Ngày 22/7 vừa qua, đội ngũ Facebook Việt Nam công bố kết quả phân tích hành vi của người dùng Việt trong chương trình trực tuyến "Vươn mình sau đại dịch Covid-19: Làm chủ các ngày Siêu Sales cùng Facebook". 

Chương trình trực tuyến "Vươn mình sau đại dịch Covid-19: Làm chủ các ngày Siêu Sales cùng Facebook". Chương trình trực tuyến "Vươn mình sau đại dịch Covid-19: Làm chủ các ngày Siêu Sales cùng Facebook".

Đây là chương trình hỗ trợ thông tin nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội và lập kế hoạch phục hồi trong thời gian tới, tận dụng mùa siêu mua sắm cuối năm.

Nhu cầu mua sắm không thay đổi trong đại dịch

Cũng như các dân tộc châu Á khác, Tết Nguyên đán là dịp lễ vô cùng quan trọng của người dân Việt Nam. Đây cũng là thời điểm mua sắm và người tiêu dùng cả nước. 

Để khẳng định điều này, Facebook đã hợp tác với YouGov nhằm thực hiện một cuộc nghiên cứu về Tết Nguyên đán 2021. Cuộc nghiên cứu đã khảo sát 1.787 người Việt Nam trên 18 tuổi về việc mua sắm trong dịp Tết. 

Theo kết quả nghiên cứu, có 79% người cho biết họ đã mua hàng trực tuyến, 82% sử dụng thiết bị di động vì thuận tiện và an toàn hơn. Trong đó, 60% người tiêu dùng đã gửi quà Tết từ xa cũng như thông qua các kênh trực tuyến.

Theo nhận định của đại diện Facebook Việt Nam, điều mà người dân Việt Nam hướng đến luôn là việc giữ gìn truyền thống tốt đẹp cũng như lan tỏa tinh thần lễ hội trong dịp Tết. 

Với tinh thần đó, Facebook cùng các ứng dụng trong hệ sinh thái của mình đã mang đến sự kết nối nơi mọi người, thúc đẩy trải nghiệm giao tiếp và mua sắm của người dùng.

Cơ hội trong những sự kiện mua sắm trực tuyến

Những ngày giảm giá hàng hoá mua sắm cho người tiêu dùng như 8/8, 9/9, 10/10, 11/11, 12/12,... hay Black Friday, Tết Nguyên đán,... được gọi chung là Nnày hội mua sắm (Mega Sales Days - MSD).

Đây là cơ hội để người tiêu dùng thoả sức mua sắm cho bản thân hoặc gia đình, hay mua quà tặng với mức giá ưu đãi và nhiều dịch vụ đi kèm hơn bình thường. 

Ngày hội mua sắm cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận với các khách hàng tiềm năng, gia tăng doanh số bán hàng thông qua sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu mua sắm sản phẩm, dịch vụ. 

Trong thời điểm các doanh nghiệp vẫn đang tìm cách xoay sở để duy trình trong đại dịch, ngày hội mua sắm có thể mang đến cơ hội phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Theo một khảo sát của Facebook về ngày độc thân năm vừa qua, gồm 999 người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam (tuổi từ 18-64) tham gia. Số lượng người lần đầu mua sắm tại các sự kiện tăng lên 28% trên tổng số người tham gia khảo sát. 

Trong đó, 91% người tham gia khảo sát cho biết mua sắm trực tuyến có vai trò quan trọng với cuộc sống, 82% người khảo sát thuộc GenX cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn so với trước đại dịch xảy ra. 

Thực tế, cứ 10 người được khảo sát thì có 9 người khẳng định rằng họ sẽ cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến trong tương lai. Theo đó, đại diện Facebook đánh giá:

"Tất cả cho thấy tiềm năng to lớn cho giới doanh nghiệp trên cả hai phương diện: thúc đẩy doanh thu và xây dựng thương hiệu".

Những lưu ý cho doanh nghiệp trong các ngày hội mua sắm

Lập kế hoạch trước cho ngày hội mua sắm 

Facebook chỉ ra rằng có 84% người tiêu dùng đã lên kế hoạch trước cho những ngày hội mua sắm (cao hơn 15% so với mức trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương) vào năm 2020. 

Đa số người tiêu dùng dự định mua các mặt hàng thời trang trong những ngày hội mua sắm. Đồ gia dụng và thiết bị điện tử thì lại được lên kế hoạch nhiều hơn trong ngày lễ độc thân. 

Trong đó, có tới 72% người tiêu dùng dành nhiều thời gian để mua sắm hơn trong dịp Tết, 51% sử dụng ứng dụng của Facebook để tìm kiếm các ưu đãi hay khuyến mãi trong dịp lễ Tết.

Người tiêu dùng cởi mở hơn với các thương hiệu mới

Báo cáo của Facebook chỉ ra rằng trong những ngày hội mua sắm ở Việt Nam, có 95% người tiêu dùng đã thử mua sản phẩm của một nhãn hiệu mà họ chưa từng thử. 

Bên cạnh đó, 79% người tiêu dùng cũng có khả năng thử mua các nhãn hiệu đồ ăn, thức uống mới trong dịp Tết Nguyên đán. 

Quan trọng hơn, 83% người tiêu dùng cho biết họ sẽ mua lại các thương hiệu mới mà mình đã mua và dùng thử trong ngày hội mua sắm.

Như vậy, ngày hội mua sắm là dịp phù hợp cho việc tham khảo và khám phá các thương hiệu mới của người dùng. Theo đó, người tiêu dùng cho biết Facebook là nguồn thông tin đem đến cảm hứng và ý tưởng mua sắm vào dịp cuối năm.

Kết quả nghiên cứu tổng hợp phương tiện truyền thông chéo của Facebook và Kantar cũng cho thấy, Facebook giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí gấp hai lần so với kênh truyền hình trong việc thúc đẩy độ phủ (Reach).

Đồng thời, thông qua Facebook, doanh nghiệp còn có thể tăng hiệu quả trong việc thúc đẩy sự liên hệ (Association) và động lực chuyển đổi hành vi (Motivation).

Thúc đẩy nhu cầu mua sắm với video và nội dung trải nghiệm

Những nội dung video trên mạng xã hội có thể tạo động lực khám phá cho người xem. Theo khảo sát của Facebook, có đến 84% người tiêu dùng tìm được những sản phẩm phù hợp thông qua các video trên mạng xã hội. 

Cũng theo khảo sát, các video ca nhạc, phim hài và chương trình truyền hình thực tế là những nội dung được xem nhiều nhất trong dịp Tết. 

Tuy nhiên, khán giả trẻ lại bị thu hút bởi các UGC (nội dung do người dùng tạo ra) từ các ứng dụng của Facebook nhiều hơn.

"Người dùng luôn muốn là một phần của trải nghiệm mua sắm, bởi vậy những nội dung tương tác như trò chơi và Instagram Live đặc biệt hiệu quả trong việc thu hút người tiêu dùng và trở thành những lựa chọn hàng đầu".

- Đại diện Facebook chia sẻ.

Người tiêu dùng quan tâm đến tính chân thực của thương hiệu và KOLs, người nổi tiếng. 

Trong một mùa mua sắm đầy cạnh tranh, yếu tố quan trọng khiến người tiêu dùng cân nhắc đến sản phẩm chính là niềm tin vào thương hiệu, họ mong đợi thương hiệu sản xuất nội dung chân thực trên phương tiện truyền thông xã hội. 

Bên cạnh đó, có 67% người tiêu dùng đồng ý rằng sự tham gia của những người nổi tiếng hay các KOLs (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) có tác động quan trọng đến quyết định mua hàng của họ.

Tận dụng nhiều điểm chạm để đảm bảo một hành trình mua sắm dễ dàng cho khách hàng. 

Trong tình hình dịch bệnh ngày một căng thẳng, sự an toàn trở thành tiêu chí hàng đầu đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, những yếu tố như giao hàng đúng hạn, độ hiện diện tốt và dịch vụ khách hàng cũng rất quan trọng với khách hàng. 

Có 82% người tiêu dùng đồng ý rằng hình ảnh và video chất lượng rất quan trọng trong giao dịch mua hàng, đồng thời 88% người tiêu dùng sẽ tin tưởng các nhà bán lẻ hoặc thương hiệu có phương thức liên hệ, trò chuyện dễ dàng. 

Ngoài ra, có 65% người tiêu dùng có khả năng mua với điều kiện có thể liên hệ ngay với thương hiệu thông qua tin nhắn.

Giám đốc kinh doanh toàn cầu thị trường Việt Nam của Facebook - ông Khôi Lê - nhận định rằng trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp càng cần chú trọng thiết lập hiện diện số từ website, mạng xã hội cho đến các nền tảng nhắn tin. 

Ông Lê Khôi cho biết doanh nghiệp cần chú trọng thiết lập hiện diện số. Ông Lê Khôi cho biết doanh nghiệp cần chú trọng thiết lập hiện diện số.

Theo ông, những ngày hội mua sắm có thể giúp doanh nghiệp bứt phá giới hạn của những chương trình khuyến mại giảm giá. Nhờ đó, doanh nghiệp có điều kiện tiến tới xây dựng hình ảnh và câu chuyện thương hiệu một cách vững vàng.

Khi đã học được cách tận dụng kênh truyền thông số, tận dụng tiếng nói của nhà sáng tạo nội dung với những nội dung chất lượng, doanh nghiệp có thể đưa người dùng đến với trải nghiệm mua sắm và phát triển sự kết nối với các thương hiệu.

Ông Khôi Lê cũng chia sẻ thêm về những gì mà doanh nghiệp cần chuẩn bị khi người dùng thay đổi thói quen mua sắm:

"Việc doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng ngay hôm nay trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, không chỉ cho những ngày hội mua sắm của năm 2021, mà còn xa hơn nữa".

Theo Vnexpress