Hệ sinh thái trong kinh doanh là gì?
Hệ sinh thái kinh doanh (Business Ecosystem) là mạng lưới các tổ chức, bao gồm nhà cung cấp, nhà phân phối, khách hàng, đối thủ cạnh tranh, cơ quan chính phủ liên quan đến việc cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ thông qua cả cạnh tranh và hợp tác.
Ý tưởng của hệ sinh thái kinh doanh là mỗi sản phẩm trong hệ sinh thái đều ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi các sản phẩm khác.
Các sản phẩm này cùng tạo ra một mối quan hệ không ngừng phát triển, trong đó mỗi sản phẩm phải có sự linh hoạt và thích nghi để tồn tại như trong hệ sinh thái sinh học.
Hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp
Hệ sinh thái kinh doanh giúp các công ty phát triển mạnh trong môi trường kinh tế luôn thay đổi hiện nay.
Trên thực tế, hệ sinh thái kinh doanh bao gồm một mạng lưới các công ty liên kết với nhau, tương tác linh hoạt thông qua cạnh tranh và hợp tác để tăng doanh số và tồn tại.
Một hệ sinh thái kinh doanh bao gồm nhà cung cấp, nhà phân phối, người tiêu dùng, chính phủ, quy trình, sản phẩm và đối thủ cạnh tranh.
Khi một hệ sinh thái kinh doanh phát triển mạnh, điều đó có nghĩa là những người tham gia thị trường đã thành công trong việc sắp xếp và tổ chức hợp lí hóa luồng ý tưởng, tài năng và vốn trong toàn hệ thống.
Hệ sinh thái kinh doanh thúc đẩy sự hợp tác mới để giải quyết các thách thức xã hội và môi trường đang gia tăng.
Bên cạnh đó, sở hữu một hệ sinh thái đa dạng nghĩa là doanh nghiệp cũng đang khai thác sự sáng tạo và đổi mới để giảm chi phí sản xuất hoặc giúp các thành viên trong hệ sinh thái tiếp cận khách hàng mới.
Mối quan hệ giữa hệ sinh thái kinh doanh và cạnh tranh
Các hệ sinh thái kinh doanh tạo ra rào cản nhập mạnh mẽ cho những đối thủ cạnh tranh mới, vì những người tham gia tiềm năng không chỉ phải sao chép hoặc cải thiện sản phẩm cốt lõi, mà còn phải cạnh tranh với toàn bộ hệ thống các doanh nghiệp phụ trợ độc lập và các nhà cung cấp trong mạng lưới.
Việc là một bộ phận trong hệ sinh thái kinh doanh cung cấp cho các doanh nghiệp cơ chế để thúc đẩy công nghệ, đạt được thành tựu xuất sắc trong nghiên cứu và năng lực kinh doanh, và cạnh tranh hiệu quả với các công ty khác.
Điện ảnh Việt Nam ấp ủ xây dựng hệ sinh thái
1. Những bước đầu nỗ lực xây dựng hệ sinh thái
Tại buổi ra mắt xưởng phim hoạt hình Sun Wolf Animation Studio, anh Leo Đinh - Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập, chia sẻ trong kế hoạch đến năm 2035, ngoài 2 dự án điện ảnh, đơn vị này còn triển khai làm series hoạt hình ngắn gồm 8 tập, phát triển truyện tranh và game, các vật phẩm, boardgame (thẻ bài đồ chơi) đi kèm với phim.
“Đây là hướng đi thích hợp với hệ sinh thái của phim hoạt hình, cũng là cách phát triển bền vững mà nhiều xưởng phim trên thế giới đang thực hiện.
Họ không chỉ làm phim mà đó còn là mô hình kinh doanh nhằm khai thác triệt để các nguồn lực, từ đó tạo ra giá trị cả về kinh tế, thương hiệu”, anh Leo Đinh chia sẻ.
2. Mô hình hệ sinh thái phim Việt dù mới manh nha nhưng khá đa dạng
Trong những năm gần đây, phim Việt Nam đã có những nỗ lực, dần hình thành một hệ sinh thái cho riêng mình.
Điển hình là bộ phim vừa ra mắt vào tháng 6/2022 Em và Trịnh với các chiến dịch quảng bá như ra mắt chuỗi podcast, ứng dụng xu hướng NFT, triển lãm ảo,...
Một ví dụ khác chính là việc ekip Trưng Vương thực hiện loạt phim hoạt hình ngắn về các nhân vật nữ tướng nhằm mang đến cho khán giả cái nhìn chi tiết về dự án và mỗi nhân vật.
Ngoài ra, một số phim Việt Nam cũng lựa chọn phát hành album nhạc phim, sách ảnh hay có một số vật phẩm đi kèm theo tác phẩm.
Theo ông Đặng Vĩnh Hoàng, Trưởng phòng Phát hành Galaxy Studio:
“Một mặt, các nhà làm phim muốn tạo nên những gì mới, đột phá.
Mặt khác, sau đại dịch, sự thay đổi quan trọng nhất đến từ khán giả.
Nhu cầu của họ có nhiều dịch chuyển buộc các nhà làm phim cũng phải thay đổi”.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành V Pictures, cho rằng, các đơn vị sản xuất đang cố gắng xây dựng nhiều loại hình khác nhau trước hết nhằm tăng công cụ quảng bá cho phim điện ảnh.
Một hình thức khác đang được nhiều đơn vị lên kế hoạch là phát triển song song giữa series và phiên bản điện ảnh.
Phía V Pictures tiết lộ, 2 dự án Nghe vẻ nghe ve và Người viết thư tay sẽ được thực hiện theo định hướng trên.
“Tôi nghĩ nếu series thành công, thu về khoản tiền nhất định sẽ tạo đà tốt để quảng bá cho phim điện ảnh”, ông Vĩnh Hoàng nói.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Hải cũng cho rằng làm series sẽ tạo tương hỗ tốt, quảng bá cho phim chiếu rạp.
3. Ý nghĩa hệ sinh thái đối với phim ảnh Việt Nam
Mỗi phim sẽ có hình thức khác nhau trong việc tạo ra hệ sinh thái.
Đối với hệ sinh thái của phim ngoại nhập gồm cả phim chiếu rạp hay phát trên nền tảng trực tuyến, khán giả trong nước khá quen với hình thức bán vật phẩm đi kèm (brand merchandise).
Đây là công cụ góp phần tăng thêm doanh thu.
Các vật phẩm khá đa dạng từ sách ảnh, áo thun, đồ chơi, ly uống nước, mô hình thu nhỏ của các nhân vật, poster phim.
Với nhiều phim nước ngoài, vật phẩm này được lên kế hoạch thực hiện song song nhằm kích thích mong muốn sở hữu của khán giả, đồng thời góp phần tạo ra giá trị cho bộ phim.
Nhiều vật phẩm còn được thực hiện với số lượng giới hạn buộc khán giả bỏ ra số tiền không nhỏ để có thể sở hữu.
Việc các nhà làm phim nỗ lực xây dựng hệ sinh thái cho mỗi dự án góp phần gia tăng doanh thu cho phim.
Bên cạnh đó, hành động này còn mang nhiều ý nghĩa tích cực khác, đặc biệt trong việc tạo dựng thương hiệu cho bộ phim nói riêng và điện ảnh Việt nói chung.
Anh Trần Xuân Phúc - chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhận định:
“Việc phát triển các loại hình, sản phẩm phụ trợ trước hết nhằm gây chú ý, tạo sự tò mò, kích thích khán giả đến rạp.
Nó cũng là cách tìm nguồn thu cho phim trước khi ra rạp.
Hiện tại, doanh thu phim phụ thuộc chính vào rạp chiếu và việc tạo ra hệ sinh thái sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn.
Nó cũng giúp tác phẩm có đời sống lâu hơn trên các nền tảng khác nhau, thay vì chỉ phụ thuộc vào phát hành thương mại ở rạp”.