Diện mạo mới của người tiêu dùng
Châu Á lần đầu tăng trưởng tiêu dùng của thế giới
Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Toàn cầu McKinsey (MGI), bỏ lỡ Châu Á là có thể bỏ lỡ mất một nữa bức tranh toàn cầu, với cơ hội tăng trưởng tiêu dùng trị giá 10 nghìn tỷ đô la trong thập kỷ tới.
Việt Nam có vị thế rất tốt để trở thành một động lực đáng kể dẫn dắt câu chuyện tiêu dùng của Châu Á bước sang một chương mới.
Trong thập kỷ tiếp theo đây, tầng lớp tiêu dùng của Việt Nam có thể được bổ sung thêm 36 triệu người, theo định nghĩa là những người tiêu dùng tối thiểu 11 đô-la/ ngày tính theo ngang giá sức mua.
Đây là một sự thay đổi lớn.
Năm 2000, chưa đầy 10% dân số Việt Nam nằm trong tầng lớp tiêu dùng, nhưng đến nay con số này đã tăng lên 40%.
Đến năm 2030, con số này có thể đạt gần 75%
Sức tiêu thụ mới đang nổi lên mạnh mẽ không chỉ từ những người lần đầu gia nhập tầng lớp tiêu dùng, mà còn do thu nhập của tầng lớp tiêu dùng nói chung có xu hướng tăng vọt trong biểu đồ kim tự tháp thu nhập.
Hai tầng cao nhất của tầng lớp tiêu dùng (gồm những người chi tối thiểu 30 đô-la/ngày) đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất, và có thể chiếm 20% dân số Việt Nam ở năm 2030.
Tầng lớp tiêu dùng chuyển mình
Mặc dù tầng lớp tiêu dùng ngày càng lớn mạnh và tốc độ đô thị hóa gia tăng là những yếu tố chính dẫn dắt tăng trưởng của Việt Nam, song lịch sử cũng đang viết nên một chương mới vượt xa hơn yếu tố quy mô và thu nhập gia tăng.
Những thay đổi to lớn về nhân khẩu học và sự thâm nhập của công nghệ số nhiều khả năng sẽ củng cố hơn nữa tính đa dạng của các thị trường tiêu dùng tại Việt Nam, gợi mở những thay đổi đôi khi đáng ngạc nhiên về thị hiếu và hành vi của người tiêu dùng.
Để có thể phát triển hưng thịnh trên thị trường tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc những xu hướng phản chiếu thực tiễn kinh tế xã hội không ngừng thay đổi của đất nước, và những xu thế sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng:
Quy mô hộ gia đình thu hẹp, người trẻ tuổi chi tiêu nhiều hơn, công dân thế hệ số tham gia thị trường một cách mạnh mẽ hơn, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, và phân bố chi tiêu rộng hơn xét từ góc độ địa lý.
Công dân thế hệ số đang trở thành một động lực ngày càng lớn trong bức tranh tiêu dùng
“Công dân thế hệ số” là khái niệm để chỉ những người sinh trong giai đoạn 1980-2012, gồm Thế hệ Z và Thế hệ Y.
Dự kiến đối tượng này sẽ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ của Việt Nam ở năm 2030.
Thành viên của thế hệ sành công nghệ số này sống trên mạng và trên điện thoại di động.
Gần 70% dân số Việt Nam năm 2020 có sử dụng internet.
Quá trình số hóa diễn ra nhanh chóng đang làm thay đổi các kênh và phương pháp trao đổi thông tin hàng ngày của người Việt, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, nơi các doanh nghiệp tầm cỡ khu vực như Shopee và Lazada và các doanh nghiệp trong nước như Tiki đang hoạt động tích cực.
Sự chuyển đổi từ tiêu dùng sở hữu sang tiêu dùng dịch vụ
Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều mặt của đời sống, ảnh hưởng đến việc quản lý thu nhập, chi tiêu, đầu tư của hầu hết người dân.
Thói quen tiêu dùng của người dân vì thế cũng hướng nhiều đến việc tiết kiệm, hạn chế các chi tiêu không thực sự cần thiết.
Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và thay đổi từng ngày, vòng đời sản phẩm có xu hướng rút ngắn.
Bên cạnh đó không gian sống trong môi trường đô thị ngày càng bị thu hẹp, nhu cầu cao trong việc sử dụng đa dạng sản phẩm, dịch vụ đã làm thay đổi mạnh mẽ xu hướng tiêu dùng.
Nếu như truyền thống, người tiêu dùng phải chi trả một khoản tiền để sở hữu một sản phẩm, sau một thời gian sử dụng nếu cảm thấy không hài lòng, thì lại phải chịu thêm “gánh nặng” về việc thanh lý hay về mặt chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng, thì “không sở hữu" một loại hình sản phẩm, dịch vụ giúp họ trút bỏ được nhiều phiền toái.
Người tiêu dùng không cần sở hữu tài sản mà vẫn được tận hưởng đầy đủ, thậm chí nhiều hơn những tiện ích với số tiền bỏ ra ban đầu không quá lớn.
Tìm hiểu thêm về xu hướng tiêu dùng dịch vụ qua bài viết của Trends Việt Nam.
Mua trước trả sau - lối sống tự do tài chính cho người hiện đại
Mua ngay trả sau (buy now - pay later) cho phép người tiêu dùng sử dụng trước và thanh toán lại sau với số tiền nhất định (hạn mức tín dụng) được cấp trước đó.
Có hai loại thanh toán:
Thanh toán toàn bộ trong vòng 30 ngày với lãi suất 0%, hoặc chia nhỏ khoản thanh toán thành nhiều kỳ hạn, tuỳ vào nhu cầu và khả năng thanh toán của khách hàng.
Chỉ trong 12 tháng, hình thức thanh toán mua ngay trả sau đã tăng vọt và kỳ vọng đạt 491.3 triệu USD (tăng 137.3%) trong năm 2022.
Con số này cho thấy sự đón nhận và thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt tăng mạnh đối với tệp khách hàng thuộc Thế hệ Millennials (hơn 37%) và Gen Z (hơn 44%).
Có nhiều yếu tố thúc đẩy khách hàng sử dụng mua ngay trả sau, khiến loại hình này thành xu hướng thanh toán phổ biến trong thời gian tới, đó là kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng, chủ động mua sắm mà không cần chờ đợi đến khi đủ khả năng chi trả hoặc nỗi lo thâm hụt vào khoản tài chính dự phòng cá nhân.
Mở ra phong cách sống tận hưởng
Phương thức mua trước trả sau ngày càng được nhiều người dùng lựa chọn hơn.
Nhiều đơn vị đã áp dụng hình thức mua trước trả sau trải dài trên nhiều lĩnh vực từ hàng hóa đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch…
Người tiêu dùng có thể cân nhắc sử dụng phương thức mua hàng trả tiền sau để mua hàng hóa, dịch vụ, sở hữu những sản phẩm mình mong muốn mà không phải lo lắng về việc không đủ tiền.
Thay vào đó, người dùng cần chú ý để đảm bảo rằng các nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đúng.
Xu hướng mua trước trả sau hứa hẹn tiếp tục được thế hệ trẻ và các gia đình hiện đại đón nhận trong tương lai gần.
Nhìn vào xu hướng sống thoải mái cùng triết lý YOLO (You only live once - bạn chỉ sống một lần trong đời), dễ thấy thế hệ trẻ có nhu cầu hưởng thụ mọi thú vui, vẻ đẹp của cuộc sống.
Metaverse: Mua sắm theo cách mong đợi, kỳ vọng của bản thân
Thế giới ảo Metaverse là lĩnh vực đầy tiềm năng đang được đầu tư phát triển rất mạnh bởi những gã khổng lồ công nghệ.
Không chỉ ứng dụng để chơi game giải trí, Metaverse còn có thể mở ra một hình thức mới cho hoạt động mua sắm online với nhiều trải nghiệm chưa từng có trước đây.
Mua sắm trong thế giới ảo như thế nào?
Hãy tưởng tượng bạn bước chân vào một cửa hàng quần áo và nghe thấy tiếng nước chảy róc rách qua khe đá, tiếng chim hót râm ran và tiếng bước chân nhẹ nhàng của chính mình như đang đi trên mặt đất mềm mại.
Xung quanh bạn là những con ma-nơ-canh và những hàng kệ treo đầy quần áo với đủ màu sắc và kiểu dáng, nhưng bạn không thể chạm tay vào chúng.
Đó không phải một cửa hàng thông thường, mà là trải nghiệm mua sắm trong cửa hàng ảo Alo Yoga nằm trong khu vực Alo Sanctuary được xây dựng trong game Roblox.
Nếu như ngoài đời thật một chiếc áo khoác G.O.A.T đen trắng của Alo có giá khoảng 268 USD (khoảng hơn 6 triệu VNĐ), thì trong Alo Sanctuary bạn có thể kiếm được chiếc áo khoác ảo giống như vậy sau khi hoàn thành 5 ngày tập thiền mà không hề mất chi phí nào.
Trải nghiệm mua sắm giờ đây thật “bình yên” và tiết kiệm.
Alo Sanctuary chỉ là một ví dụ, ngoài ra còn có nhiều thương hiệu lớn đang bước chân vào thế giới ảo Metaverse để thay đổi cách chúng ta làm việc, giải trí và giao lưu với mọi người.
Metaverse gần đây đã trở thành khái niệm siêu hot trong lĩnh vực công nghệ, thậm chí Facebook đã đổi tên thành Meta để thể hiện xu hướng phát triển trong tương lai.
Mua sắm theo kỳ vọng của bản thân
Người dùng thậm chí có thể mua hàng thật trong thế giới ảo.
Năm 2021 công ty sản xuất đồ gia dụng Dyson đã ra mắt một ứng dụng trình bày các công nghệ tạo nên các sản phẩm như máy sấy tóc, máy uốn tóc và máy ép tóc, tất cả các mặt hàng có thể mua ngoài đời thực.
Hãng thời trang cao cấp Balenciaga cũng đã hợp tác với Fortnite để bán hàng, không chỉ trang phục ảo cho các nhân mặc trong game mà có cả quần áo Fortnite thật với số lượng có hạn và giá không hề rẻ.
Tại hội nghị South by Southwest mới đây, Mark Zuckerberg nói rằng mọi người trong thế giới ảo sẽ muốn thể hiện bản thân bằng những bộ quần áo giống như ngoài đời thật, và muốn mang những món đồ ảo đó tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau trong Metaverse chứ không chỉ giới hạn trong một ứng dụng hoặc một trò chơi nhất định.
Mua đồ thật trong thế giới ảo?
Ý tưởng bán hàng ảo để làm đẹp cho nhân vật đại diện trong Metaverse đã có từ lâu.
Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cũng đã phổ biến nhiều năm nay. Giờ đây các công nghệ sẽ kết hợp với nhau để biến việc mua hàng thật qua VR trở thành thực tế.
Second Life, một tựa game được phát hành năm 2003, cho phép người chơi mua các vật phẩm ảo cho nhân vật đại diện của mình giống như Roblox.
Năm 2016, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã tung ra ứng dụng có tên Buy Plus cho phép mọi người mua hàng thật được trưng bày trong một trung tâm thương mại ảo, ship đến tận nhà.
Khi công bố đổi tên Facebook thành Meta, Mark Zuckerberg đã gọi Metaverse là tương lai của Internet di động, và một số đồ thật mà chúng ta đang sở hữu ngày nay sẽ được chuyển thành hình ảnh ba chiều trong tương lai, được thiết kế bởi mọi người trên khắp thế giới.
Mua hàng ngoài đời thật có rất nhiều vấn đề nan giải như hàng giả và vi phạm bản quyền, và thế giới ảo cũng không tránh khỏi điều đó.
Ví dụ trong Roblox hiện nay có thể bắt gặp cửa hàng Gucci Garden giả, vì sự kiện này thực ra đã kết thúc vào ngày 31/5/2021.
Nhãn hàng xa xỉ Hermes đã kiện nghệ sĩ người Mỹ Mason Rothschild hồi tháng 1/2022, cho rằng anh đã vi phạm bản quyền khi bán những chiếc túi ảo mang thương hiệu Birkin của hãng dưới dạng NFT.
Tuy nhiên vấn đề chính hiện nay là người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc mua sắm trong Metaverse.
Theo một cuộc thăm dò vào tháng 12/2021 của eMarketer, khoảng 41% người trưởng thành ở Mỹ không quan tâm và không sử dụng AR hoặc VR để mua sắm.
Mặc dù các dự án Metaverse hiện nay mới chỉ ở giai đoạn sơ khai và cũng có thể “sớm nở tối tàn” giống như nhiều ý tưởng trước đó, nhưng nếu trở thành hiện thực, Metaverse sẽ thay đổi cách thức bán hàng và mua sắm của chúng ta một cách chưa từng thấy.
Thay đổi về hành vi hiện đại đa dạng hoá môi trường tiêu dùng
Các thị trường tiêu dùng đầy năng động của Việt Nam đã và đang sở hữu đà tăng trưởng mạnh mẽ trong một khoảng thời gian, và hiện đang trở nên phức tạp hơn.
Tầng lớp tiêu dùng đang đa dạng hóa từ góc độ địa lý, xã hội, nhân khẩu học, và công nghệ.
Khi người tiêu dùng trở nên đa dạng hơn với nhiều đòi hỏi hơn, các doanh nghiệp mong muốn phục vụ họ sẽ cần tinh chỉnh chiến lược, không chỉ tính đến các mức thu nhập, mà còn phải xem xét các kênh mới, chiến lược, phân bổ ngân sách và nguồn lực marketing, và hành vi thậm chí ngay trong chính tệp khách hàng đã được thiết lập.