Kinh doanh đồ second-hand: Phải hiểu rõ khách hàng
Theo chị Thư Vũ - Founder của nền tảng chuyên ký gửi và mua bán quần áo cũ Coco Dressing Room, tiêu dùng quá độ là một trong những lý do khiến thời trang đang tác động nặng nề lên môi trường.
“Vì vậy, tôi quyết định xây dựng mô hình ký gửi và bán lại quần áo cũ với mong muốn đem đến cho các món đồ đã qua sử dụng một cơ hội nữa, kéo dài thêm tuổi thọ của chúng và giảm thiểu tác động của rác thải thời trang lên môi trường,”
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những nhà kinh doanh đồ second-hand khác chưa thực sự hiểu rõ và ý thức được nhóm khách hàng mà mình muốn hướng đến. Chính vì thế mức độ rủi ro khi kinh doanh sẽ tăng lên.
"Nhiều người mở cửa hàng và kinh doanh đồ second-hand đều bắt đầu bằng việc xác định phong cách mà bạn muốn theo đuổi.
Tuy nhiên, với mình thì lại luôn bắt đầu bằng việc xác định đối tượng khách hàng, vì cuối cùng người nuôi doanh nghiệp của bạn là khách hàng và bạn phải hiểu họ muốn gì.
Mỗi đối tượng khách hàng để tiếp cận họ đều đòi hỏi những cách thức khác nhau. Không phải đối tượng nào tới với đồ second-hand cũng là vì họ muốn tiết kiệm hoặc không có đủ tiền để mua đồ mới".
- Thư Vũ chia sẻ. Bên cạnh đó, chị cũng đề cập đến đặc điểm và nhu cầu của 6 nhóm đối tượng ưa chuộng hàng second-hand sau đây:
1. Những người thích thử đồ Second-hand
- Đã có ý thức và quan tâm tới vấn đề bền vững;
- Thường có mật độ mua sắm thấp, nhưng sẵn sàng chi nhiều tiền do họ coi trọng giá trị và chất lượng thay vì số lượng;
- Không xem mua sắm là một hình thức để giải trí hay giải toả.
- Luôn mua kỹ - chọn lọc cẩn thận.
- Thỉnh thoảng nhóm này sẽ bán những món đồ mình đang có để mua thêm món đồ mới theo nguyên tắc “one in one out” để trở nên bền vững hơn trong chi tiêu thời trang.
Nhóm này muốn chi nhiều tiền hơn cho trải nghiệm trong mỗi lần mua hàng, chính vì vậy họ sẽ cần dịch vụ kiểm chứng hàng thật-giả chính hãng uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
2. Những người theo lối sống bền vững
"Mình gọi vui nhóm khách hàng này là nhóm khách hàng chánh niệm.
Họ rất ít mua cũng rất ít bán quần áo của họ. Họ hạn chế mua sắm, tiêu dùng không cần thiết tới tối đa. Tuy nhiên, những khách hàng thuộc nhóm này lại tương tác với khá nhiều nền tảng bán hàng second-hand", chị Thư Vũ cho biết.
Theo Thư Vũ, nhóm khách hàng này có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ bền vững và trải nghiệm mua sắm.
3. Những người thích tìm kiếm sự độc đáo
- Mua nhiều hơn bán;
- Thường tương tác trên các mặt trận nền tảng mua đi bán lại (theo dõi và “like” rất nhiều thứ);
- Động cơ mua hàng chính thường là để tìm những món độc lạ;
- Đòi hỏi tính độc, lạ, hiếm có khó tìm của sản phẩm.
4. Những người mua hàng theo sở thích
Chị Thư Vũ gọi nhóm khách hàng này là "nhóm khách hàng thiên thần", bởi họ mua đồ second-hand rất nhiều.
- Vừa tương tác (follow, like) vừa có sức mua rất lớn trên các nền tảng mua đi-bán lại;
- Mua nhiều hơn bán;
- Động cơ bán đồ là để mua thêm nhiều đồ hơn, phần lớn là đồ second-hand.
- Yêu thích quy trình mua hàng dễ dàng, tiện lợi và ship 24/7 tại đây là nhóm mua "không cần lý trí", có nhiều thương hiệu để lựa chọn.
5. Những người theo lối sống tối giản
- Rất chăm chỉ trên các nền tảng mạng xã hội (follow, like, share đủ thứ);
- Vừa mua vừa bán đồ;
- Thường bán để mua thêm đồ (cả đồ mới và đồ second hand);
- Có nhu cầu tiếp cận những xu hướng mới nhất để đi theo, tương tác trên các nền tảng xã hội.
6. Những người kinh doanh nghiệp dư
- Rất ít mua đồ second hand nhưng lại bán rất thường xuyên trên một số nền tảng mua bán.
- Thường ưu tiên quy trình bán hàng thuận tiện.
Các lưu ý trong việc xác định mục tiêu bán hàng second-hand
- Nên xác định nhóm mình muốn phục vụ để tập trung xây dựng sản phẩm hoặc thương hiệu phục vụ đúng nhu cầu của nhóm khách hàng đối tượng của mình.
- Dựa trên đặc điểm của từng nhóm để có thể xây dựng thông điệp và chiến dịch phù hợp để thương hiệu có thể lan tỏa đến với đúng người, sau đó mới là chuyện mua quảng cáo.
- Nhóm khách thiên thần (người mua theo sở thích) dù dễ tiếp cận nhất nhưng lại được nhắm đến nhiều nhất, dẫn đến tính cạnh tranh cao giữa các người bán. Bên cạnh đó, các nhóm khách hàng này có xu hướng thay đổi và trở thành nhóm khác khi nhu cầu hiện tại của họ đã được đáp ứng.
➜ Cơ hội kinh doanh sẽ rộng đường hơn đối với 5 nhóm khách còn lại.
Bích Hà - Trends Vietnam