Năm 2021 mở đầu với mùa phim Tết trống rỗng: không phim Việt mới, không quả bom phòng vé. Do COVID-19, mùa chiếu quan trọng nhất trong năm của điện ảnh Việt đã bị bỏ lỡ. Liệu có "hiệu ứng domino" gây khủng hoảng cho thị trường vốn đã "trọng thương"?
Góp ý cho nền điện ảnh năm 2021, diễn viên - đạo diễn Trấn Thành, biên kịch Bình Bồng Bột (Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba) cho rằng thù lao "vài chục triệu đồng" của người dựng phim hiện nay là "quá thiệt thòi".
Bên cạnh đó, giới làm phim tin rằng COVID-19 sẽ giúp đào thải những bộ phim chất lượng kém từ những người làm nghề tay ngang.
'Hiệu ứng domino' lùi lịch, phim nhỏ tránh phim lớn
Tết 2021 từng có cơ hội trở thành mùa phim Tết tốt nhất của điện ảnh Việt từ trước đến nay.
4 phim dự định ra mắt - Bố già, Trạng Tí, Gái già lắm chiêu V và Lật mặt: 48h - đều được đầu tư cao, ít có khả năng là "phim thảm họa" như các năm trước. Hai phim đã chiếu cho báo chí là Trạng Tí và Lật mặt: 48h đều khá chất lượng.
Cơ hội đó nay đã không còn, cũng không còn "cuộc đại chiến" giữa 4 phim. Trước mắt, mỗi phim đã chọn lịch chiếu riêng vào khoảng đầu tháng 3.
Nhà phát hành các phim nhỏ hơn cũng đang trên đà hoãn chiếu để tránh đụng độ các phim lớn này. Điều này sẽ gây xáo trộn thị trường.
Trên trang cá nhân, đạo diễn Bảo Nhân của Gái già lắm chiêu V chia sẻ về mùa phim Tết không thành:
"Đây có thể gọi là một cú xô ngã chí mạng để khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng lớn của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Điều lo lắng không chỉ là số phận của riêng Gái già lắm chiêu V ngày quay lại mà là "hiệu ứng domino" sẽ liên tục xô ngã sức chịu đựng của hệ thống rạp vốn đã gánh gồng suốt một năm qua, chỉ chờ dựa vào mùa phim Tết để ổn định. Vậy mà!".
Dựng phim, biên kịch đang quá thiệt thòi
Trấn Thành là người tham gia hầu hết các khâu của phim điện ảnh Bố già, từ biên kịch, thủ vai diễn đến đạo diễn, dựng phim.
Trong bàn tròn Vietnam Cinema trên K+ dịp Tết vừa qua, anh nêu quan điểm đội ngũ biên kịch và dựng phim cần được coi trọng hơn nữa, ngay từ khâu đầu tiên: tiền. Trấn Thành nói:
"Chúng ta cần tăng lương, thiết lập lại hệ thống lương cho đội ngũ dựng phim và biên kịch. Hai đội ngũ này quá quan trọng cho một bộ phim. Nếu chúng ta không tăng lương, họ sẽ không thể sống hạnh phúc và tập trung trí não cho công việc này.
Một bộ phim mấy chục tỉ, nhưng người dựng phim chỉ nhận vài chục triệu, chưa tới 100 triệu đồng. Tôi thấy quá thiệt thòi cho họ".
Biên kịch Bình Bồng Bột bổ sung thêm, "mấy chục triệu" là thu nhập trong vòng mấy tháng nên không thể coi là cao. Anh mong thu nhập biên kịch trong năm 2021 "tăng gấp đôi", nhưng với điều kiện trình độ biên kịch phải "tăng gấp ba".
Về thù lao dựng phim, nhà sản xuất Hoàng Quân (Bắc kim thang) nói với phóng viên:
"Khâu hậu kỳ có nhiều giai đoạn. Đường hình có dựng phim, chỉnh màu, chỉnh nét, VFX, 3D. Đường tiếng có hiệu ứng âm thanh, nhạc nền, lồng tiếng, bài hát chủ đề.
Tiền dựng phim, tính trước thuế, với cá nhân là từ 60 đến 80 triệu đồng đối với nhân sự bình thường, từ 100 đến 150 triệu đồng với đạo diễn dựng phim giỏi. Còn với đơn vị, tổ chức thì từ 150 đến 185 triệu đồng cho mỗi dự án. Đơn vị hậu kỳ cung cấp người dựng lẫn tư vấn dựng".
Còn về thù lao biên kịch, biên kịch Lương Kim Liên (Lô tô, Hạnh phúc của mẹ) chia sẻ, thu nhập của biên kịch có thể dao động nhiều mức.
Với một phim thương mại lớn, biên kịch hoặc nhóm biên kịch có thể nhận từ 400-450 triệu đồng nhưng phải theo đuổi dự án khoảng 2 năm, bỏ rất nhiều công sức.
Còn lại, thù lao phụ thuộc vào dự án lớn hay nhỏ và danh tiếng, bề dày kinh nghiệm của biên kịch. Thông thường, các biên kịch nhận từ 80 đến 200 triệu đồng trong nhiều tháng làm việc.
Nếu muốn ủng hộ nhà làm phim thân thiết, họ có thể nhận nửa thù lao hoặc biến thù lao thành khoản đầu tư.
"Ở Hàn Quốc, thù lao biên kịch còn cao hơn cả đạo diễn, thậm chí cao hơn diễn viên ngôi sao. Vai trò biên kịch rất được coi trọng trong các dự án điện ảnh và truyền hình" - biên kịch Lương Kim Liên nói.
COVID-19 giúp đào thải phim dở, phim thảm họa
Trong chương trình Vietnam Cinema, diễn viên Trấn Thành nhận định:
"Tôi ngậm đắng nuốt cay để nói điều này: COVID-19 dạy mình bằng cách táng cho mình tỉnh. Nó táng mình trọng thương nhưng rồi phải tỉnh. Khi COVID-19 đến, nó cân bằng lại thị trường ở chỗ thanh lọc những phim kém chất lượng.
Chúng phải được nhìn nhận đúng với bản chất của chúng".
Theo nhà làm phim Bố già, trước đây thị trường đông nên phim hay nhiều mà phim dở cũng nhiều. Khi đó, nhóm khán giả "chọn đại" vẫn đông đảo nên phim dở vẫn có thể thành công.
Còn hiện nay, những nhà làm phim yêu nghề, tâm huyết mới dám ra phim.
"Ai sống sót được qua mùa COVID-19 này là họ làm sản phẩm chất lượng thực sự. Những người làm sản phẩm chưa chất lượng thì có dịp để nhìn lại mình" - anh nói.
Nhà sản xuất Charlie Nguyễn đưa ra thông tin: tại Hollywood hiện nay, những phim ít tiền (từ 20 đến 80 triệu USD) không còn được sản xuất nhiều. Các dự án thường có mức đầu tư lớn, từ 100 đến 300 triệu USD.
Mỗi bộ phim phải là một "sự kiện điện ảnh" mới đủ thu hút khán giả.
Tại thị trường Việt Nam, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân nói trong một buổi họp báo phim Trạng Tí, phim ảnh khó có thể tốt nếu đầu tư dưới mức kinh phí 20 tỉ đồng. Nhận định này hợp lý với dòng phim thương mại.
Tất nhiên, vẫn có những bộ phim kinh phí thấp mà chất lượng cao, nhưng đó thường là các phim độc lập ít tính thương mại hoặc một số trường hợp cá biệt.
Khán giả ngày nay có quá nhiều lựa chọn trên các nền tảng mạng. Họ xem rất nhiều thể loại phim qua mạng nên những phim "không xứng ra rạp" (do lối làm phim tay ngang, không đạt chuẩn...) sẽ không còn chỗ đứng ở rạp.
Việc loại bớt những phim như vậy có thể coi là điều tích cực đối với nền điện ảnh.
Theo Tuổi Trẻ