Không chỉ có âm nhạc, Indie xuất hiện trong thời trang và đã trở thành mã code của một cộng đồng rộng lớn bao gồm các “cá thể tự do”, mà chính bạn cũng có khả năng nằm trong đấy.
Thập niên 60 chứng kiến rất nhiều bước ngoặt vượt khỏi ràng buộc trong văn hóa đại chúng và Indie chính là khởi nguồn của những khát khao tạo nên dấu ấn.
Không phải sàn runway cùng những xu hướng quen mặt, giai điệu ngẫu hứng từ các bản phối “underground” mới là không gian để những “nghệ sĩ thời trang” đặt ra quy tắc.
Thời trang Indie là gì?
Nói một cách chính xác thì Indie không hẳn là một phong cách mà đúng hơn là một trào lưu thừa hưởng tinh thần thẩm mỹ của thời đại “đô thị số”.
Trong quá khứ, Indie được dùng để đặt tên cho một dòng nhạc tự phát và tách biệt khỏi các phòng thu âm truyền thống.
Bắt nguồn từ ý tưởng về tính cá nhân và sự độc lập trong một bản thể, thời trang Indie thích trở về quá khứ để đắm mình vào nghệ thuật.
Khi Instagram, TikTok và Pinterest khiến các xu hướng được lan tỏa mạnh mẽ hơn về cả không gian và thời gian, các công thức được chia sẻ có phần bị lạm dụng và trở nên bão hòa, lúc này, hào quang sẽ trở về với những xúc cảm ngẫu hứng và bất ngờ nhất, dù nó cũ kỹ, bám đầy bụi và không hề lộng lẫy.
Không có nhãn mác, số lượng hữu hạn thậm chí chỉ có “một không hai” nhưng lại rất “nịnh” túi tiền, cửa hàng secondhand hay góc đồ thủ công ở nhà chính là sân khấu chính cho màn trình diễn của những nghệ sĩ Indie trẻ.
Màu vintage, phom dáng oversize, áo thun graphic, quần ống rộng, layer phụ kiện và sự thoải mái là hình dung phổ biến nhất về trào lưu này.
Indie và những bản ngã đi cùng thời đại
Có rất nhiều phân nhánh lớn thuộc về Indie, nó bao gồm những phong cách bạn đang thấy mỗi ngày và nghe được người ta thảo luận mỗi giờ trong thế giới thời trang những năm gần đây.
Nói một cách ngắn gọn, Indie là từ viết tắt của tất cả Aesthetic đang được hưởng ứng bởi đông đảo Gen Z.
Dưới đây là 5 phiên bản chính mà bạn sẽ dễ dàng bắt gặp.
Cỗ máy thời gian mang tên Vintage
Vì đã ngưng sản xuất và chỉ được tìm thấy ở các cửa hàng đồ si hoặc tủ đồ của “cha chú” nên những món đồ secondhand được tận dụng làm nguyên liệu cho chuyến hành trình “vượt thời gian”.
Nếu muốn nhập hội Indie bằng con đường tắt, áo phông logo của các thương hiệu, quần jean ống rộng hay sơmi hoa đều là lựa chọn bạn nên để mắt.
Không nhất thiết là các nhà mốt từ kinh đô Pháp hay Ý, những món đồ “sờn mòn” đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản hay Hồng Kông vẫn có thể đảm nhận vai chính trong những bản nhạc Indie phóng khoáng, miễn là chúng trông thật cool.
Cộng hưởng thời đại theo kiểu Retro
Khác với vintage, retro là một phong cách cho phép bạn sử dụng “đồ mới” lấy cảm hứng từ những thập niên cũ.
Cùng với diện mạo cổ điển pha lẫn hiện đại, những “con chiên” thời trang có thể tìm thấy món đồ retro yêu thích ở bất cứ nơi nào, từ thương hiệu xa xỉ cho đến cửa hàng bình dân.
Những năm gần đây, sàn disco, phim ảnh kinh điển và các ngôi sao như Britney Spears hay Christina Aguilera chính là nguồn ý tưởng bất tận cho những sáng tạo pha trộn tinh thần thời đại.
Hipster và những cái tôi thành thị
Hình thành cùng với văn hóa đường phố, hipster là tiếng nói tự do của các cô nàng trung lưu “ngổ ngáo” giữa lòng đô thị hiện đại.
Những bản phối bất quy tắc, nổi loạn và không hề gọn gàng nhằm mục đích giải thoát cho sự phóng khoáng tự nhiên.
Cô nàng hipster chính hiệu thường diện trang phục “ồn ào” hơn với chất nhạc đến từ Hip Hop, Punk Rock hay Grunge. Đi cùng thường là họa tiết caro, phụ kiện bằng da hay trang sức kim loại.
Đôi khi, cơn gió thảo nguyên từ xu hướng Bohemian và Hippie cũng được thêm vào.
Ký ức ấu thơ trong những bản phối Indie Kid
Hình dán trẻ em, điện thoại đồ chơi và tất cả quần áo màu mè mà ta hằng ước ao khi còn bé đã trở về trong những bản phối indie kid ngập tràn hoài niệm trên TikTok và Instagram.
Nếu Y2K là bức tranh sống động và gợi cảm hết mình thì Indie Kid sẽ là bản vẽ ngây thơ hơn, tập trung vào sự thoải mái với những chiếc quần ống rộng, cạp trễ, hoodie hay croptop Fiorucci hình bướm điệu đà.
Giày sneakers sẽ là điểm nhấn tối đa năng động và vòng nhạt nhựa vẫn là DNA của những bản phối thuộc về thập niên 2000.
Underground brand và các nhà thiết kế độc lập
Nhà thiết kế độc lập được biết đến là những người trẻ, tự tay sáng tạo những thiết kế độc lạ trong vũ trụ của riêng mình.
Một số người hướng đến giá trị bền vững trong những chất liệu thân thiện với môi trường.
Chẳng cần những sàn runway xa xỉ, những chiến dịch truyền thông đắt đỏ hay ngôi sao hạng A, đối với các nhà thiết độc lập như Vereja, Yueqi Qi hay Sanchez-Kane, lực hấp dẫn tự nhiên giữa những tâm hồn đồng điệu sẽ mở đường cho những vị khách trẻ tìm đến họ.
Quy mô hơn một nhà thiết kế độc lập đương nhiên là những thương hiệu đã có được đội ngũ đáng kể.
Tuy nhiên, những underground brand cũng thường im hơi lặng tiếng trong guồng quay nghệ thuật của riêng mình, ít khi ra mắt trên các sàn thương mại điện tử và thiên về chăm chút cho trang cá nhân.
Hình dung gần gũi chính là các local brand trẻ ở Việt Nam. Hội tín đồ thích săn lùng các thương hiệu “ngầm” này vì các item “chất lừ” theo đúng tư duy người trẻ.
Realisationpar, KNWLS, Officekiko hay Marshall Columbia là các thương hiệu đang “lọt vào mắt xanh” của nhiều “trendsetter” như Dua Lipa, Bella Hadid,…