Fiat Chrysler và PSA - công ty sản xuất Peugeot đã chính thức về chung một "mái nhà" thương hiệu dù trước đó sự kết hợp này đã bị phía Ủy ban châu Âu nghi ngờ về khả năng vi phạm pháp luật.
Bà Michelle Krebs - Giám đốc cấp cao tại Cox Automotive nói:
"Đây là một thỏa thuận lớn và quan trọng. Sự kết hợp giữa Fiat Chrysler và PSA sẽ tạo ra nhà máy sản xuất ô tô lớn thứ tư trên thế giới, chỉ sau Volkswagen, Toyota và Nissan-Renault. Trong tương lai, những màn sáp nhập như thế này có thể trở thành xu hướng, thậm chí ở quy mô lớn hơn".
Sản xuất 8 triệu chiếc xe trên toàn cầu với mức doanh thu hơn 203 tỷ USD, Stellantis được kỳ vọng sẽ tạo bước đệm cho ngành công nghiệp ô tô truyền thống khi bước vào kỷ nguyên điện khí hóa.
Với tỷ lệ tán thành lên tới 99% từ phía các cổ đông, Stellantis chính thức nắm trong tay 14 thương hiệu của 2 gã khổng lồ mẹ.
Bà Michelle Krebs cho biết:
"Mọi người đều tin rằng thương vụ này sẽ giúp hai công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Đây chính là khởi đầu cho sự cân nhắc về giá, thương hiệu và cả những lợi ích mà Chrysler có được sau khi sáp nhập".
Dù được nhận định là thương vụ làm nên lịch sử của nền công nghiệp ô tô Mỹ, Pháp và Italy, sự kết hợp này vẫn đặt ra dấu hỏi về tương lai của những thương hiệu cũ trong bối cảnh thị trường ô tô toàn cầu vẫn khá chật vật sau khi hứng chịu cú sốc từ đại dịch.
Tuy nhiên, màn vượt dốc ngoạn mục của Chrysler sau khi thu về 10 tỷ USD trong quý III/2020 vẫn có thể khiến giới đầu tư lạc quan về đà phục hồi của nền công nghiệp này. Sau tuyên bố sáp nhập, cổ phiếu của Chrysler ngay lập tức tăng 2,5%, trong khi PSA tăng 3,4%.
Trước đó, phía PSA cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch bán lại 46% cổ phần của mình tại công ty sản xuất phụ tùng Faurecia. Thay vào đó, số cổ phần này sẽ vào túi các cổ đông của Stellantis sau khi thỏa thuận sáp nhập hoàn tất.
Theo VTV.VN