Một Lâm Bình rất trữ tình, nên thơ với thiên nhiên hùng vĩ, phong tục tập quán đậm đà bản sắc dân tộc
Lâm Bình là một huyện vùng sâu, vùng cao tỉnh Tuyên Quang.
Tài nguyên thiên nhiên Lâm Bình cực kỳ đa dạng, phong phú, với vẻ đẹp hoang sơ, nguyên bản.
Nơi đây được thiên nhiên ban tặng lòng hồ rộng trên 8 nghìn ha, cùng tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất toàn quốc, chiếm 78% diện tích tự nhiên toàn huyện.
Trong đó rừng nguyên sinh chiếm 2/3, tiêu biểu cho rừng nhiệt đới, nhiều tầng, tán, với hàng nghìn cây gỗ nghiến có đường kính từ 1 đến 3 mét, có nhiều động, thực vật quý hiếm.
Kèm theo đó là nhiều danh lam thắng cảnh như:
Lâm Bình cũng là huyện đang sở hữu nhiều con thác có giá trị du lịch, chảy từ rừng nguyên sinh với mực nước ổn định quanh năm.
Trong đó có những con thác nằm trong danh sách những con thác đẹp nhất Việt Nam như: thác Nặm Me, thác Khuổi Súng, thác Khuổi Nhi,...
Ngoài ra, quần thể hang động lớn nhỏ, nguyên sơ, hầu như chưa có dấu chân con người như Hang Khuổi Pín, Nặm Thuổm, Thẳm Nặm, Giếng trời, Động Song Long… tại Lâm Bình cũng cực kỳ giàu tiềm năng khai thác du lịch.
Bên cạnh quang cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa độc đáo, ẩm thực dân tộc phong phú, cùng sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch đến nơi đây.
Nét độc đáo trong bản sắc dân tộc của Lâm Bình được thể hiện qua hơn 10 dân tộc với sự đa dạng từ tiếng nói, trang phục, tín ngưỡng dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, văn hóa ẩm thực, kiến trúc nhà ở, các lễ hội truyền thống,...
Những bước đầu trong việc kích cầu du lịch
Để tạo bước đột phá trong phát triển du lịch tại địa phương, thời gian qua huyện Lâm Bình đã cho quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng; khuyến khích người dân đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch; xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho du khách; tuyên truyền, vận động các hộ dân gìn giữ không gian văn hóa đặc sắc của dân tộc, giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống,... để phục vụ khách du lịch.
Một trong những dự án lớn là con đường hơn 50km từ Chiêm Hóa đi Lâm Bình đang được đầu tư mở rộng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.
Với việc huy động các nguồn lực, cụ thể hóa các giải pháp nhằm phát triển du lịch, Lâm Bình đang ngày càng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Khởi động với thông điệp "an toàn" và "hấp dẫn"
Ngày 3 tháng 4 vừa qua, lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất năm 2022 diễn ra tại sân vận động thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) đã thu hút đông đảo du khách và người dân trên địa bàn tham gia.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế năm 2022 tổ chức tại Tuyên Quang với sự tham gia của hơn 20 khinh khí cầu đến từ 7 quốc gia: Anh, Tây Ban Nha, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Lễ hội góp phần hưởng ứng Năm du lịch tỉnh Tuyên Quang 2022 và Chương trình phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với chủ đề “Du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn”.
Định hướng phát triển du lịch trong tương lai
Chia sẻ về định hướng phát triển du lịch của huyện trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Bình xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng, bền vững của huyện.
Huyện Lâm Bình đặt kế hoạch đến 2025 đón trên 200.000 lượt khách du lịch, đi kèm với mục tiêu xây dựng một không gian du lịch “ Sạch - Xanh - Đẹp - An toàn”.
Nâng cao chất lượng đào tạo, nghiệp vụ du lịch và thu hút nhân tài là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch phát triển du lịch lâu dài của huyện Lâm Bình.
Huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, các tour du lịch đặc trưng của huyện.
Một số giải pháp khác được ủy ban huyện Lâm Bình đưa ra nhằm kích cầu du lịch là nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch mới như du lịch sức khỏe để đa dạng hóa hướng phát triển du lịch của huyện.
Ngoài ra, để mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho người dân, đặc biệt anh em dân tộc thiểu số thì việc khôi phục các nghề thủ công mây, tre, thổ cẩm để vừa sản xuất, chế tác quà lưu niệm, vừa để du khách tham quan, trải nghiệm cũng rất cần thiết.