Thị trường Việt tiềm năng và thân quen
Nhà thiết kế Claret Giang Lê từng theo học thời trang tại London trước khi quay về và mở thương hiệu Claret Giang Le. Cô chia sẻ: “Giang lựa chọn quay về Việt Nam là vì muốn tạo dựng thương hiệu thời trang riêng và tìm nguồn cảm hứng sáng tạo từ chính bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
“Công bằng mà nói, tôi được nhiều hơn mất khi quay về Việt Nam”, nhà thiết kế Vincent Đoàn nhận định.
Anh là một trong những nhà thiết kế đầu tiên quay về quê hương vào năm 2014.
“Ngày nào đối với tôi cũng như một guồng quay bất tận. Tôi quyết định từ bỏ nước Mỹ và quay về Việt Nam để thử thách bản thân. Dù gì, nhà thiết kế Việt ở nước ngoài, không ít thì nhiều cũng có những phân biệt”.
Bên cạnh những lý do chủ quan, họ còn gặp những lý do khách quan khác.
Nhà thiết kế Lê Lucas từng học Raffles Design Institute tại Singapore quay về Việt Nam năm 2013 và thành lập thương hiệu LÊ LUCAS. Anh cho biết:
“Singapore không mạnh về thời trang. Người dân ở đó chuộng hàng hiệu hơn. Nhưng mình vẫn chọn học ở đó vì đây là nơi nhiều nhà thiết kế trên thế giới tụ về. Mình có cơ hội gặp gỡ và học hỏi từ họ”.
Thách thức nào cho các nhà thiết kế?
Tâm lý người tiêu dùng Việt
Sau khi quay về, các nhà thiết kế không chỉ phải đối mặt với bài toán kinh doanh. Một trong những khó khăn lớn nhất của họ đến từ tâm lý của người tiêu dùng Việt.
“Nền thời trang Việt thực chất chỉ mới hình thành trong khoảng 10 năm gần đây thôi”, nhà thiết kế Vincent Đoàn chia sẻ.
“Người tiêu dùng Việt vẫn chưa biết chính xác bản thân muốn gì. Nhìn chung, họ đã có thể bắt kịp các xu hướng. Nhưng phần lớn vẫn chưa định hình được phong cách mình theo đuổi”.
Nhà thiết kế trẻ Lê Lucas nhận định:
“Khách hàng Việt còn thụ động trong việc tự tìm một thương hiệu phù hợp với bản thân. Có quá ít phương tiện để giúp họ làm điều đó”.
Phần lớn người Việt chỉ biết đến các nhà thiết kế mà tên tuổi được “phủ sóng” rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
“Vấn đề ở đây là những nhà thiết kế nổi tiếng mà họ biết thì lại có phong cách không phù hợp với họ. Nhưng họ lại không muốn tìm hiểu thêm về các nhà thiết kế khác”, nhà thiết kế Lê Lucas kết luận.
Cạnh tranh về thị trường
Vì những lý do liên quan đến tâm lý khách hàng, phần lớn các nhà thiết kế “Việt Kiều” chủ yếu tập trung vào đối tượng khách hàng có tiềm lực kinh tế ổn định và am hiểu về thời trang. Quan trọng hơn cả, họ hiểu được giá trị từ kỹ thuật; cũng như chất liệu của những bộ trang phục khoác lên người.
Vô hình chung, họ cũng chính là đối tượng khách hàng của nhiều hãng thời trang nước ngoài cao cấp như Chanel, Dior…
“Với miếng bánh thị trường tiềm năng như Việt Nam, các nhà thiết kế trong nước không chỉ cạnh tranh với nhau. Họ còn phải chạy đua để bắt kịp các ông lớn của thời trang thế giới đang ồ ạt đổ bộ chiếm lĩnh thị trường”, nhà thiết kế Claret Giang Lê nhận định.
Khác biệt về tư tưởng
Ngoài những khó khăn về thị trường, họ còn vấp phải sự khác biệt về tư tưởng.
“Phần lớn người Việt chưa xem trọng nghề này”, nhà thiết kế Vincent Đoàn miêu tả. “Tại Mỹ, ngay cả khi bạn tốt nghiệp từ học viện thời trang hay đang hoạt động trong ngành công nghiệp này. Bạn vẫn chỉ được gọi là “người làm thời trang”.
Danh xưng “nhà thiết kế thời trang” không dễ gì mà có được. Bạn phải thỏa mãn các yêu cầu của Hiệp hội Thời trang Mỹ. Cụ thể là tốt nghiệp từ trường đào tạo thời trang; hoạt động đủ số năm nhất định trong ngành; và sở hữu một boutique riêng. Ở Việt Nam, bất cứ ai đều có thể tự xưng là nhà thiết kế thời trang”.
“Điều kì lạ về thị trường Việt là “nhà thiết kế thời trang” thường được xem như người nổi tiếng”. Nhà thiết kế Vincent Đoàn khắc khoải:
“Tôi mong được nổi tiếng nhờ những thiết kế. Chứ không phải vì cái tên của mình. Khi nhắc đến “Vincent Đoàn”, tôi muốn người ta sẽ nghĩ ngay đến những kỹ thuật cắt may và phom dáng mà tôi luôn tự hào”.
Chia sẻ cùng giấc mơ ấy, nhà thiết kế Lê Lucas chọn không quảng bá bản thân trên các phương tiện truyền thông.
“Nhiều người có thể biết đến bạn. Nhưng liệu họ có thừa nhận khả năng của bạn không? Nếu khách hàng hài lòng với thiết kế của tôi và giới thiệu tôi với những người khác. Đó mới chính là niềm vui thực sự”.
Liệu họ có khả năng 'refresh' ngành thời trang Việt?
Các nhà thiết kế Việt Kiều sẽ đem lại sự đa dạng cho ngành thời trang nước nhà. Nhà thiết kế Lê Lucas ví von:
“Nếu từ Singapore về, đa số các bạn sẽ mạnh về kỹ thuật. Các bạn từ Mỹ thì có thiết kế mang đậm tính thương mại. Sinh viên từ Anh về lại giỏi xử lý chất liệu và dệt kim. Còn các bạn từ Pháp và Ý thì thiên về đồ couture. Đó là cái hay của việc có nhiều du học sinh thời trang trở về từ nhiều nước khác nhau”.
Nhà thiết kế Claret Giang Lê nhấn mạnh:
“Có một câu Giang Lê rất tâm đắc của Coco Chanel: In order to be irreplaceable, one must always be different. Sự khác biệt là yếu tố quan trọng”.
Bên cạnh việc thiết kế, nhiều người còn hoạt động trong ngành thời trang ở những vị trí khác. Nhà thiết kế Lê Lucas vừa kinh doanh, thiết kế và dạy học. Ngoài ra, các bạn còn làm stylist, nhiếp ảnh gia thời trang, biên tập viên cho các tạp chí thời trang… với số lượng ngày một tăng.
Sự hiện diện của họ không chỉ làm sinh động mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang non trẻ của Việt Nam.
Tổng hợp