Vẻ đẹp xuất phát từ những thứ không hoàn hảo
Có lẽ những hình ảnh hiện lên trong đầu bạn sẽ không đẹp. Suy cho cùng, chúng ta thường hay gắn sự đổ vỡ với những trải nghiệm xấu xí - một tấm kính rơi tan tành sẽ để lại nhiều mảnh sắc nhọn, những âm thanh chói tai và vết cắt trên tay nếu bạn không cẩn thận.
Nhưng đi ngược với những định kiến tiêu cực, “Bảo tàng tan vỡ" đem lại một góc nhìn mới về cảm xúc này qua các thước phim và hình ảnh nghệ thuật, từ đó giúp người xem thấu hiểu hơn về các cung bậc tình yêu và cuộc sống: dù khó khăn, nhọc nhằn và chia ly đau đơn, vẫn có vẻ đẹp trong kỷ niệm hạnh phúc, trong tình cảm nhiệt huyết và trong sự trưởng thành từ tan vỡ nhặt nhạnh.
“Bảo tàng tan vỡ” gắn kết những trái tim chắp vá
Diễn ra vào ngày 11 - 12/12 vừa qua tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory (TP. Hồ Chí Minh), “Bảo tàng tan vỡ" là triển lãm trưng bày 10 tác phẩm đương đại lấy cảm hứng từ 1096 câu chuyện có thật được chia sẻ từ những người đã yêu, đang yêu và những người đang chung sống với HIV trên khắp Việt Nam.
Triển lãm được thực hiện trong khuôn khổ chiến dịch “Yêu mới khó. Phòng ngừa HIV ngại gì" nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các biện pháp can thiệp dự phòng HIV mới nhất.
Các nghệ sĩ tham gia dự án đã chuyển hoá những chia sẻ của nhân vật theo ngôn ngữ nghệ thuật của mình thành các tác phẩm thuộc đa dạng phạm trù như thơ ca, nghệ thuật, sắp đặt, nghệ thuật thị giác, nghệ thuật tương tác, nghệ thuật biểu diễn, v.v…
Nhưng dù thuộc trường phái nào, mỗi tác phẩm cũng đều thể hiện những khía cạnh khác nhau của sự tan trường phái nào, mỗi tác phẩm cũng đều thể hiện những khía cạnh khác nhau của sự tan vỡ, mời gọi người xem dừng lại để nhìn sâu hơn, thấu hiểu hơn câu chuyện của người trong cuộc.
Trên hết, các tác phẩm nhấn mạnh nét tương phản giữa nỗi niềm phức tạp của tình yêu với sự dễ dàng và an toàn trong việc sử dụng các thuốc kháng virus phòng ngừa HIV, từ đó truyền tải thông điệp chính của chiến dịch.
Đảo chiều thông điệp tạo nên nét riêng cho “bảo tàng tan vỡ"
Là một trong 10 nghệ sĩ tham gia dự án, nhà thơ Nam Thi cho biết như một duyên số, vào năm 2018 anh đã sáng tác một bài thơ có tên gọi trùng với triển lãm là “Bảo tàng tan vỡ.” Anh đã kết hợp bài thơ này cùng hai sáng tác thi ca khác để tạo nên tác phẩm “Soi Lòng Đọc Thơ.”
Tác phẩm được Nam Thi trình bày hoàn toàn bằng chì trên vải canvas, với chủ đích là tạo dòng chữ thật mờ để khán giả phải sử dụng kính lúp để đọc được.
Theo nhà thơ, đó là cách anh hình tượng hoá tâm sự mà những cá nhân không tên đã gửi gắm đến chiến dịch, cũng như kêu gọi chúng ta cố gắng hơn trong việc đối thoại với người có HIV.
“Họ đã giữ câu chuyện đó trong lòng quá lâu rồi. Họ không dám nói ra. Họ không dám bày tỏ. Vậy nên khi mình đưa chữ của mình ra, mình viết chữ làm sao để thật mờ, giống như tâm hồn của họ trước đây.
Hôm nay sẽ có những người bạn, kể cả người lạ, họ sẽ có nỗ lực, họ dùng kính lúp, họ soi vào để xem, để đọc. Thay vì ban tổ chức chỉ xuất hiện và bảo “các bạn ơi gửi câu chuyện cá nhân của mình về nhé" mình muốn đảo chiều mọi thứ lại một chút, như nói lên rằng “công chúng ơi, mọi người hãy chủ động bước vào lòng các bạn ấy đi, đừng xa lánh nữa!”
Tình yêu chính là nguồn cội của cái đẹp
Một cái tên khác góp mặt ở buổi triển lãm, Ngô Đình Bảo Châu, từng từ chối lời mời tham gia “Bảo tàng tan vỡ" vì thấy mình thiếu liên kết với chủ đề và cũng không biết ai có HIV.
Nhưng sau khi tự vấn, cô nhận ra cách phản ứng này không khác lắm với thái độ hững hờ của mình trong nhiều năm về vấn đề nhận thức về HIV, một phần vì cách tuyên truyền tiêu cực trước đây của xã hội về căn bệnh.
“Mình cũng biết thêm rằng chủ đề của năm nay sẽ là về tình yêu, nên mình quyết định rằng mình cần đóng góp một điều gì đó"
Với Ngô Đình Bảo Châu, tình yêu là một chủ đề cổ xưa như chính sự tồn tại của con người. “Dù là qua những bối cảnh xã hội khác nhau nhưng bản chất tình yêu không đổi. Nó vẫn lấy điểm tựa chung là sự công bằng giữa hai phía, sự không khác biệt giữa mỗi chúng ta.”
Lấy cảm hứng từ tâm niệm này, cô đã tạo nên một cấu trúc đối xứng với một vách ngăn để thể hiện thông điệp rằng: “Tình yêu là sự bình đẳng và tình yêu cũng thật khó. Nhưng nếu chúng ta chủ động bày tỏ, biết đâu cái chúng ta nhận được sẽ là lăng kính đầy màu sắc của cuộc sống.”
Sự kiện năm nay cũng có sự góp mặt của các tác phẩm nghệ thuật tương tác ấn tượng như “Tình yêu là gì?” - cho phép người tham quan thay đổi hình hài của trái tim được chiếu trên màn hình.
Bên cạnh đó là “egg.Tình yêu" - hiển thị sóng não của người xem khi đọc một trong 1096 câu chuyện được chia sẻ về dự án. Bằng cách này, “bảo tàng tan vỡ" trở thành một cuộc hội thoại nơi chính khán giả và cảm xúc của họ cũng góp phần tạo nên nghệ thuật.
Một nét đặc sắc về thị giác tại hội trường triển lãm là sự xuất hiện của nghệ sĩ trình diễn Nhi Lê. Qua màn hình trình diễn nghệ thuật đương đại, cô đưa người xem vào một thế giới của những chiêm nghiệm miên man về các sự kiện, hình ảnh về những người ta yêu thương và nơi chốn ta từng đến.
Theo Ubanist Vietnam