Trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây hệ luỵ, ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành kinh tế trên phạm vi toàn cầu, trong đó có ngành du lịch.
Tuy nhiên, mới đây khi ngành hàng không chính thức kích hoạt trở lại, ngành du lịch đang trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Việc giãn cách xã hội nhiều lần khiến du khách nô nức và hào hứng quay lại với cuộc sống bình thường mới.
Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị du lịch và nhà tư vấn thương hiệu, bà Laura Fernandez đã đề xuất ra chân dung 5 nhóm du khách chính và cách tiếp cận mà các nhà tiếp thị cần ưu tiên trong năm 2022.
Tiếp thị thông qua podcast với du khách công tác kết hợp du lịch
Có thể thấy, mọi người đang dần quay trở lại với công việc bận rộn và những chuyến công tác dài ngày.
Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch khiến xu hướng work-from-home trở nên quen thuộc, dẫn đến nhiều khả năng các cuộc họp tại văn phòng bị cắt giảm, ngành du lịch sẽ mất đi một lượng lớn du khách.
Nhưng nhiều hội nghị quan trọng vẫn có yêu cầu tham dự trực tiếp, dù không nhiều nhưng vẫn được dự đoán sẽ mang về một lượng đều đặn trong năm 2022.
Các nhà tiếp thị nên cân nhắc phương án tiếp thị trên các podcast dành cho doanh nghiệp.
Theo dữ liệu liệu của chương trình Podsurvey, 62% lượng khán giả sau khi nghe chương trình này gia tăng 3-4 chuyến đi mỗi năm.
Nhà tiếp thị có thể cân nhắc thu hẹp phạm vi tiếp cận cụ thể qua các chương trình cho doanh nghiệp.
Hiểu rõ bản sắc để kết nối với du khách đa văn hóa
MMGY Travel Intelligence chỉ ra rằng khách du lịch đa văn hóa chiếm 44% trong tổng thu nhập ngành, vì vậy các công ty du lịch không nên bỏ qua nhóm đối tượng này.
Một điều quan trọng cần lưu ý là khách du lịch đa văn hóa có khả năng chi tiêu cho các thương hiệu mà họ cảm thấy bản thân mình được lắng nghe.
Để kết nối hiệu quả với du khách đa văn hóa, việc hiểu rõ bản sắc của họ rất quan trọng.
Một điển hình như du khách da màu có xu hướng nghe quảng cáo có âm giọng dễ nghe, chân thực có sự đồng cảm và rõ ràng.
Du khách gốc Tây Ban Nha muốn nghe thông điệp bằng ngôn ngữ bản địa của họ với giọng đọc trôi chảy lưu loát.
Tiếp thị khách du lịch LGBTQ+ thông qua kênh phát âm nhạc
Theo các chuyên gia trong ngành tại IGLTA (Hiệp hội du lịch LGBTQ+ quốc tế), cộng đồng du khách LGBTQ+ là nhóm tiềm năng nhất trong việc trở lại du lịch, với hơn 73% người tiêu dùng LGBTQ+ có kế hoạch đi du lịch vào cuối năm 2021.
Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên toàn cầu vào năm 2022 khi các hạn chế bắt đầu được dỡ bỏ và việc tiêm chủng tiếp tục được triển khai.
Nhóm LGBTQ+ thường có xu hướng nghe nhạc lên tới 2,7 giờ/ngày so với các phương tiện truyền thông khác.
Vì vậy nhà tiếp thị nên tiếp thị thông qua các tính năng phát trực tuyến kỹ thuật số để kết nối với cộng đồng này.
Dựa trên các hành vi khán giả, giải pháp độc quyền của Pandora đã chỉ ra các kênh như: Pandora Pride Enthusiasts, Hispanic LGBTQ+ Pride Music Enthusiasts and African American LGBTQ+ Pride Music Enthusiasts.
Xây dựng tính bền vững của thương hiệu với nhóm du khách chánh niệm
Theo một nghiên cứu gần đây của công ty du lịch Virtuoso, 4/5 người (82%) cho biết đại dịch đã khiến du khách muốn đi du lịch một cách có trách nhiệm hơn trong tương lai.
Nhóm đối tượng dành sự quan tâm tới tính bền vững của một thương hiệu.
Nhà tiếp thị có thể cân nhắc cộng tác với các influencer (người có tầm ảnh hưởng) có “lối sống xanh” để xây dựng đài phát của riêng họ trên Pandora, Spotify hoặc Soundcloud.
Cụ thể, bằng cách kết hợp với influencer xây dựng nội dung thân thiện với môi trường trên các nền tảng phát trực tuyến kỹ thuật số để giới thiệu tính bền vững của thương hiệu một cách chân thật.
Du khách quan tâm đến sức khoẻ, xây dựng nội dung có lối sống lành mạnh
Kể từ khi đại dịch hoành hành thì xu hướng du lịch sức khỏe bỗng dưng “nổi rần rần” tại nhiều nước trên thế giới.
Theo dự báo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), du lịch gắn với sức khỏe sẽ tăng trưởng mạnh mẽ thời hậu COVID-19.
Cũng theo Global Wellness Institute (GWI), loại hình du lịch này có thể chạm mức doanh thu 919 tỷ USD vào năm 2022.
Với mức độ căng thẳng và lo lắng cao trong đại dịch, những du khách này đang tìm kiếm những trải nghiệm có thể giúp họ điều chỉnh lại cảm xúc và sức khỏe tinh thần.
Du lịch sức khỏe là loại hình du lịch thiên về nghỉ dưỡng, thư giãn, làm đẹp và chăm sóc sức khỏe.
Khi đi du lịch, du khách có thể tham gia các khóa ngồi thiền, tập yoga, dưỡng sinh, tắm khoáng nóng...để thể chất cân bằng và tinh thần vui vẻ.
Du khách cũng sẽ có xu hướng tìm đến những vùng đất hoang sơ; những nơi có tính chất cô lập, như vùng nông thôn yên tĩnh, vùng núi cao, những hòn đảo hay bãi biển chưa được khai thác du lịch.
Những địa điểm này không chỉ mang tới sự yên tĩnh để nghỉ ngơi mà còn mang đến sự an tâm do giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, phần lớn những du khách quan tâm đến sức khỏe và đời sống tinh thần ngày càng có khuynh hướng cai nghiện các thiết bị điện tử và Internet.
Họ thường tìm đến những hình thức như nghe nhạc hay podcast để giải trí trong cuộc sống.
Các nhà tiếp thị và các công ty du lịch nên chủ động xây dựng những kênh nội dung về đời sống (Lifestyle) như: Sức khỏe thể chất, phương pháp ăn uống lành mạnh, lối sống xanh,... xây dựng một cộng đồng nội dung chất lượng và thu hút hơn lượng khách hàng tiềm năng.
Xu hướng này sẽ tạo nên những mô hình kinh doanh mới, không chỉ riêng trong dịch COVID-19 mà còn trong cuộc sống hàng ngày, bởi lẽ dù trong hoàn cảnh nào con người vẫn là vốn quý nhất và quan trọng nhất.
Văn Phát - Trends Việt Nam lược dịch từ Adweek