FlexJobs đã có một cuộc khảo sát tiến hành trên 7.000 nhân viên vào năm 2019, có 65% người tham gia cho biết làm việc tại nhà năng suất cao hơn bởi không bị gián đoạn bởi những việc mang tính chất công sở.
Tuy nhiên, làm sao để cân bằng giữa hiệu suất và gắn kết, và gắn kết nhưng không vượt qua ranh giới riêng tư là câu hỏi thách thức sự khéo léo của người làm nhân sự.
"Xa mặt" nhưng không "cách lòng".
Trước khi mô hình WFH (Work from home) trở nên phổ biến, nhân sự ít khi nhìn thấy sếp và đồng nghiệp của mình trong dáng vẻ thường ngày thay vì hình mẫu nghiêm túc, công sở.
Mô hình WFH đã đưa mọi người một cái nhìn tích cực và mới mẻ về những đồng nghiệp, trong không gian đời thường hơn.
Ví dụ như là một căn phòng dán đầy ảnh ngôi sao của vị sếp lạnh lùng, hay tiền bối nay để mặt mộc thay vì trang điểm chỉnh tề như mọi hôm.
Thông qua những nỗ lực tăng cường tương tác qua hình thức gọi video từ nhà quản trị, nhân viên được tăng cảm giác kết nối với đồng nghiệp hay thậm chí có thể chia sẻ những câu chuyện đời thường mà họ chẳng thể kể ra ở nơi công sở.
Điều này góp phần vơi bớt cảm giác cô đơn của nhân viên - một trong những "thử thách" lớn nhất khi làm việc tại nhà, theo một cuộc khảo sát của Buffer.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyên rằng "Thân thôi đừng thân quá".
Tờ Forbes cho biết, nếu không khéo léo, việc xóa nhòa lằn ranh công việc - cuộc sống cũng có thể khiến nhân viên cảm thấy kiệt sức.
Thử thách đặt ra cho những nhà quản trị nhân sự không chỉ dừng lại ở chỗ thắt chặt gắn kết "mùa" WFH, mà còn phải đảm bảo việc chia sẻ những khoảnh khắc cá nhân nhằm mục tiêu gắn kết không vượt ra khỏi ranh giới mỏng manh giữa cuộc sống riêng và tập thể.
Cân bằng giữa gắn kết và riêng tư.
Trong hơn 50 triệu kết quả của Google, có thể nhận thấy giao tiếp qua video là phương pháp nổi bật nhất. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Các nhân viên thường cảm thấy bất tiện khi phơi bày cuộc sống cá nhân trước đồng nghiệp.
Trong những trường hợp đó, người quản trị cần thử nghiệm thêm nhiều phương pháp mới để khuyến khích nhân viên cởi mở hơn, nhưng vẫn không vượt qua những giới hạn mang tính riêng tư.
Dưới đây là một số hoạt động mà bà Tiêu Yến Trinh - CEO Công ty tư vấn nhân sự Talentent gợi ý cho nhà quản trị.
1. Cuộc gọi có chủ đề vào chiều thứ Sáu.
Khi làm việc ở công sở, chiều thứ Sáu thường là lúc tập thể công thể thường thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng.
Khi làm việc tại nhà, tuy không thể cùng nhau đi chơi, ăn uống, cả công ty có thể họp mặt qua các nền tảng hội họp online để chia sẻ thêm về sở thích cá nhân, càng tốt hơn nếu những buổi họp đó có thêm sự góp mặt của một ly rượu vang hoặc một lon bia mát lạnh.
Bên cạnh đó, một buổi trong tuần mở camera để giao lưu với nhau. Điều này vừa xoa dịu những căng thẳng, bức bối của nhóm nhân viên muốn gắn kết mà lại vừa khiến những nhân sự khép mình không cảm thấy quá sức.
2. Buổi tổng kết khen thưởng trực tuyến.
Theo một khảo sát của Career Builder, 78% người lao động nói rằng nếu họ được nhìn nhận tốt bởi sếp, họ sẽ có động lực hơn trong công việc.
Trong thời điểm làm việc từ xa, những hoạt động khen thưởng sẽ là động lực lớn trong công việc. Việc khen thưởng không chỉ khích lệ tinh thần của từng cá nhân mà còn giúp nâng cao mức độ gắn kết giữa các nhân viên.
3. Thường xuyên khảo sát mức độ gắn kết.
Việc gắn kết phải xuất phát từ hai phía, nhà quản trị và nhân viên cần phải lắng nghe được "tiếng lòng" của nhau và cùng tìm ra giải pháp.
Trong mùa dịch, những cuộc khảo sát ý kiến với câu hỏi mở là một giải pháp được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm tìm hiểu mong muốn từ phía nhân viên, để từ đó điều chỉnh cách thức quản lý nếu cần thiết.
4. Không đánh đồng giữa gắn kết và giám sát 24/7.
Khi triển khai các chính sách bồi đắp gắn kết, nếu không cẩn thận, việc thúc đẩy gắn kết lại nhen nhóm trong người lao động cảm giác bị xâm phạm đời tư.
Thực tế, nhiều số liệu đã chỉ ra sự quan tâm quá mức của công ty với người lao động có thể gây tác dụng ngược.
Năm 2018, Gartner công bố 50% trong tổng số 239 tập đoàn lớn tham gia khảo sát có phương thức giám sát nội dung email, tài khoản mạng xã hội và danh sách những người mà nhân viên tiếp xúc.
Đây là thông tin không mấy vui vẻ với đội ngũ nhân viên.
Chính vì vậy, người quản lý được khuyến nghị không dùng những công cụ mang tính giám sát. Điều này giúp thắt chặt tình đoàn kết với nhân viên thông qua những mục tiêu mang tính tập thể như KPI chung, đồng thời đảm bảo minh bạch trong những chính sách quản lí người lao động.
Bên cạnh đó, những cuộc gọi video nhằm mục tiêu kết nối sẽ chỉ có tác dụng khi không chiếm dụng vào quỹ thời gian cá nhân của nhân viên.
Chia sẻ thêm về điều này, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Công ty Talentnet chia sẻ, văn hóa gắn kết không nhằm mục đích làm mất ranh giới giữa cá nhân và tập thể mà để giúp tăng niềm tin và sự trung thành của nhân viên với doanh nghiệp.
"Gắn kết mà không mất tự do, cởi mở mà không mất kiểm soát, quá đà. Khi đó, nhân viên mới có thể dốc hết tâm sức cho công việc", bà Tiêu Yến Trinh nói.
Văn hóa gắn kết đã được chứng minh có thể mang lại kết quả kinh doanh khả quan và xa hơn, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một đội ngũ đủ mạnh mẽ, vững vàng.
"Khi mọi người thực sự cùng chèo chung một con thuyền, doanh nghiệp sẽ sớm ngày cập bến vùng đất hứa", đại diện Talentnet khẳng định.
Theo Vnexpress