Tomas Chamorro-Premuzic, Giám đốc Khoa học Tài năng tại ManpowerGroup, đánh giá, lo lắng về sự nghiệp không nhất thiết là điều xấu.
Bởi lẽ, nó có thể khuyến khích bạn tự cải thiện và học hỏi. Nhất là trong thời buổi khó lường, việc chuẩn bị sẵn sàng cho nhiều tình huống khác nhau như thất nghiệp, cũng là ý hay.
Tuy nhiên, lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng xấu đến bạn và công việc. Khi bận tâm quá nhiều, chúng ta sẽ mất đi cảm nhận thực tế, điều này có thể tác động đến các mối quan hệ, năng suất và sức khỏe tinh thần.
Do đó, điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng, tạo đủ khoảng cách giữa những suy nghĩ tiêu cực và nhận thức rõ ràng.
Tình trạng tài chính chung của công ty, ngành và nền kinh tế ra sao?
Bạn nên lo lắng: Năm 2020 có thể làm tăng nỗi sợ của bạn về công việc. Nhiều công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Khi nhìn vào dữ liệu, khó mà tưởng tượng bạn sẽ không có chút lo lắng nào.
Nếu tình hình tài chính công ty không tốt, việc lo lắng về nguy cơ bị sa thải cũng hợp lý. Nhưng việc này có thể khó xác định vì không phải tất cả công ty đều minh bạch tài chính.
Nếu muốn chắc liệu nỗi sợ của bản thân có đúng không, hãy thực hiện một số nghiên cứu về tình trạng của ngành, cũng như nền kinh tế.
Thử tìm kiếm các cụm từ như "tỷ lệ thất nghiệp hiện nay trong (chèn tên ngành vào)" hoặc "nền kinh tế (chèn tên quốc gia) vào năm 2021". Kết quả sẽ giúp bạn biết được vài manh mối về việc có nên chuẩn bị cho một đợt cắt giảm nhân viên hay không.
Bạn không nên lo lắng: Nếu sau khi tìm kiếm, bạn nhận ra tình hình tài chính trong ngành vẫn ổn, thì đó là dấu hiệu cho thấy công việc có thể vẫn an toàn.
Ở nhiều nước, nền kinh tế đang hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm trên toàn cầu so với đầu năm 2020, nghĩa là hiện tại bạn ít có khả năng bị mất việc do hậu quả của đại dịch.
Văn hóa chung của công ty là gì?
Bạn nên lo lắng: Một số công ty có văn hóa minh bạch, cởi mở, tiếp nhận góp ý. Nếu làm việc trong những công ty này, bạn sẽ có thể được hưởng lợi từ các quy trình nhân sự có thể dự đoán được, bao gồm các đánh giá thành tích được tiêu chuẩn hóa, các quyết định quản lý có vẻ hợp lý và công bằng.
Thật không may, không phải ai cũng làm việc cho các công ty như thế. Thay vào đó, hầu hết mọi người buộc phải phân tích xem hành động, sự kiện hay góp ý nào có thể là dấu hiệu cảnh báo.
Nếu văn hóa của công ty bạn giống với trường hợp này nhiều hơn, bạn lo lắng về chuyện bị mất việc cũng là tự nhiên, đặc biệt nếu nhận được phản hồi không tốt từ người quản lý.
Bạn không nên lo lắng: Nếu văn hóa của công ty nhìn chung là cởi mở và công bằng, việc bị sa thải sẽ không bất ngờ xảy ra.
Điều này có thể xảy ra với lý do rõ ràng, chẳng hạn như có khoảng cách giữa những gì bạn có thể làm cho công ty và những gì công ty cần.
Vì vậy, bạn có thể ngừng lo lắng, trừ khi bạn đang có buổi trò chuyện về kết quả làm việc kém cùng quản lý hoặc bộ phận nhân sự.
Mặt khác, nếu bạn hoàn thành tốt trách nhiệm và luôn nhận được phản hồi tích cực, hoặc mang tính đóng góp từ người quản lý, thì đó là dấu hiệu tuyệt vời.
Suy nghĩ và hành động của sếp ra sao?
Bạn nên lo lắng: Cách tốt nhất để xác định liệu bạn có thể bị sa thải hay không là hỏi trực tiếp sếp. Điều này có thể hơi khó xử, nhưng bạn có thể bắt đầu chủ đề một cách tinh tế.
Ví dụ, trong cuộc họp lần tới, bạn có thể nói "Em muốn nghe phản hồi của anh về thành tích bản thân. Anh thấy em có đáp ứng được kỳ vọng của anh, hay có phần công việc nào em cần cải thiện không?"
Thậm chí, bạn có thể tiếp tục "Có điều gì em nên thực hiện nhằm đem lại giá trị nhiều hơn cho anh và công ty không?". Các quản lý thường khó đưa ra phản hồi tiêu cực, nhưng bạn có thể giúp họ phê bình bạn dễ dàng hơn.
Vài người có thể không thoải mái khi yêu cầu sếp nhận xét. Trong trường hợp này, bạn có thể cố gắng tìm các thông tin theo hành vi của họ. Hỏi đồng nghiệp xem sếp có phản hồi mang tính đóng góp về thành tích của họ và liệu có nhận thấy sếp có thể đoán trước được không.
Bạn và đồng nghiệp có thể có quan điểm khác nhau về cùng một người, nhưng nhận thức chung về sếp sẽ giúp tất cả diễn giải được hành vi của sếp rõ ràng hơn.
Dù làm gì, hãy luôn trò chuyện cùng người quản lý. Nếu không tin sếp sẽ cởi mở với bạn và cảm thấy bản thân bị đối xử khác so với những đồng nghiệp còn lại, bạn nên xem xét vấn đề này từ bộ phận nhân sự.
Bạn không nên lo lắng: Nếu bạn yêu cầu sếp cho phản hồi cụ thể và câu trả lời là họ hài lòng với thành tích của bạn, hãy tiếp nhận và giảm bớt lo lắng. Tương tự như vậy, khi chia sẻ kinh nghiệm cùng đồng nghiệp, nếu bạn nhận thấy sếp đều dùng thái độ tương tự để giao tiếp với mọi người, đó cũng là dấu hiệu tốt.
Thành kiến cá nhân của bạn là gì?
Bạn nên lo lắng: Hầu hết mọi người đều lạc quan, thậm chí nghĩ bản thân rất giỏi đến nỗi luôn đánh giá cao về tài năng và tiềm năng của chính mình.
Đây là lý do họ ngạc nhiên khi bị sa thải bất ngờ hoặc không được thăng chức. Vì vậy, nếu là người lạc quan, hiếm khi lo lắng nhưng vẫn có linh cảm bạn có thể mất việc, thì có thể bạn đang đúng.
Bạn không nên lo lắng: Điều hữu ích nhất có thể làm là hiểu được vị trí của bạn trong thang điểm bi quan-lạc quan. Nó sẽ giúp bạn xác định bản thân nên hay không nên lo lắng.
Ví dụ, bản thân tôi luôn bi quan, hoài nghi và tiêu cực, vì thế tôi hay lo lắng thái quá. Tuy nhiên, từ khi hiểu rõ điều này, tôi có thể tính đến khả năng bản thân chỉ đang phóng đại các sự kiện tiêu cực.
Khi nghĩ điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra, tôi xem như bản thân chỉ đang dự đoán. Và khi nhận ra điều gì đó tốt đẹp đang diễn ra, tôi có thể ghi nhận điều này phải thực sự tốt.
Suy nghĩ quá nhiều về vài điều cũng không sao cả, miễn là bạn chú ý đến sức khỏe tinh thần.
Thông thường, chúng ta lo lắng nhiều thứ cùng với nỗ lực bảo vệ bản thân và chuẩn bị cho những điều chưa biết. Và với vài người trong chúng ta, lo lắng lại chính là động lực để hoàn thành công việc tốt hơn.
Hãy nhớ, bị sa thải không phải là tận thế.
Đây có thể là cảm giác kinh khủng trong phút chốc, nhưng nếu nỗi sợ bị sa thải bộc lộ rõ rệt, hãy tự nhắc nhắc bản thân rằng mất việc không có nghĩa sự nghiệp đã kết thúc. Bạn sẽ nhanh chóng kiếm được việc mới.
Tổng hợp