Vốn thực hiện cao nhất trong 5 năm qua
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư - KH&ĐT), tính đến 20/6/2022:
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ 2021.
Vốn thực hiện đạt 10,06 tỷ USD, tăng tới 8,9% so với cùng kỳ - là kết quả cao nhất trong cùng kỳ của 5 năm gần đây.
Cùng với đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết:
- Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử tỉnh Vĩnh Phúc ước đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 14%.
- Nộp ngân sách nhà nước hơn 1.130 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thu hút được 9 dự án FDI mới và 18 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký 208,56 triệu USD.
Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 240 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, chiếm 60% tổng số dự án công nghiệp đầu tư trong các khu công nghiệp.
Về kết quả trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết:
“Việt Nam luôn duy trì được vị thế là địa chỉ đầu tư hấp dẫn, nhất là xét trong mục đích tái cơ cấu, thực hiện dịch chuyển dòng vốn trên phạm vi toàn cầu đang diễn ra”.
Theo kết quả mới nhất của Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index - BCI) từ Hiệp hội Doanh nghiệp châu u tại Việt Nam (EuroCham):
60% số người được hỏi dự đoán rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ ổn định hoặc cải thiện trong quý III năm nay.
Ngoài ra, 45% số người tham gia khảo sát cho biết họ rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam.
Có tới 76% kỳ vọng rằng công ty của họ sẽ tăng vốn FDI vào Việt Nam trước khi kết thúc quý III.
Điều này có thể là do 55% số người trả lời cho biết Việt Nam đã cải thiện khả năng thu hút và duy trì vốn FDI kể từ quý I năm 2022.
Những tín hiệu tích cực cũng được bày tỏ về triển vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam.
79% lãnh đạo các DN cho biết đánh giá của họ về tiềm năng phát triển xanh của Việt Nam đã được cải thiện ngay từ quý đầu tiên.
Về mối liên hệ giữa tăng trưởng xanh và FDI, gần 90% số người được hỏi cho rằng Việt Nam nên tăng cường phát triển lĩnh vực xanh để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.
Mới đây, tại “Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam–Nhật Bản” năm 2022, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cho biết:
“Tại Việt Nam, Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm thu hút các DN Nhật Bản và đảm nhận vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các DN Nhật Bản.
Khu công nghiệp Thăng Long – Vĩnh Phúc được coi là khu công nghiệp dành riêng cho đầu tư Nhật Bản và có môi trường đầu tư hoàn thiện, giúp cho các DN vừa và nhỏ dễ đầu tư sang Việt Nam.
Đến nay, có thể nói rằng Vĩnh Phúc là địa phương thành công nhất trong thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam”.
Đón dòng vốn dịch chuyển
Chia sẻ thêm về việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho rằng, xu hướng gia tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang thể hiện rõ nét.
Xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài, đa dạng hóa địa bàn của giới đầu tư quốc tế, trong đó có đích đến là Việt Nam đang diễn ra rõ nét.
Đến nay, các nhà sản xuất linh kiện ứng dụng công nghệ cao như Foxconn, Goertek, Pegatron… đều đã có cơ sở sản xuất tại Việt Nam; từ đó đảm nhận các đơn hàng thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hay tiêu biểu như Tập đoàn Adani (Ấn Độ) vừa xác nhận việc nghiên cứu khả năng đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho mục tiêu dài hơi tại Việt Nam, tập trung vào các dự án năng lượng, cảng biển, bất động sản…
Các chuyên gia cũng cho rằng, đây là biện pháp cần thiết để khắc phục tình trạng đứt quãng nguồn cung.
Và trong việc lựa chọn, Việt Nam đang được nhiều tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới nhắm tới, nhằm triển khai cơ sở sản xuất linh kiện cho các dây chuyền lắp ráp thành phẩm xuất khẩu.
Để tận dụng thời cơ, thúc đẩy dòng vốn ngoại “chảy” vào Việt Nam, Chính phủ đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và kêu gọi đầu tư; lồng ghép hoạt động này vào các hoạt động ngoại giao.
Các địa phương cũng chủ động hơn, triển khai xúc tiến đầu tư cấp tỉnh/thành phố với mục tiêu rõ ràng, hướng tới việc “tăng lượng, tăng chất” trong đầu tư nước ngoài.
Đơn cử, tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 mới đây, UBND TP Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, thông báo về việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều DN, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
Kết quả, đã có bản ghi nhớ hợp tác, nghiên cứu đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đề xuất 5,6 tỷ USD.
Trong 6 tháng qua, 2 DN thành viên của tập đoàn Samsung đã triển khai việc mở rộng, tăng vốn thêm khoảng 2 tỷ USD tại dự án ở Thái Nguyên và TP.HCM.
Theo Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo-ho, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội đang gấp rút hoàn thiện để vận hành trong thời gian tới.
Trung tâm nghiên cứu sẽ đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu làm ăn lâu dài:
“Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất quan trọng hàng đầu mà còn là địa điểm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển,” ông Choi Joo-ho khẳng định.
Để duy trì tăng trưởng thu hút FDI trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.
Theo đó, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển;
Các DN trong nước cần phải nỗ lực nâng cao năng lực: năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý.
Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước.
Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN): Các KCN cần ưu tiên mở rộng, xây mới, các KCN cần thu hẹp.