Nhận diện mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị - Marketing Oriented Business - trong thời đại mới
Mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị (Marketing Oriented Business) là một mô hình kinh doanh mạnh mẽ lấy khách hàng làm trung tâm, hoạt động và phát triển dựa trên sự hài lòng của khách hàng.
Mô hình này thường được xem là một công cụ tiếp thị trong hệ sinh thái doanh nghiệp nhưng về bản chất, nó vẫn có được đời sống riêng và sự khác biệt hóa so với các mô hình còn lại.
Có 3 đặc điểm nhận diện mô hình này, bao gồm:
Một là, mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị được xây dựng với mục đích làm cho khách hàng trở thành tâm điểm của doanh nghiệp.
Các công ty áp dụng mô hình này thực hiện nghiên cứu thị trường rất thường xuyên để hiểu các yêu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng.
Họ trả lời phản hồi của khách hàng và theo dõi thị trường của họ liên tục để điều chỉnh kết hợp tiếp thị khi cần thiết.
Hai là, mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị đòi hỏi một khoản đầu tư đáng kể cho việc đào tạo và phát triển nhân viên để có thể cung cấp dịch vụ khách hàng tốt hơn.
Mục đích cuối cùng là để doanh nghiệp có thể điều chỉnh các sản phẩm hoặc dịch vụ của mình nhằm đáp ứng một cách nhất quán nhu cầu và mong muốn của thị trường mục tiêu.
Ba là, mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị tập trung vào phát triển sản phẩm mới.
Bằng cách này, doanh nghiệp sẽ có được nhiều khách hàng hơn vì khi đó dịch vụ hoặc sản phẩm được điều chỉnh tốt hơn cho nhu cầu của họ.
Doanh nghiệp và khách hàng thay nhau hưởng lợi từ mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị
Trong mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị, khách hàng được coi là bên liên quan quan trọng nhất.
Do đó, họ cho phép mong muốn và nhu cầu của khách hàng được lên tiếng để thúc đẩy các quyết định chiến lược của công ty.
Nhờ vậy, có nhiều lợi ích mà việc định hướng tiếp thị có thể mang lại cho doanh nghiệp, bao gồm các yếu tố về lợi nhuận, quản trị doanh nghiệp, định vị thương hiệu, và tiếp thị thương hiệu.
Ví dụ:
- Giảm chi phí, tối ưu hoạt động kinh doanh: lợi nhuận dài hạn, lợi thế cạnh tranh, v.v.
- Củng cố, khai thác và mở rộng tệp khách hàng: sự hài lòng của khách hàng, khả năng tiếp cận khách hàng mới và tiềm năng, v.v.
- Kiện toàn hệ sinh thái: sự hỗ trợ và thúc đẩy phát triển giữa các mô hình kinh doanh trong một hệ sinh thái doanh nghiệp tổng thể, v.v.
- Củng cố vị thế thương hiệu: lòng trung thành của khách hàng và việc giảm chuyển sang đối thủ cạnh tranh, v.v.
- Tiếp thị tinh tế và miễn phí: sự giới thiệu, quảng cáo của khách hàng theo hiệu ứng domino, sự công nhận của người tiêu dùng, v.v.
Là trung tâm của hoạt động kinh doanh, khách hàng cũng nhận lại một số lợi ích đáng kể, liên quan đến các ưu đãi, đặc quyền và mức độ tương tác thường xuyên.
Cụ thể:
- Ưu đãi đặc biệt: các thông báo, lời mời trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, v.v.
- Dễ dàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ do đã có quen biết từ trước: đặc quyền của khách hàng thân thiết, sự ưu tiên cho khách hàng lâu năm, v.v.
- Duy trì tương tác với doanh nghiệp: bài đăng doanh nghiệp, tương tác trực tuyến, tư vấn online, v.v.
Bài học kinh doanh từ các chiến lược kinh doanh định hướng tiếp thị của doanh nghiệp Việt Nam
Đây không phải là một mô hình mới nổi vì trước đó, rất nhiều ông lớn trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình này, chẳng hạn Coca-Cola, Kleenex, Apple và Amazon, v.v.
Tuy nhiên, tại thời điểm mà mô hình này đang lan rộng ở phạm vị toàn cầu, thị trường Việt Nam vẫn chưa thực sự đón nhận tích cực.
Đó là bởi các doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá đặt nặng vấn đề lấy sản phẩm làm trung tâm thay vì khách hàng.
Những năm gần đây, mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị đang dần chiếm được thị hiếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và đang trên đà phát triển.
Dưới đây là một số gương mặt thương hiệu tiêu biểu trong việc áp dụng mô hình định hướng tiếp thị thành công tại Việt Nam.
Định hướng tiếp thị trong lĩnh vực công nghệ: VinFast và chiến lược kinh doanh thuần điện
VinFast không còn là cái tên xa lạ với thị trường xe hơi Việt Nam từ cuối năm 2017.
Hiện nay, doanh nghiệp đang được chú ý nhiều hơn khi bắt đầu triển khai mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị theo xu hướng di chuyển xanh, sạch và an toàn.
Theo đó, doanh nghiệp đã tiến thêm bước mới với việc dừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022, thay vào đó hãng tập trung hoàn toàn cho việc nghiên cứu, phát triển và sản xuất các dòng xe thuần điện.
Trước những tiềm năng mà dòng xe xăng đã, đang và có thể đem đến trong thời gian tới, VinFast vẫn lựa chọn từ bỏ để đồng hành với một lĩnh vực mới mà chưa doanh nghiệp nào thực hiện.
Tất cả những điều đó đến từ sự nhìn nhận khách hàng và trải nghiệm dài hạn của khách hàng là yếu tố quyết định trong tầm nhìn và chiến lược của thương hiệu.
Mô hình mới này của hãng hiện đang phát huy tác dụng khi các mẫu xe điện đang chiếm được thiện cảm của người tiêu dùng.
Một phần vì nó đáp ứng nhu cầu về phương tiện di chuyển thân thiện môi trường.
Đồng thời, mô hình kinh doanh mới đem lại nhiều đặc quyền hấp dẫn cho khách hàng, bao gồm: Đặc quyền mua xe giá tốt, Đặc quyền "bảo hiểm toàn phần", và Đặc quyền chi phí vận hành thấp.
Định hướng tiếp thị trong lĩnh vực F&B: Nova F&B và dự án khu phức hợp giải trí “phục hồi” sau dịch
Nova F&B là đơn vị quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B, thuộc hệ sinh thái NovaTourism.
Mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp là đem đến những trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật ẩm thực đặc sắc và đẳng cấp quốc tế cho du khách trong và ngoài nước khi bình thường mới được tái thiết lập.
Nova F&B đánh vào thị hiếu muốn vui chơi và hòa nhập xã hội sau thời gian giãn cách kéo dài của khách hàng với hàng loạt điểm đến vui chơi, giải trí và ẩm thực hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Các mảng F&B chính của đơn vị bao gồm: nhà hàng (Jumbo Seafood, The Dome Dining & Drinks, Dynasty House Hongkong Dimsum & Hotpot, v.v.) và cà phê (Saigon Casa cafe, Gloria Jean’s Coffees; Mojo Coffee, v.v.)
Và quả thực, nước đi này của Novaland được xem là một chiến lược kinh doanh định hướng tiếp thị vô cùng thành công.
Bằng chứng là có tới hàng trăm thương hiệu của Nova F&B đã phủ sóng "nhẵn mặt" khắp cả nước và được ủng hộ nhiệt tình bởi khách hàng trong bối cảnh hậu đại dịch.
Định hướng tiếp thị trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe: Kids Plaza và chiến dịch “Vững tin mẹ bầu Việt Nam” trong giai đoạn giãn cách
Là một trong những cái tên quen thuộc với phân khúc khách hàng là các mẹ bầu trên khắp Việt Nam, Kids Plaza luôn tâm niệm sức khỏe của bé, an tâm cho mẹ là động lực và kim chỉ nam hành động cho doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đại dịch, khi mà các hoạt động thăm khám y tế bị hạn chế, doanh nghiệp đã triển khai sự kiện “Vững tin mẹ bầu Việt Nam” nhằm lan tỏa năng lượng bình an, cầu chúc sức khỏe tới các mẹ bầu.
Sự kiện định hướng tiếp thị lấy mẹ bầu làm tâm điểm được thể hiện thông qua hoạt động “Kết nối 3000 mẹ bầu tập Yoga trực tuyến”.
Thông qua sự kiện, những thông điệp nhân văn của Kids Plaza đã được gửi trao trọn vẹn tới từng khách hàng, và bản thân mỗi mẹ bầu cũng đã trao thêm một niềm tin cho doanh nghiệp.
Hoạt động đã kết thúc thành công và ghi nhận sự tương tác của một số lượng đáng kể các khách hàng mới tiềm năng.
Lời kết
Bản chất của mô hình kinh doanh định hướng tiếp thị là làm mọi thứ để khiến khách hàng hài lòng.
Nếu không có sự hiểu biết đầy đủ về nó, các công ty sẽ không thể cạnh tranh và thành công trong môi trường kinh doanh hiện tại.