Bên lề toạ đàm “Giấc mơ sơn mài” vừa diễn ra ngày 24/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, nhà báo Hòa Bình đã có buổi trò chuyện với hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương để hiểu về những câu chuyện ''huyền bí'' xung quanh nghệ thuật tranh sơn mài.
Không huyền thoại hoá sơn mài
Giới mỹ thuật Việt đánh giá, sơn dầu được mệnh danh là vua, còn sơn mài là biểu tượng nữ hoàng của các chất liệu mỹ thuật Việt. Còn anh quan niệm thế nào về sơn mài, thưa hoạ sĩ?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương:
Tôi không cổ vũ cho việc huyền thoại hoá việc vẽ sơn mài. Với tôi, sơn mài vừa là chất liệu truyền thống, vừa có sự huyền bí, quyến rũ, ai nhìn thấy bức tranh sơn mài cũng thấy xao xuyến.
Một tác phẩm sơn mài đòi hỏi rất nhiều công phu, sau khi vẽ còn gắn trứng, rây vàng bạc, vẽ chồng nhiều lớp, ủ khô nhiều lần, mài chi tiết, rồi lại vẽ tiếp, mài xong còn đánh bóng… Giai đoạn nào cũng cần sự tập trung cao độ, hết sức khắt khe.
Tôi chỉ cần tóm gọn lại là vẽ sơn mài phải dùng sơn ta.
Sơn ta có chất lượng tốt nhất được trồng ở tỉnh Phú Thọ, chiết xuất sơn ta rất cầu kỳ, thường phải chiết xuất trước mùa xuân mới tốt. Màu ngà ngà cánh gián của sơn ta phủ lên trên tất cả các màu, trầm xuống vài ba sắc độ chứ không nổi bật lên, nhưng càng để lâu, trôi qua sáu tháng, một năm trở lên, màu sơn sẽ dần trong lại, bắt đầu nổi bật lên sắc độ rực rỡ.
Màu sắc ửng lên từ sâu thẳm bên trong chứ không nông cạn như màu sắc của sơn công nghiệp. Nếu sử dụng sơn công nghiệp thì không có độ bền này mà ngược lại sẽ bị xỉn theo ngày tháng.
Việc sử dụng vàng, bạc trên tranh sơn mài là do hoạ sĩ muốn chôn màu vàng, bạc âm bên dưới sơn hoặc dùng vàng dán sống luôn bên trên bề mặt tranh để có thêm sắc độ óng ánh.
Ngôn ngữ của sơn mài là sự ẩn chứa, tích tụ, nội tâm bộc phát mạnh mẽ từ trong sâu thẳm chứ không trực tiếp như sơn dầu, arcrylic và các thể loại khác.
Sơn mài rất cao quý, hiệu ứng của bức tranh khi hoàn thành khác hẳn với các thể loại khác nên các hoạ sĩ trẻ cũng khó có điều kiện tiếp cận, theo đuổi. Thường phải là các hoạ sĩ đã có tuổi, có chiêm nghiệm, trải nghiệm và có cả điều kiện tài chính lẫn từng trải cuộc sống.
*Đây có phải là lý do khiến nhiều hoạ sĩ trẻ không dám theo đuổi thể loại sơn mài?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: Nói như thế không phải để các hoạ sĩ cảm thấy sợ hãi và từ bỏ theo đuổi thể loại sơn mài.
Đừng sợ, đừng mất tự do, đừng tự trói buộc, giới hạn mình.
Điều kiện xã hội bây giờ không phải quá khó khăn như ngày xưa. Cho nên không thể bảo vì không đủ điều kiện nên không thể vẽ sơn mài được. Chẳng qua quyền lựa chọn là của mỗi hoạ sĩ. Nhiều người đứng trên bờ này cứ bảo bờ kia xa lắm, không có thuyền để qua. Tôi cho rằng mọi lý do luôn có vẻ hợp lý nhưng thực ra đều là biện hộ.
Phải dấn thân, phải hết mình. Đầu tiên là phải tôn trọng việc mình làm, tôn trọng nghệ thuật, tôn trọng khán giả.
Nếu đam mê, thì có 10 triệu đồng trong túi bạn sẽ bỏ ra 8 triệu mua sơn, vàng, bạc, 2 triệu để làm việc khác. Nếu không đủ đam mê, có thể sẽ bỏ 8 triệu làm việc khác và 2 triệu mua sơn, vàng, bạc. Vậy thì chất lượng của tác phẩm sẽ thể hiện ra hoạ sĩ là ai và sự lựa chọn của từng người thế nào thôi.
Đẹp không phải lập dị, cũng không “đèm đẹp”
*Là lửa thử vàng, gian nan thử sức, sơn mài đo giá trị?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: Sơn mài khắc nghiệt ở chỗ cứ vẽ xong rồi lại mài đi rất nhiều lớp mới đạt được sắc độ mình muốn nên nhiều người tiếc không dám mài, chỉ mài chút xíu thôi, cuối cùng thì bức tranh không đủ sâu.
Độ sâu còn được thể hiện vì qua thời gian, mọi thứ sẽ sáng tỏ. Điều này càng đặc biệt rõ ràng với tác phẩm sơn mài. Những thứ mình vẽ ra hôm nay không phải chỉ là của ngày hôm nay mà là hoạ sĩ đã phải đào sâu tích luỹ với công việc qua nhiều năm rồi.
Mà nói nông sâu thì khó đo, nhưng nếu tác phẩm đạt được cái đẹp mà số đông nhiều người cảm nhận được thì đó chính là thước đo. Còn nếu tác phẩm chỉ một mình mình thấy đẹp thì cũng chỉ là sự lập dị mà thôi.
*Xin hoạ sĩ cho biết quan niệm về tác phẩm mỹ thuật cổ điển với chiều sâu và giá trị bền vững liệu có đối nghịch với tác phẩm sắp đặt có ý nghĩa tức thời và mang tính ý niệm?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: Tác phẩm sắp đặt thường hoạ sĩ cố gắng sử dụng yếu tố 3 chiều, tác động trực tiếp, tức thời tới người thưởng thức. Nhưng tôi thấy giữa hai thể loại thực ra không hề có sự khác biệt nào.
Với các tác phẩm sơn mài, vẫn là cách mà tác giả đưa ra 3 chiều, thậm chí nhiều hơn 3 chiều không gian nhưng được tích hợp trên cùng một mặt phẳng. Tôi cho rằng chỉ khác nhau về ngôn ngữ thể hiện thôi.
Tác phẩm nghệ thuật nói chung đều có không gian 3 chiều, chẳng hạn như tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, dù chỉ là nét vẽ trên mặt bẹt của một tấm lụa nhưng do chất liệu thẩm thấu, lan toả nên tranh Nguyễn Phan Chánh luôn thể hiện được cả chiều thứ 4 nữa chứ không phải chỉ 3 chiều.
Quan trọng nhất vẫn là hành trình tìm kiếm cái tôi sáng tạo cá nhân và bảo vệ được nó. Đôi khi vẽ cả đời mới tìm ra được. Nhiều người vẽ cả đời vẫn đèm đẹp, nhìn cái gì cũng thuận mắt nhưng không đặc biệt, không thể hiện bản ngã riêng. Nghệ thuật khắc nghiệt ở chỗ buộc phải tìm ra dấu mốc của người nghệ sĩ, tức là tìm ra sự khác biệt đó. Nhưng tôi xin nhắc lại, nói thế không có nghĩa dị biệt mà phải có sự đồng cảm của công chúng số đông và chuyên nghiệp nhất.
Không sợ bị đánh giá, đánh đồng
*Thưa hoạ sĩ, tranh anh giai đoạn này mang lại cảm giác thanh bình, khiến người thưởng thức thấy yêu cuộc sống. Nhưng điều này sẽ rất dễ bị đánh giá, và đánh đồng với một số thứ khiến hoạ sĩ không vui. Tại sao anh chọn cách chuyển tải ngôn ngữ nghệ thuật bình dị như thế này đến công chúng?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: Cuộc sống vốn đã quá nhiều thứ nặng nề, cơm áo, gạo tiền. Có lẽ tất cả mọi người đều cầu an bình. Tôi muốn gửi gắm tới công chúng niềm mong ngóng này của chính tôi. Tôi không sợ bị đánh giá, không quan tâm điều đó và càng không sợ bị đánh đồng.
Tôi vẽ vì bản thân tôi chứ không vì nhà phê bình nào hay vì công chúng nào cả. Mỗi sáng tinh sương, ôm ly cà phê ngồi trước bức tranh, cảm thấy đã vẽ ra một nỗi nhớ mong manh từ trong tâm thức, tôi thấy mình hạnh phúc. Chứ nếu còn trằn trọc vì những điều chưa làm ra được thì khổ lắm. Tôi muốn mang hạnh phúc ấy đến cho người thưởng tranh.
*Có khi nào hoạ sĩ đã bị thất bại không?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: Cũng nhiều khi thất bại, có khi vẽ xong cảm thấy xấu, phải cạo đi, hoặc thậm chí phủ khăn lên, rồi một thời gian sau mới quay lại. Chứ không phải công chúng xem tranh cứ thấy lung linh là cả thế giới của hoạ sĩ đều màu hồng hết. Không “ngon ăn” đâu. Nhất là với thể loại sơn mài, khi thất bại, không chỉ đau khổ tiếc nuối mà còn tiêu hao tài chính, đầu óc, thời gian. Mà hoạ sĩ thì vốn dĩ đã có nhiều tổn thương, nhiều đau đáu lắm. Tôi thường coi như đó là những lần vấp té, cần đứng lên.
*Làm thế nào để quên được các tác phẩm thất bại thưa hoạ sĩ?
Hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương: Đó là các dự định ở phía trước. Cần phải lập kế hoạch cho mỗi dự định công việc để lại có niềm mong mỏi về một thế giới khác lạ khác mà mình chưa từng chạm tới, mới chỉ hình dung ra nó thôi, lòng đã thấy lâng lâng xao xuyến rồi.
Khi vẽ thành công thì vui lắm. Người mua tranh bỏ ra một lượng tiền không nhỏ để mua tranh, điều đó chứng tỏ sự yêu thích. Còn với hoạ sĩ thì quan trọng nhất chưa chắc đã phải là số tiền bao nhiêu mà là tri ân người mua vì toàn bộ giá trị của đứa con tinh thần của mình đã được trao gửi cho một mối đồng cảm rất lớn.
Hoà Bình (thực hiện)
Triển lãm “Giấc mơ” của hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương đã khai mạc lúc 18h ngày 20/3/2021, kéo dài đến hết 28/3/2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, gồm hơn 70 tác phẩm, gồm nhiều chất liệu, vật liệu như sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, sắp đặt, gốm… Ngày 24/3, trong tuần trưng bày tranh của hoạ sĩ Nguyễn Hoài Hương, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã diễn ra buổi toạ đàm “Giấc mơ sơn mài”, cuộc hội tụ và thảo luận sôi nổi của các hoạ sĩ chuyên về sáng tác sơn mài đến từ nu vùng miền. Đặc biệt, trong đó có hoạ sĩ Nguyễn Xuân Việt – học trò của danh hoạ Nguyễn Gia Trí, tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuậTP.HCM, hoạ sĩ Hồ Hữu Thủ, Hoạ sĩ Huyền Lam - Phó Chủ nhiệm CLB Sơn mài TP.HCM, hoạ sĩ Nguyễn Văn Quý phó chủ nhiệm CLB sơn mài Hội MTTPHCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội sơn mài Bình Dương… |