Ngành công nghiệp giấc ngủ bao gồm những gì ?
Không chỉ bao gồm chăn, giường, gối, nệm, ngành công nghiệp giấc ngủ còn mở rộng và kết hợp với sự phát triển của công nghệ cao.
McKinsey đã chia các sản phẩm trên thị trường ra thành 3 loại chính:
Đầu tiên là các sản phẩm tối ưu hóa môi trường giấc ngủ, nhằm biến phòng ngủ thành thiên đường của việc nghỉ ngơi.
Loại thứ 2 là các sản phẩm và dịch vụ giúp thay đổi thói quen liên quan tới ngủ, giúp người sử dụng có một giấc ngủ chất lượng hơn.
Danh mục sản phẩm liên quan thường là các ứng dụng và thiết bị giúp theo dõi giấc ngủ, các dịch vụ hỗ trợ giấc ngủ.
Những hãng công nghệ lớn như Google và Amazon cũng có ít nhất một sản phẩm liên quan tới giấc ngủ.
Loại cuối cùng chính là để trị liệu, tạo điều kiện cho các phòng nghiên cứu chuyên về giấc ngủ trở nên phát triển hơn.
Rất nhiều người chọn đi điều trị chuyên khoa và uống thuốc được kê đơn để hỗ trợ các chứng bệnh liên quan tới giấc ngủ của họ.
Điều kiện thúc đẩy ngành công nghiệp giấc ngủ phát triển
Theo Báo cáo Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc năm 2022, người Trung Quốc ngủ khoảng 8.5 tiếng vào năm 2012, tuy nhiên, tới 2021 con số này chỉ còn là 7.06 tiếng.
Không chỉ riêng Trung Quốc mà trên thế giới, 62% người lớn cảm thấy họ không được ngủ đủ (theo cuộc khảo sát Philips Global Sleep Survey, năm 2019).
Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu, ước tính cứ 3 người thì có 1 người mất ngủ và cứ 10 người thì có 1 người mất ngủ kéo dài.
Khi chất lượng giấc ngủ đi xuống, ảnh hưởng tới sức khỏe vật chất và tinh thần, nhiều người bắt đầu đi tìm sự giúp đỡ ở nền công nghiệp giấc ngủ.
Điều này đã thúc đẩy một lĩnh vực được gọi là “ngành công nghiệp giấc ngủ” phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Ngành công nghiệp tỷ đô ngày càng phát triển trên thế giới
Từ các ứng dụng hỗ trợ ru ngủ, siro ngủ, gối ngủ, nến thơm, kẹo cao su cho cho đến giường, nệm, thảm trải phòng, đèn ngủ, thiết bị đeo tay… tạo nên một mảnh đất béo bở để các công ty có thể nhảy vào và móc hầu bao người tiêu dùng.
Năm 2017, phần mềm Calm đã được bầu chọn là phần mềm của năm trên App Store, cho thấy nhu cầu cần có một giấc ngủ yên lành cao đến thế nào.
Theo báo cáo tổng kết cùng năm của hãng McKinsey, riêng ngành công nghiệp liên quan đến tất cả các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ và nhất là các phần mềm trên điện thoại di động đã có tổng giá trị trong khoảng từ 30 đến 40 tỷ đô la, và luôn tịnh tiến tăng trưởng ở mức 8% hàng năm.
Không chỉ có những thiết bị thông minh đeo trên người, mà nền công nghiệp hỗ trợ giấc ngủ giờ đây có vô số sản phẩm đa dạng về mẫu mã và chức năng: giường thông minh và cảm biến giấc ngủ chuyên dụng dạng như iFit Sleep HR hoặc Eight Sleep Tracker theo dõi chuyển động, nhịp tim, hô hấp, làm mát, sưởi ấm.
Hoặc công nghệ Ballistocardiography (BCG), như trong Beddit Sleep Monitor của Apple, theo dõi nhịp tim thông qua hoạt động của cơ thể, theo dõi hơi thở, tiếng ngáy và nhiệt độ phòng mà không cần phải tiếp xúc với da.
Hay đèn điều chỉnh độ sáng như Philips Hue, giúp lọc ánh sáng xanh; các thiết bị dạng Echo của Google và Amazon, sử dụng cảm biến radar để theo dõi giấc ngủ…
Ngành công nghiệp giấc ngủ - cơ hội và thách thức ở thị trường Việt Nam
Ở Việt Nam, thị trường sản phẩm công nghệ hỗ trợ ngủ cũng đã hình thành và có những bước phát triển nhất định.
Theo một khảo sát của Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, những năm gần đây có khoảng 33% dân số bị một trong nhiều triệu chứng mất ngủ; 15% bị trạng thái ngủ gà gật ban ngày; 18% không thỏa mãn về giấc ngủ; 30% mất ngủ có liên hệ với bệnh trầm cảm…
Đa phần, họ đều chọn điều trị tại bệnh viện hoặc sử dụng các bài thuốc Y học cổ truyền quen thuộc cùng các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt.
Đồng thời, cũng giống như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Hồng Kông, tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc nam, thuốc bắc, các loại thực vật để ăn mang đặc tính thuốc được dùng khá nhiều.
Ví dụ như Ru9, một startup chuyên về nệm làm bằng chất liệu mới Memory Foam 3 lớp - loại nệm được sáng chế cho các nhà du hành vũ trụ NASA bởi khả năng giải tỏa lực ép hiệu quả.
Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, doanh thu năm 2020 tăng 300% so với năm 2019.
Xa xỉ không kém là các hãng Latexco, AmericanStar, Therapedic, Aireloom, Spring Air, LMG World, ...
Hay một startup khác từ Giáo sư người Việt ở Mỹ, Vũ Ngọc Tâm, với dự án Earable - tai nghe không dây thông minh giúp chăm sóc, chẩn đoán và hỗ trợ điều trị các vấn đề về não bộ (rối loạn giấc ngủ, căng thẳng và sự tập trung).
Earable đã nhận được vốn đầu tư từ hàng loạt nhà đầu tư mạo hiểm có tên tuổi như 500 Startups, Smilegate Investment...
Chuyển phần lớn hoạt động của Earable từ Mỹ về Việt Nam, giáo sư Vũ Ngọc Tâm ngay lập tức nhận được khoản tài trợ 10 tỉ đồng từ Vingroup.
Dù vậy, thị trường còn rất mới và không nhiều nhà đầu tư.
Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho những doanh nghiệp hướng mục tiêu đến ngành công nghiệp này.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam nhận xét thì đây là thị trường mới và nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu nhà đầu tư.
Vấn đề của thị trường công nghiệp giấc ngủ
Sự ám ảnh về một giấc ngủ hoàn hảo có thể gây hại cho chính chúng ta.
Tiến sĩ Kelly Glazer Baron đã nhắc tới thuật ngữ Orthosomnia để nói về hiện tượng này.
Nhờ vào các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ trên thị trường, rất nhiều người dùng đã tự chẩn đoán chứng bệnh mất ngủ của mình thay vì hỏi ý kiến chuyên gia.
Bên cạnh đó, việc đi ngủ lại trở thành một biểu tượng, thay đổi theo thời gian.
Trước đây, những người thành công đều tự hào khoe về cách họ đã hy sinh giấc ngủ để có được sự nghiệp huy hoàng.
Còn bây giờ nhiều công ty bỏ tiền ra để giúp nhân viên ngủ ngon hơn vì họ tin nó giúp cải thiện công việc.
Chủ nghĩa tư bản luôn tìm được cách kiếm tiền từ chúng ta.
Những lo lắng và ám ảnh của chúng ta về giấc ngủ rồi cũng trở thành những “insight" (sự thật ngầm hiểu) mà các thương hiệu tận dụng và bán lại cho chúng ta.
Tổng hợp, nguồn [Vietcetera + Vneconomy]