Công nghệ và công nghệ số hiện nay đang được xem là chìa khóa quan trọng giúp con người, doanh nghiệp, nền kinh tế thích ứng và bứt phá sau đại dịch.
Dựa trên báo cáo “Top trends in Tech” của McKinsey & Company và Báo cáo Toàn cảnh Đổi mới Sáng tạo mở Việt Nam năm 2021 (do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Quốc gia (NSSC) và BambuUP thực hiện) có đề cập đến 10 xu hướng công nghệ nổi bật trong 5 năm tới.
Và 10 xu hướng công nghệ này sẽ thay đổi hoàn toàn chiến lược công ty, quy trình vận hành, hoạt động, tối ưu hoạt động sản xuất và tiếp cận khách hàng.
Trong tổng thể hệ sinh thái công nghệ đó, công nghệ siêu kết nối 5G được nhận định là “Tương lai của sự kết nối - Future of Connectivity" cùng với dự đoán sẽ có đến 80% dân số thế giới sẽ được tiếp cận với 5G trước năm 2030.
Xem thêm: 10 xu hướng công nghệ nổi bật trong 5 năm tới
Sức mạnh của kỷ nguyên 5G
Theo trang mạng techradar.com, mạng 5G có thể đạt tới tốc độ đường truyền “không tưởng” 800 GB/giây.
Một tốc độ như vậy đủ để phá vỡ mọi giới hạn về lưu lượng đường truyền Internet không dây và thỏa mãn bất kỳ nhu cầu nào trên thiết bị di động hiện nay.
Mạng Internet di động thế hệ thứ năm này còn được kỳ vọng là một nền tảng World Wide Wireless Web (www) hoàn hảo để kết nối bất kỳ nơi nào trên Trái đất.
Có thể nói, 5G đã mở ra một thế giới kết nối không dây thực sự.
Thông qua đó, tất cả mọi người có thể truy cập Internet xuyên suốt mà không gặp phải các rào cản, giới hạn nào về mặt không gian và thời gian.
Theo Báo cáo Di động mới nhất của Ericsson, số lượng thuê bao điện thoại thông minh 5G trên toàn cầu dự kiến vượt 1 tỷ trong năm nay, gần gấp đôi so với năm 2021.
Điều này đồng nghĩa 5G đạt được mốc người dùng này sớm hơn 2 năm so với mạng 4G trước đây.
Báo cáo cũng dự báo lượng người dùng 5G sẽ tăng gấp đôi vào năm 2024 so với năm 2022 và gấp 4 lần vào năm 2027.
Với sự hỗ trợ đa dạng các nền tảng, người dùng có thể cùng lúc kết nối nhiều thiết bị qua mạng không dây và dễ dàng chuyển đổi qua lại một cách nhanh chóng mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Ngoài ra, 5G không chỉ đơn giản là thế hệ thứ 5 của mạng di động mà còn là công nghệ có khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để truyền tải một số lượng lớn dữ liệu, cho phép tạo nên một thế giới thông minh hơn và kết nối nhanh hơn, tiện ích hơn.
Không những vậy, mạng di động 5G với tốc độ siêu nhanh và độ trễ kết nối thấp còn có tiềm năng đem lại doanh thu khổng lồ cho các công ty dịch vụ truyền thông, viễn thông, giải trí từ các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi, truyền phát video trực tuyến cho tới vạn vật kết nối qua Internet (Internet of Things - IoT).
Trong khi 4G ra đời và gắn liền với sự bùng nổ của điện thoại thông minh, 5G có thể được ứng dụng trong phạm vi rộng hơn và phức tạp hơn, giúp thay đổi cuộc sống từng ngày của hàng tỷ người trên thế giới.
Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ 5G có thể sẽ khiến thế giới phải kinh ngạc, thậm chí được dự báo về một "nền kinh tế 5G" vào năm 2035, khi công nghệ này tham gia hầu hết vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Theo đó, hệ sinh thái 5G trong tương lai sẽ bao gồm các nhà sản xuất hạ tầng mạng, điện thoại thông minh và các thiết bị tiêu dùng khác.
Việc chuyển đổi sang mạng 5G là một cuộc cách mạng thay đổi thế giới và "điều này sẽ gần như quan trọng hơn cả điện năng".
Với những ưu điểm nổi trội như vậy, công nghệ 5G hứa hẹn sẽ là một ngành kinh doanh màu mỡ.
Ứng dụng công nghệ 5G định hình tương lai doanh nghiệp
Theo ông Kai Sahala - Trưởng bộ phận phát triển kinh doanh toàn cầu của Nokia, công ty này đã tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp để tìm hiểu về nhu cầu và độ sẵn sàng ứng dụng 5G.
Về sự sẵn sàng của 5G, Nokia đã nghiên cứu cách các doanh nghiệp đang áp dụng 5G và cả những nơi chuẩn bị áp dụng công nghệ này.
Hầu hết các công ty đều cho rằng, 5G sẽ giúp tăng suất lao động. Tuy vậy, chỉ một nửa số người có quyền ra quyết định về vấn đề công nghệ tại các công ty đó thực sự hiểu về 5G.
Chỉ 15% các doanh nghiệp được hỏi cho biết đang đầu tư vào 5G. Trong khi đó, 70% số doanh nghiệp cho biết có ý định đầu tư vào công nghệ này trong vòng 5 năm tới.
Điều đó cho thấy sự quan tâm lớn của các doanh nghiệp đối với 5G.
Bên cạnh đó, theo Tổ chức Hệ thống toàn cầu về truyền thông di động, có trụ sở tại London, mạng 5G có thể đóng góp tới 565 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu đến năm 2035.
Ông Denis Brunetti, Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào cho biết:
“5G là nền tảng cho đổi mới sáng tạo và điều khiến cho 5G khác biệt so với các thế hệ mạng di động trước đây là công nghệ này sẽ phục vụ cả khách hàng là người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trong giai đoạn đầu, 5G sẽ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ tại Việt Nam cải thiện trải nghiệm băng rộng di động cho người tiêu dùng và nâng cao năng lực mạng lưới để quản lý lưu lượng dữ liệu ngày càng tăng.
Theo thời gian, sẽ có thêm các phương án sử dụng 5G mới, sáng tạo để ứng dụng cho IoT và kinh doanh.”
Công nghệ IoT cũng là một trong những thành tố quan trọng góp phần chuyển đổi số, thông minh hóa các lĩnh vực như giám sát thời tiết, dịch bệnh, sức khỏe cây trồng nông nghiệp và các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo v.v.
Ngoài ra, cùng với những ưu thế vượt trội về tốc độ truyền dữ liệu, mạng 5G sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực, từ phát triển ngành công nghiệp nhà thông minh (smarthouse), đến chơi game, thành phố thông minh, đồng thời thúc đẩy kinh tế toàn cầu vốn đang chững lại.
Nền kinh tế tương lai này cho phép phát triển ứng dụng giao hàng bằng máy bay không người lái, phát triển trí tuệ nhân tạo nhằm phát hiện các cuộc tấn công mạng, triển khai dịch vụ xe không người lái và xây dựng hồ sơ sức khỏe kỹ thuật số v.v.
Cụ thể, dựa trên báo cáo “Top trends in Tech” của McKinsey & Company, công nghệ 5G sẽ có nhiều ảnh hưởng tác động lớn đến một ngành nghề/lĩnh vực như:
1. Lĩnh vực y tế
5G cũng sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các mạng chăm sóc sức khỏe được kết nối.
Tốc độ 5G sẽ cho phép dữ liệu được truyền theo thời gian thực, mở đường cho các kỹ thuật như phẫu thuật từ xa.
Nó cũng sẽ giúp các tổ chức chăm sóc sức khỏe theo dõi và giám sát các thiết bị y tế được kết nối, quản lý và phân tích dữ liệu bệnh nhân từ IoT có thể đeo được.
Và đặc biệt là có thể cho phép các bác sĩ từ xa cung cấp phân tích xét nghiệm nhanh chóng và chính xác cho bệnh nhân.
2. Ngành giao thông hậu cần
Ngành giao thông hậu cần cũng là một trong những ngành hưởng lợi trực tiếp từ công nghệ 5G.
Hiện nay, những thương cảng bận rộn của thế giới như Singapore, Hong Kong cũng đã ứng dụng công nghệ mới vào xây dựng hệ thống vận tải thông minh.
Trong tương lai, những chiếc xe tự lái có thể tự vận hành một cách an toàn dựa trên tín hiệu được cập nhật tức thì thông qua mạng 5G.
3. Ngành công nghiệp ô tô
Tương lai của ngành ô tô sẽ không còn là những cuộc đua về sức mạnh thuần tuý, mà thay vào đó là kết nối, là công nghệ, là tự hành và là sự tiện nghi tối đa dành cho con người. Mà điểm nhấn chính là việc mạng 5G dẫn lối cho xu hướng ô tô thông minh tương lai.
Các hãng sản xuất ô tô nhận ra một xu hướng xe kết nối đang phát triển rất nhanh chóng.
Đây cũng là một cơ hội lớn để họ tiếp tục chinh phục được những vị khách đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn, muốn chiếc xe của họ được kết nối với thế giới Internet rộng lớn.
4. Sản xuất điện máy
Với tốc độ đường truyền nhanh, độ trễ thấp và độ ổn định cao, 5G sẽ cho phép AI tiếp nhận và xử lý được nhiều thông tin hơn trong cùng một thời điểm.
Điều này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống sản xuất tự động hoá với độ chính xác và năng suất cao hơn.
Lời kết
Có thể thấy, 5G đã mở ra một cánh cửa mới cho một tương lai kết nối tốc độ và hiệu quả hơn.
Hay nói cách khác, công nghệ 5G sẽ mở ra một kỷ nguyên siêu kết nối, hứa hẹn những luồng doanh thu mới. Và điều này sẽ mang lại những lợi ích khổng lồ cho các doanh nghiệp trong tương lai.