Công chức ngành y tế - Còn nhiều cơ hội thì tại sao phải chọn nơi trả công không xứng đáng ?

Trong một thị trường đã rất mở hiện nay, các công chức hoàn toàn được quyền chọn nơi làm việc đảm bảo được trả công xứng đáng so với chuyên môn và sức lao động bỏ ra. 

Trong một cuộc hội thảo, một vị lãnh đạo bệnh viện lớn đã đưa ra ví dụ so sánh về mức lương của bác sĩ bệnh viện công và tư.

Mức lương cho bác sĩ ở bệnh viện công liệu có xứng đáng ? (Ảnh: VOV).
Mức lương cho bác sĩ ở bệnh viện công liệu có xứng đáng ? (Ảnh: VOV).

Tại bệnh viện Nhà nước, một bác sĩ chuyên môn giỏi, thực hiện một ca cắt amidan, sau khi thực hiện hết các bước sẽ nhận được số tiền công là… 30.000 đồng. 

Trong khi đó tại một bệnh viện tư, con số này sẽ từ 200 - 300 ngàn, gấp 10 lần.

Hay một bác sỹ trực phòng cấp cứu, phụ cấp một đêm trực không đủ bù chi phí xăng xe, ăn một tô phở trong khi tính chất công việc cực kỳ căng thẳng.

Đó là chưa kể đến những công việc áp lực, cường độ tăng cao trong thời gian dịch bệnh vừa qua.

Nhân viên y tế ở các bệnh viện công đã làm việc quá tải vì dịch bệnh (Ảnh: Lao động).
Nhân viên y tế ở các bệnh viện công đã làm việc quá tải vì dịch bệnh (Ảnh: Lao động).
Với thực trạng như vậy, người giỏi nếu có ở lại thì cũng để trau dồi chuyên môn, sau đó họ sẽ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn. 

Dựa theo quan điểm người lao động, đó là chuyện công bằng và bình thường như ở tất cả các ngành nghề khác.

Thực trạng qua chia sẻ của “người trong cuộc" - Đào tạo ở bệnh viện công, làm việc ở bệnh viện tư

Chia sẻ với báo chí, một Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 từng có nhiều năm làm quản lý một bệnh viện công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ, nguyên nhân của tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc chủ yếu vẫn là vấn đề thu nhập thấp. 

Theo bác sĩ này phân tích:

- Bác sĩ ra trường chỉ nhận được mức hệ số lương 2,34 nhân với mức lương cơ bản là 1.490.000 đồng thì chưa được 4 triệu đồng, cộng thêm với tiền trực, tiền ưu đãi ngành thì được khoảng 5 triệu đồng. 
- Ngoài mức lương này, bác sĩ ra trường không còn khoản nào khác. 
- Trong khi đó, khi chuyển qua bệnh viện tư họ có thể nhận được mức lương cao ngất ngưởng gấp 2-3 lần ở bệnh viện công.

Bác sĩ cũng lo toan chuyện cơm áo gạo tiền như bao người (Ảnh: Lao động).
Bác sĩ cũng lo toan chuyện cơm áo gạo tiền như bao người (Ảnh: Lao động).

Từng chia sẻ với báo Lao Động, Bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Đức Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, nhiều bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đã chuyển ra ngoài làm để hưởng mức thu nhập cao hơn. 

Theo bác sĩ Tuấn, đây là câu chuyện “muôn thủa”, khi bệnh viện công vừa đào tạo được một bác sĩ, học chuyên khoa xong là họ nghỉ việc ngay, còn các bệnh viện tư thì không đào tạo, chỉ trả lương cao là bác sĩ chuyển qua làm. 

Bệnh viện tư thu hút người giỏi - Chuyện tất yếu của cơ chế thị trường

Theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trái ngược với tình trạng bác sĩ, điều dưỡng của các cơ sở y tế công lập nghỉ việc thì trong 6 tháng đầu năm nay, các cơ sở y tế tư nhân trong tỉnh lại tăng 91 bác sĩ, từ 1.177 người lên 1.268 người. 

Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân cũng tăng thêm 28 điều dưỡng, 7 nữ hộ sinh, 28 kỹ thuật viên và 10 nhân viên y tế khác. 

Điều đáng lưu ý là số bác sĩ, điều dưỡng tăng ở các cơ sở y tế tư nhân đa phần là từ các bệnh viện công lập chuyển sang.

Thật ra, y tế cũng giống như bao ngành nghề khác, sẽ phải vận hành theo cơ chế thị trường. 

Y tế cũng là một ngành vận hành theo cơ chế thị trường (Ảnh: VnExpress).
Y tế cũng là một ngành vận hành theo cơ chế thị trường (Ảnh: VnExpress).

Khối y tế tư nhân xác định đúng khách hàng mục tiêu cung cấp dịch vụ chất lượng phù hợp với khả năng chi trả của bệnh nhân, mang lại lợi nhuận và tái đầu tư vào trang thiết bị, nhân sự.

Sự năng động và khả năng đáp ứng đúng nhu cầu thị trường giúp bệnh viện tư đủ nguồn lực thu hút người giỏi, cạnh tranh nhân sự với khối công. 

Khối công chỉ có một cách duy nhất là tìm cách giữ người chứ không thể hy vọng tư nhân giảm sự cạnh tranh được.

Một số bệnh viện công đang lên kế hoạch giữ chân nhân viên (Ảnh: Lao động).
Một số bệnh viện công đang lên kế hoạch giữ chân nhân viên (Ảnh: Lao động).

Thực tế không hẳn là do trực thuộc Nhà nước nên y tế công không làm được những điều khối tư nhân năng động đã và đang thực hiện, với khoảng cách rất xa (nếu không muốn dùng từ lạc hậu). 

Vấn đề ở đây chính là cơ chế quản lý đã quá cũ kỹ, hoàn toàn không phù hợp với tình hình mới.

Với những ai hiểu về ngành y, khi nhìn vào con số cả ngành y bác sĩ, điều dưỡng bỏ khối công chuyển sang tư nhân thì sẽ không bất ngờ vì đó là chuyện đã được dự báo trước, một quy luật tất yếu của thị trường lao động.

Lời kết

Nhìn chung, thực trạng những công chức ngành y tế nghỉ việc cũng là chuyện bình thường nếu xét theo quan điểm thị trường. 

Đây vừa là cơ hội dành cho các bệnh viện tư, vừa là hồi chuông báo động để khâu quản lý Nhà nước phải "thức tỉnh" và hành động mạnh mẽ trong việc giữ chân người tài.