netflix

Thời của các nền tảng trực tuyến

Các nền tảng trực tuyến đang phủ sóng mạnh mẽ trên toàn cầu, khi tốc độ internet được cải thiện và bổ sung công nghệ video over-the-top (OTT), tạo điều kiện cho sự tiến bộ của các nhà cung cấp dịch vụ như Netflix, Hulu, Disney+, Amazon Prime Video... 

Nếu 10 năm trước Netflix chỉ có 12 triệu người đăng ký thì hiện tại con số đó lên gần 200 triệu, cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc với khoảng 8 triệu người đăng ký mới trong mỗi quý.

Thống kê mới nhất trong tháng 10/2020, Netflix đạt mức kỷ lục tại Hàn Quốc, nơi mà trước nay các nhà đài truyền hình địa phương thường chiếm ưu thế độc tôn, ước tính có khoảng 3,62 triệu người xem ở xứ kim chi đã trả phí 51,4 tỷ won (tương đương 45,9 triệu USD), gần gấp đôi so với mức 26,2 tỷ won trong cùng kỳ năm 2019.

Tính riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Netflix đang chiếm doanh thu đáng kể và tìm cách đầu tư hàng triệu đô la vào phát triển nội dung gần gũi với đời sống văn hóa của các thị trường lớn như Ấn Độ cũng các nước Đông Nam Á để mở rộng độ phủ sóng. 

Theo thống kê, số người đăng ký dịch vụ phát trực tuyến video OTT trên toàn cầu đã tăng từ 150 triệu lượt năm 2014 lên hơn 600 triệu vào năm 2019 và dự kiến sẽ tăng lên 1,1 tỷ trong năm 2021. Tính đến nay, thế giới ghi nhận hơn 300 nhà cung cấp dịch vụ OTT, trong đó hơn 200 nhà cung cấp đến từ Hoa Kỳ. Sự lên ngôi của nền tảng trực tuyến, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu OTT toàn cầu từ 69 tỷ USD năm 2018 lên 129 tỷ USD vào năm 2023. 

Bên cạnh đó, trước tốc độ phát triển vũ bão của Netflix, Disney+, HBO Max… rõ ràng người thua cuộc và chịu tác động nặng nề nhất là các nhà đài truyền thống và đài cáp, các phim truyền hình không còn đủ sức hút để níu chân khán giả trước sự đa dạng của các nền tảng trực tuyến, dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ của thị trường phát thanh truyền hình. 

Gần một nửa số người trong độ tuổi từ 22-45 ở Hoa Kỳ cho biết họ hoàn toàn không xem truyền hình truyền thống, ước tính 22 triệu hộ gia đình đã từ bỏ dịch vụ truyền hình cáp và vệ tinh vào cuối năm 2019. 

Tương tự, tại Ấn Độ - quốc gia nổi tiếng với các bộ phim truyền hình dài tập - cũng đang gặp khó khăn khi người dân đang dần chuyển sang yêu thích kỹ thuật số, dành nhiều thời gian xem video trực tuyến hơn. Cụ thể, người Ấn dành trung bình 8 giờ 28 phút để xem video trực tuyến, cao hơn mức trung bình toàn cầu 6 giờ 45 phút, số liệu thống kê từ Limelight Netwworks. 

Ngay cả nền công nghiệp phim ảnh phát triển bậc nhất châu Á là Hàn Quốc cũng đang đau đầu giải quyết bài toán rating. Theo Yonhap, 2 năm trở lại đây, hiếm tác phẩm nào đạt tỷ suất người xem cao hơn 20%, kể cả những bộ phim gây tiếng vang năm 2020 như Tầng lớp Itaewon, Chuyện đời bác sĩ…. cũng chỉ có mức rating dao động 13-15%. Thậm chí, nhiều phim có sự góp mặt của loạt sao nổi tiếng như Lee Min Ho (Quân vương bất diệt), Kim Soo Hyun (Điên thì có sao)… còn gây thất vọng ê chề khi mức rating không vượt nổi 10%. Một lần nữa cho thấy sự thất thế đáng kinh ngạc của ngành công nghiệp phim truyền hình. 

phim truyền hinh-ăn khách-xu hướng-giải trí

Ngành công nghiệp phim truyền hình đang thất thế đáng kinh ngạc. 

Sự thức thời và cải tiến ưu việt 

Khi thị trường Bắc Mỹ và châu Âu bắt đầu bão hòa, châu Á - Thái Bình Dương được xem là trọng tâm chính được các nền tảng trực tuyến nhắm tới. Phó chủ tịch phụ trách phát triển kinh doanh khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Netflix nói với CNBC: “Chúng tôi nhận thấy châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu sử dụng nền tảng trực tuyến trên các thiết bị di động, đây là một sự khác biệt lớn so với các khu vực khác trên thế giới”. 

Ngay lập tức, phía Netflix đã tạo ra các gói dịch vụ hấp dẫn dưới 5 USD/tháng dành cho thiết bị di động tại Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan, hoàn toàn trái ngược với kiểu định giá cao cấp của Netflix tại thị trường Hoa Kỳ với gói tiêu chuẩn khoảng 14 USD. 

Tương tự, HBO cùng bày tỏ tham vọng phát triển thị trường châu Á - Thái Bình Dương, giảm chi phí đăng ký nội dung trên mỗi cá nhân thông qua việc thương lượng với các nhà sản xuất. 

Ấn Độ có số lượng người dùng internet cao thứ 2 sau Trung Quốc, với khoảng 570 triệu thuê bao cùng tốc độ tăng trưởng 13% hàng năm. Bên cạnh giá cả cạnh tranh thì việc chú trọng đầu tư nội dung bản địa hóa và khác biệt là yếu tố trọng yếu giúp các nền tảng trực tuyến dễ dàng tiếp cận người dùng Ấn Độ.

Hiện, Netflix đã chi 400 triệu USD để phát triển nội dung gốc cũng như các bộ phim dành riêng cho thị trường Ấn Độ từ năm 2019 đến năm 2020. Trong khi đó, Amazon Prime Video đẩy mạnh cung cấp nội dung bằng 12 ngôn ngữ địa phương của Ấn Độ. Khoảng một chục bộ phim được làm bằng tiếng Tamil, Telugu và Kannada - những ngôn ngữ được nói ở các bang miền Nam Ấn Độ như Tamil Nadu, Andhra Pradesh và Karnataka.

emily ở paris-netflix

"Emily ở Paris", một bộ phim ăn khách hiện nay trên Netflix.

Đồng thời, các nền tảng trực tuyến lớn như Netflix, Disney+, Amazon Prime Video... còn thêm phụ đề và lồng tiếng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như Hindi, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Bahasa Indonesia... đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng.

Netflix còn sản xuất hơn 70 tựa phim hoạt hình và live action của Hàn Quốc, đầu tư hơn 700 triệu USD vào các mối quan hệ hợp tác và tài trợ ở đây kể từ năm 2015. Riêng Đông Nam Á, công ty cho biết họ đã tăng gấp đôi danh mục nội dung của mình hàng năm, kể từ năm 2016 và có kế hoạch bổ sung gần 500 đầu phim cho khu vực này chỉ tính riêng năm 2020.

Theo CNBC, điều duy nhất có thể làm chậm sự thành công của Netflix, Disney+, HBO Max… là các đối thủ cạnh tranh trực tiếp từ các công ty địa phương đã nhận thấy sự phát triển của phát trực tuyến OTT, chứ phim truyền hình không còn là nỗi lo sợ và đối thủ xứng tầm với các gã khổng lồ phát trực tuyến.

Chung Thu Hương/PNO

(Theo CNBC, Korea Times và Intertrust)