Từ sự kiện “Ơn trời, đặt được trà đào cam sả The Coffee House trên Baemin rồi!”...
Mới đây, fan hâm mộ của thương hiệu The Coffee House đã phát hiện ra sự xuất hiện của hãng trên Baemin. Vậy nhưng, The Coffee House lại không chạy một dòng thông báo nào trên Fanpage, và hiện chỉ có khách hàng ở TP.HCM mới đặt được đơn hàng The Coffee House trên Baemin.
Thử cài định vị tại Hà Nội hay các thành phố khác mà xem, bạn sẽ không tìm được bất kỳ cửa hàng nào của The Coffee House trên ứng dụng “xanh bạc hà”. Chuỗi cà phê nổi tiếng với dân văn phòng và các bạn trẻ này cũng chưa cho thấy sự xuất hiện của mình trên GrabFood và Now - hai ứng dụng giao thức ăn nổi tiếng khác.
Bất chấp hàng loạt “ông lớn” trong ngành như Highlands Coffee, Phúc Long, Trung Nguyên, Cộng Cà phê... đều xuất hiện trên GrabFood và Now, The Coffee House đã từng lắc đầu với việc hiện diện trên các ứng dụng giao thức ăn.
Ứng dụng giao thức ăn duy nhất từng hợp tác với The Coffee House vào năm 2020 là LoShip, tuy nhiên sự hợp tác chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn ngủi. Về khâu giao hàng của The Coffee House, chuỗi chỉ sử dụng lực lượng giao hàng nội bộ cùng với sự hỗ trợ từ các tài xế thuộc Ahamove và Lala (cùng nằm trong hệ sinh thái Seedcom).
…đến ba nhận định cho một lịch sử "khước từ" các ứng dụng giao thức ăn của The Coffee House
Anh Hoàng Tùng, Founder/CEO chuỗi Pizza Home, đã từng đưa ra ba nhận định về vấn đề này dưới góc độ của người làm kinh doanh (tổng hợp từ bài viết đăng trên Cafebiz năm 2020).
_Thứ nhất, thương hiệu F&B lo ngại dữ liệu khách hàng của mình có nguy cơ bị lộ
Thời điểm năm 2019, ông Đinh Anh Huân, Chủ tịch HĐQT The Coffee House từng chia sẻ với báo giới "The Coffee House hợp tác với các ứng dụng giao đồ ăn tự sát". Ngoài chuyện lệ thuộc vào ứng dụng giao thức ăn, thông tin người dùng sẽ được các công ty chủ quản của những ứng dụng này lưu trữ.
Dữ liệu khách hàng là một trong những tài sản lớn đối với các công ty F&B. Giả sử khi bạn lên Grab, dù không trả về kết quả như ý khi gõ từ khóa "The Coffee House", nhưng bạn sẽ được GrabFood gợi ý dùng cà phê Starbucks, Highlands hay Phúc Long.
Vậy nên không chỉ riêng The Coffee House, các thương hiệu khác cũng có chung mối e ngại phải san sẻ bớt dữ liệu khách hàng và lợi nhuận khi quyết định dịch chuyển lên các ứng dụng giao thức ăn.
_Thứ hai, thương hiệu F&B dễ trở thành "nạn nhân" của cuộc chiến khuyến mãi, chiết khấu
Trước đây, việc không tham gia vào các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến là cách để The Coffee House bảo vệ thương hiệu của mình, cũng như không muốn trở thành nạn nhân của cuộc chiến khuyến mãi, chiết khấu tạo nên bởi các đơn vị giao thức ăn trực tuyến.
Khi lên ứng dụng trực tuyến, tất cả những thứ như dịch vụ trải nghiệm tại chỗ, các yếu tố khiến khách hàng vui vẻ trả nhiều tiền hơn như không gian, âm nhạc, mùi hương… đều bị cắt bỏ, chỉ còn lại cái lõi sản phẩm.
Giá cả là vấn đề mà rất nhiều người kinh doanh F&B e ngại khi quyết định kinh doanh trên các ứng dụng giao thức ăn. Chưa kể, rất nhiều cửa hàng cà phê khác có mức giá cạnh tranh, làm khuyến mãi hay chiết khấu có thể “mạnh tay” hơn The Coffee House rất nhiều trên các ứng dụng giao thức ăn này.
_Thứ ba, The Coffee House muốn trực tiếp phục vụ và đáp ứng nhu cầu khách hàng
"Điều quan trọng nhất khi xuất hiện trên nền tảng thứ ba, The Coffee House muốn mình phải là đơn vị được trực tiếp phục vụ khách hàng", ông Trung Huỳnh - cựu Giám đốc Công nghệ The Coffee House - từng chia sẻ tại một sự kiện F&B.
Vì vậy, trong suốt hành trình “nói không với ứng dụng giao hàng”, thay vì lựa chọn kết hợp với các nền tảng đặt món trực tuyến như GrabFood, GoViet (nay là Gojek) hay Now, The Coffee House quyết định tự xây dựng ứng dụng riêng.
Với The Coffee House, làm sao phục vụ khách hàng khi họ không có mặt ở cửa hàng mới là mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, "Yếu tố Delivery nằm trong câu chuyện phân tích tất cả các hướng trong kinh doanh khi đặt khách hàng làm trung tâm", ông Trung Huỳnh phân tích.
Về khía cạnh Delivery, dù không đưa sản phẩm lên nền tảng GrabFood hay Now, The Coffee House vẫn hợp tác với dịch vụ như GrabExpress, Lala hay Ahamove.
Có thể do đây là các đơn vị giao hàng đơn thuần, vì vậy khi khách đặt món trực tuyến thông qua The Coffee House, công ty vẫn sẽ chủ động trong việc lưu giữ dữ liệu khách hàng. Sau khi nhận đơn, The Coffee House sẽ lưu lại thông tin đơn hàng và lựa chọn: hoặc tự giao, hoặc dùng dịch vụ giao hàng bên thứ ba.
Với ba nhận định trên, không khó để hiểu phần nào ý định của The Coffee House, khi thương hiệu đã từng không sẵn sàng bắt tay với các ứng dụng giao thức ăn trực tuyến. Tuy nhiên, với câu chuyện Covid-19 và tầm quan trọng của yếu tố Delivery, có lẽ, mọi chuyện đang dần thay đổi.
“Cú bắt tay” với Baemin của The Coffee House: Chịu dịch chuyển để đáp ứng nhu cầu khách hàng thời 4.0?
Kể từ khi nhà sáng lập Nguyễn Hải Ninh rời ghế CEO vào năm 2019, dường như The Coffee House đang cởi mở hơn với các ứng dụng giao thức ăn. Từ tháng 08/2020, người dùng đã từng thấy The Coffee House xuất hiện trên LoShip, ứng dụng giao đồ ăn gốc Việt.
Tới tháng 09/2020, The Coffee House cũng xuất hiện trên Tiki, sàn thương mại điện tử gốc Việt. Thậm chí, chuỗi đồ uống còn xuất hiện trên ví điện tử Momo, Zalo Pay và người dùng có thể đặt hàng trực tiếp tại đây.
Do đó, cú bắt tay với Baemin mới đây (hiện chỉ khả dụng với các cửa hàng TP.HCM) cũng là một dấu hiệu tích cực - cho thấy The Coffee House đang dần cởi mở hơn khi “say Yes” với các ứng dụng và nền tảng kết nối. Bởi chính trên những hệ sinh thái trực tuyến này, thương hiệu có thể sẽ xây dựng thành công mối quan hệ gắn kết lâu dài với các khách hàng của mình.
Hãy cùng chờ đợi những “cú chuyển mình” tiếp theo từ The Coffee House.
Tổng hợp