Đại học số là con đường để phát triển nhân lực số một Việt Nam
Theo bà Đặng Mỹ Châu, Phó tổng giám đốc Viet Lotus, đại học số với các chương trình đào tạo kỹ thuật và số hóa là con đường nhanh nhất giúp cho Việt Nam phát triển nhân lực.
Trong buổi tọa đàm "Đại học số - con đường phát triển nhân lực số cho Việt Nam" tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần thứ 3 với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" sáng 11/12, bà Đặng Mỹ Châu đã phân tích tình hình nguồn nhân lực số hiện nay, đồng thời đưa ra giải pháp - xây dựng đại học số để phát triển nguồn nhân lực số.
PGS. TS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chuyển đổi số là cơ hội để sinh viên làm chủ các kỹ năng làm việc trong môi trường số, để cạnh tranh sòng phẳng, đứng vững và phát triển trên thị trường lao động trong nước lẫn quốc tế.
Hiện nay các trường đại học mỗi năm cho ra đời khoảng 50.000 kỹ sư công nghệ thông tin nhưng thực tế trên thị trường cần khoảng 500.000 kỹ sư ngành này. Đây là một ví dụ cho sự thiếu hụt nhân lực số.
Dẫn chứng một nghiên cứu của tổ chức Wiley (Mỹ) liên quan đến khoảng cách về kỹ năng số trong khối APEC, bà Châu cho biết, đào tạo và giáo dục chính là lĩnh vực có mức chênh lệch về kỹ năng số cao nhất giữa các quốc gia với tỷ lệ 45,6.
So sánh với các nước trong khu vực, nếu Singapore được xếp hạng số một về kỹ năng số, đạt 7,8 trên thang điểm 10 Việt Nam đạt 5 điểm, đứng ở vị trí 53.
Nhận định trong nền kinh tế số ở tương lai, lực lượng lao động sẽ có sự xê dịch và thay đổi. Nhân lực chất lượng cao Việt Nam phải có đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để làm việc trong môi trường quốc tế, "trong một thế giới phẳng", để có thể cạnh tranh sòng phẳng, ngay cả trên thị trường lao động Việt Nam và quốc tế.
Con người - Trở thành thành tố quan trọng để phát triển mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số
Thực tế, công nghệ ngày càng phát triển cho phép con người tương tác với nhau ngày càng hiệu quả hơn. Gia tăng tốc độ sử dụng cloud và di động tạo ra sự nhanh chóng trong việc học tập và đào tạo.
"Do đó chính phủ cần thiết kế lại các chính sách, cơ chế đầu tư cho giáo dục đại học thay vì đầu tư vào cơ sở vật chất, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng liên quan đến kỹ thuật, cũng như liên quan đến các chương trình học có nội dung số hóa và đường truyền thiết bị...", bà Châu nói.
Những thành tố quan trọng để triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong giáo dục là con người - thầy và trò; phương thức dạy và học; kỹ thuật và hạ tầng công nghệ.
Như thế, trong cả 3 thành tố trên, con người thực sự đóng vai trò then chốt: Quyết tâm của lãnh đạo các cấp, thay đổi nhận thức của thầy và trò.
Chúng ta nhận thức đây là cơ hội để đổi mới giáo dục. Để có thể nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và sản phẩm - những cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ của chúng ta phải có đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là kỹ năng số, ngoại ngữ để làm việc, đứng vững và phát triển trong môi trường quốc tế.
Trước quá trình chuyển đổi số, ngành giáo dục đối mặt với rào cản không hề nhỏ
Theo bà Châu, thách thức đối với đại học số chính là quy trình và con người, chứ không phải công nghệ.
"Chúng ta không thể đem nguyên chương trình đào tạo truyền thống đưa lên nền tảng số hóa, nhưng thực tế hiện nay cho thấy các nơi đang áp dụng chương trình đào tạo truyền thống dẫn đến gây áp lực cho giảng viên, cho phụ huynh và học sinh", bà Châu nói.
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 942/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tuy nhiên, cũng nhận ra được những thách thức ngành Giáo dục gặp phải trong chuyển đổi số.
Thứ nhất, quyết tâm của lãnh đạo, tư duy, năng lực quản lý và giảng dạy. Lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường, người thầy phải thay đổi. Họ phải đối mặt với những phương thức giảng dạy, đào tạo, quản lý trên không gian ảo, khai thác hiệu quả công nghệ cho mục đích này.
Thứ hai, kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ. Chuyển đổi số đòi hỏi những người trực tiếp thực hiện việc đào tạo phải có đủ kỹ năng sử dụng công nghệ.
Thứ ba, hạ tầng và nền tảng công nghệ. Chuyển đổi số đòi hỏi hạ tầng công nghệ mới cho cả người học, người trực tiếp giảng dạy, cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý.
Đi kèm là các ứng dụng phần mềm, các nền tảng để toàn bộ hoạt động giáo dục và quản lý của các cấp diễn ra trên cùng một nền tảng, tương thích, kết nối và tích hợp được.
Ngành giáo dục không thể đi một mình mà phải đồng hành, phối hợp với các ngành khác. Việc này có thể là thách thức đáng kể bởi họ vốn quen hoạt động và vận hành độc lập.
Thứ tư, sự sẵn sàng tiếp nhận của người học. Rất nhiều sinh viên chưa sẵn sàng cho học tập trực tuyến vì nhiều lý do: Trang thiết bị, hạ tầng viễn thông, phương pháp và kỹ thuật giảng dạy của giảng viên chưa thuyết phục.
Người học cần được chuẩn bị về tâm thế, tinh thần và kỹ năng, được hỗ trợ để đảm bảo điều kiện hạ tầng thiết bị đủ để thực hiện học tập trực tuyến. Họ cũng cần được hướng dẫn về phương pháp học tập trên môi trường số sao cho hiệu quả.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, là đào sâu thêm bất bình đẳng trong giáo dục. Ta thường nghĩ việc số hóa hoạt động giáo dục sẽ đem lại "sự bình đẳng số" nhờ ưu thế tiếp cận công nghệ không giới hạn không gian và thời gian.
Việc số hóa tài liệu, học liệu cho nhóm đối tượng phải sử dụng hệ ngôn ngữ riêng như ngôn ngữ ký hiệu chắc chắn sẽ có nhiều hạn chế, không được ưu tiên, gây nhiều bất lợi, thiệt thòi cho nhóm người học này.
Bên cạnh đó, sự tương tác giữa các cá nhân và xã hội hay sức khỏe con người cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ những tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số này.
Cần làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ trong tương lai đạt chuẩn quốc tế?
Đầu tiên là áp dụng các hình thức chứng chỉ mới.
Ví dụ, hiện nay các công ty nổi tiếng toàn cầu như Amazon Web Services (AWS), Google hay Microsoft đã xây dựng thành công chương trình đào tạo kỹ thuật và số hóa.
Do đó, Việt Nam cũng nên tích hợp các chương trình đã được những tổ chức toàn cầu, chính phủ các nước cũng như các doanh nghiệp lớn ở trên thế giới công nhận.
Học tập đa kênh và không giới hạn giúp các sinh viên có nhiều sự lựa chọn hơn, nhất là các chương trình học không biên giới, kết hợp với các trường nổi tiếng trên thế giới để tạo ra các chương trình độc đáo và tạo sự cạnh tranh trong môi trường.
Sự kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Thay đổi cách đào tạo và chương trình đào tạo cần phải gắn liền với kế hoạch phát triển doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Doanh nghiệp đặt hàng và nhà trường đào tạo theo yêu cầu.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng đã xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp để nâng cao giáo dục cũng như nguồn nhân lực trẻ.
Trong đó, phát triển, phát huy năng lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thu hút giảng viên xuất sắc, nhà khoa học tài năng. Xây dựng và triển khai đề án thu hút các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trong và ngoài nước tới trường làm việc và hợp tác.
Cải tiến và thống nhất chế độ trả lương và thu nhập tăng thêm cho cán bộ dựa trên năng lực, vị trí và hiệu quả thực hiện công việc.
Triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển theo mô hình đại học số chia sẻ. Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xây dựng bộ năng lực kỹ năng cho sinh viên là rất quan trọng. Cuối cùng là sự hỗ trợ và kết nối của các cựu sinh viên đã ra trường nay quay trở lại chia sẽ các kinh nghiệm thực tế với sinh viên đại học.
Tổng hợp, nguồn: VnExpress, Báo Quốc tế