thành công có khi chỉ là 1%. Trong khi với hệ sinh thái của STI, tỷ lệ đầu tư thành công có thể lên đến 70-80%.
Tất nhiên, để xây dựng được một hệ sinh thái như vậy sẽ cần rất nhiều kinh nghiệm, phải chọn đúng người, đúng ngành và cần thời gian.
Thường với mỗi thương vụ, STI sẽ đầu tư bao nhiêu tiền cho một startup?
STI không đưa ra một mức đầu tư cố định cho các startup. Khi đầu tư chúng tôi giúp các startup khá nhiều về vận hành, chúng tôi nhìn vào tiềm năng và ngành để ra quyết định. Chúng tôi thường chọn các startup đã có vài năm kinh nghiệm và có chỗ đứng tương đối trên thị trường.
Số tiền đầu tư có thể là 500.000 USD đến 1-2 triệu USD.
Khi tìm kiếm các startup để đầu tư, tiêu chí của ông là gì?
Khi chọn startup chúng tôi quan tâm đến đội ngũ sáng lập, đội ngũ điều hành. Bên cạnh đó, lĩnh vực của startup đó phù hợp với sự am hiểu và kinh nghiệm của chúng tôi. Founder phải là người đủ giỏi và khiến chúng tôi đủ tin tưởng rằng có thể chiến thắng trong ngành đó.
Trong danh mục đầu tư của ông, các startup thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông có ưu tiên cụ thể cho ngành nào không?
Như tôi chia sẻ ở trên, chúng tôi chọn ngành dựa trên sự hiểu biết của mình, trong đó online to offline là ưu thế. Hệ sinh thái của STI có thể giúp những startup đó về user và quản trị. Việc startup đã có lợi nhuận hay chưa cũng là một yếu tố để xem xét nhưng không phải là tất cả.
Những startup trong hệ sinh thái của chúng tôi nhìn bên ngoài thì có vẻ ít điểm chung nhưng thật ra rất liên quan đến nhau. Ngay khi chọn startup, chúng tôi đã hướng đến mục tiêu chung là các công ty có thể hỗ trợ cho nhau. Tất nhiên có những dự án cần vài tháng hoặc vài năm mới nhìn thấy được sự liên quan này.
Đến nay, thương vụ đầu tư vào startup nào với ông là thành công nhất?
Với tôi, đến giờ 24h vẫn là dự án thành công nhất bởi số tiền 200.000 USD bỏ ra khi đó rất nhỏ. Tiếp đó là việc mua lại Tìm việc nhanh và đầu tư vào chuỗi salon tóc 30Shine cũng có thể coi là một thương vụ thành công.
10 năm chuẩn bị, đóng cửa sau 1 năm và “đốt” 8 triệu USD
Bên cạnh những thành công, chuyện đầu tư không thể tránh những thất bại. Dự án thương mại điện tử Deca có phải một thất bại của ông?
Có chứ, chúng tôi mất rất nhiều tiền. 8 triệu USD khi đó không phải số tiền nhỏ với một công ty Việt Nam. Nhưng đó là tiền của mình nên chúng tôi quyết định dừng dự án mà không phải xin phép ai cả.
Thực tế lúc đó Deca vẫn đang hoạt động tốt. Nhưng tôi nhận thấy nếu tiếp tục, mình sẽ kẹt lại ở dự án này 20-30 năm nữa và phải “đốt” rất nhiều tiền. Cửa thắng rất thấp trong khi mất rất nhiều thời gian.
Tôi không sẵn sàng cho một cuộc chiến mà khả năng thành công thấp, không có nhiều cơ hội cạnh tranh với các công ty đa quốc gia. Đặc biệt, trong tương lai khi gọi vốn đầu tư, không phải muốn dừng là dừng được.
Những gì xảy ra trên thị trường thương mại điện tử thời gian qua mọi người đều đã nhìn thấy. Nhiều dự án tiềm năng như Adayroi, Vuivui.com của Thế giới di động... đã phải dừng hoạt động.
Với bất kỳ startup nào khi phải đóng cửa đứa con tinh thần của mình đều rất đau đớn. Ông mất bao nhiêu thời gian để đưa ra quyết định đóng cửa Deca và có bị phản đối từ những người xung quanh?
Thật ra lúc đó mọi người bàn tán rất nhiều. Đó cũng là một quyết định theo nhiều người là rất dũng cảm. Còn theo quan điểm của tôi thì đấy là sự quyết đoán.
Phẩm chất của một người lãnh đạo là dám làm, dám đưa ra những quyết định tưởng không thể. Khi xác định không thể quyết tâm đi đến cùng chặng đường dài 20-30 năm, tôi quyết định dừng lại.
Quan điểm của tôi rất rõ ràng: một là “Never give up” – không bao giờ từ bỏ, hai là “Fail fast” - chết càng sớm càng tốt. Nghe rất khác nhau nhưng lựa chọn phải rất quyết đoán, hoặc là bạn bỏ cuộc ngay hoặc là bạn phải theo đến cùng. Và trong trường hợp của Deca, tôi chọn “Fail fast”.
Thương mại điện tử là một ngành cần rất nhiều tiền. 8 triệu USD là một số tiền lớn với doanh nghiệp Việt lúc đó nhưng lại là rất nhỏ so với ngành này. Rõ ràng là nếu Deca vẫn đi tiếp, số tiền phải “đốt” có thể lên đến cả trăm triệu USD.
Ông rút ra bài học gì sau dự án này?
Tôi cho rằng đây là một bài học đắt giá nhưng đáng tiền vì mình học được rất nhiều điều về chuyên môn, về lý do mình thất bại. Chúng tôi đã dành đến 10 năm để tìm hiểu và chuẩn bị cho dự án này nhưng vẫn thất bại.
Nếu có làm sớm 10 năm thì nó vẫn không thành công. Cuối cùng mình chỉ mất một năm để làm và dừng lại. Việc dừng lại sớm này giúp tôi tiết kiệm được 20 năm. Bên cạnh đó, các bài học về thương mại điện tử hiện nay vẫn rất hữu ích cho các công ty trong tập đoàn của tôi.
Từ kinh nghiệm của chính mình, theo ông khi nào một founder nên dừng lại dự án của họ?
Hãy nghe theo lý trí của mình và phải quyết đoán. Thực tế ranh giới giữa việc “Never give up” và “Fail fast” rất mong manh. Sau này, bạn có thể được nhiều người ca ngợi nếu thất bại vẫn không bỏ cuộc.
Hoặc việc bạn bỏ startup này đi xây dựng được một startup khác rất thành công sẽ là câu chuyện truyền cảm hứng. Vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất vẫn là bạn có thành công không.
“Vốn gọi được cũng giống như một món nợ”
Hiện nay nhiều người đánh giá sự thành công của một startup thông qua số vốn mà startup đó gọi được. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Số vốn gọi được là một khoản nợ, nợ về cả niềm tin, nợ cả về tiền bạc. Ở một khía cạnh nào đó có thể gọi là thành công khi startup có được sự tin tưởng từ những nhà đầu tư. Mình sẽ phải làm rất nhiều để đáp lại niềm tin đó.
Cho dù có thất bại nhưng điều quan trọng là phải cố gắng hết sức mình.
Ở Việt Nam, nhiều startup chưa thật sự tôn trọng niềm tin đó. Đầu tư là một lĩnh vực rất khó, nhất là cho startup giai đoạn đầu.
Ông chia sẻ rằng 24h phát triển mà không cần gọi vốn. Vậy tại sao với công ty nhân sự Siêu Việt (đơn vị sở hữu TimViecNhanh, Vieclam24h, MyWork và ViecTotNhat) lại nhận đầu tư 34 triệu USD từ Affirma Capital?
Thực tế, các công ty trong tập đoàn của chúng tôi đều có thể vận hành mà không cần gọi vốn đầu tư. Tuy nhiên, công ty con Siêu Việt đã gọi được 34 triệu USD vào năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi gọi vốn bên ngoài.
Tôi thấy việc mở cửa cho các nhà đầu tư vào cũng rất hữu ích, chúng tôi học hỏi được rất nhiều. Từ đấy tôi nghĩ rằng mình nên có các nhà đầu tư chuyên nghiệp để hỗ trợ phát triển.
Khi định giá của công ty càng lớn thì cũng cần những nhà đầu tư tương xứng và có nhiều kinh nghiệm để giúp công ty phát triển hơn.
Trong bối cảnh Covid-19, các startup trong hệ sinh thái của ông có gặp khó khăn gì không?
Có chứ. Covid-19 nguy hiểm với những người có bệnh nền và cũng nguy hiểm với những doanh nghiệp có bệnh nền. Công ty nào tồn tại được và bớt yếu đi nhất sẽ chiếm ưu thế cạnh tranh.
Tất nhiên cũng có một số doanh nghiệp được lợi trong đại dịch, nhất là những doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian để đào tạo thói quen cho khách hàng. Covid-19 giúp rút ngắn khoảng thời gian đào tạo thói quen đó.
Theo ông, trở thành kỳ lân có nên là mục tiêu của startup ?
Đó là giấc mơ thì đúng chứ không nên là mục tiêu. Giấc mơ thì không nên hạn chế nhưng trước tiên hãy xác định đâu là mục tiêu của mình. Khi bạn là mèo, mục tiêu của bạn là chuột, bạn có thể mơ bắt voi hay bắt kỳ lân nhưng hãy làm thật tốt việc bắt chuột trước đã.
Theo NDH