Lâu nay, Gojek mới chỉ có dịch vụ đặt xe dành cho xe máy và giao đồ ăn, giao hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, giám đốc điều hành Gojek Việt Nam Phùng Tuấn Đức cho biết siêu ứng dụng này đang ráo riết chuẩn bị cho dịch vụ mới sẽ có tên là GoCar.
Theo ông Đức, mặc dù Gojek là người đến sau với dịch vụ GoCar, “thị trường đặt xe và các dịch vụ theo yêu cầu sẽ tiếp tục phát triển, với nhiều không gian cho những công ty cung cấp dịch vụ đặt xe khác phát triển.
* Cả mảng gọi xe ô tô và thanh toán phi tiền mặt hiện cạnh tranh quyết liệt giữa nhiều đối thủ gọi xe công nghệ, ông có lo ngại "cửa hẹp" vì Gojek đi sau không?
Ông Phùng Tuấn Đức: "Việt Nam là thị trường lớn, tốc độ phát triển nhanh nhất nhì Đông Nam Á và tôi tin thị trường này sẽ duy trì tốc độ phát triển rất tốt trong thời gian tới.
Theo phản hồi của các đối tác và khách hàng với Gojek, họ vẫn đang muốn có thêm sự lựa chọn đối với các dịch vụ như vậy trên thị trường.
Miếng bánh còn rất lớn và vẫn tiếp tục “phình to” hơn nữa nên không lo không có phần.
Sẽ còn đủ chỗ cho nhiều người chơi tham gia. Điều quan trọng là phải mang lại những giá trị tốt nhất cho xã hội - đó cũng chính là kim chỉ nam trong hoạt động của Gojek."
* Vậy điều gì sẽ là vũ khí cạnh tranh của Gojek?
Ông Phùng Tuấn Đức: "Công nghệ chính là vũ khí quan trọng nhất. Xét cho cùng, cuộc chiến trong ngành siêu ứng dụng vẫn là cuộc chiến về công nghệ.
Tháng 8 năm ngoái, chúng tôi chuyển đổi từ app GoViet đã hoạt động tại thị trường Việt Nam được 2 năm sang app Gojek, một ứng dụng được sử dụng đồng thời ở nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Quá trình chuyển đổi có rất nhiều thách thức, nhưng chúng tôi đã làm được một cách khá suôn sẻ.
Công nghệ ưu việt của Gojek đã được chứng minh khi chúng tôi gọi được vốn từ các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi ở nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ gói gọn trong lĩnh vực vận tải hay thương mại điện tử.
Họ tin tưởng vào công nghệ của Gojek. Ứng dụng Gojek luôn được đánh giá có trải nghiệm mượt mà, dễ dàng sử dụng, thao tác nhanh gọn, đơn giản, thân thiện với người dùng...
Bên cạnh đó, Gojek là đơn vị luôn luôn sáng tạo, đi trước, dẫn đầu.
Khi các hãng khác đang hướng vào mảng gọi xe ô tô thì Gojek từ cách đây 10 năm đã ra mắt và tập trung phát triển dịch vụ gọi xe hai bánh vì nhận thấy nhu cầu đi xe hai bánh còn nhiều hơn.
Chúng tôi luôn quan sát xem thị trường có nhu cầu nào để tập trung mang đến công nghệ tốt nhất đáp ứng nhu cầu đó của thị trường. Công nghệ chính là chìa khóa giúp Gojek thành công trong suốt 10 năm qua, và tạo đà cho nhiều thành công trong tương lai."
* Ông có thể chia sẻ nhiều hơn về kế hoạch ra mắt dịch vụ xe ô tô và thanh toán không dùng tiền mặt?
Ông Phùng Tuấn Đức: "Hiện tại, tôi chỉ có thể “bật mí” là hai dịch vụ chính này sẽ triển khai ở TP.HCM trước rồi tới Hà Nội.
Sau khi phát triển đủ mạnh, xây dựng nền móng đủ sâu ở hai thành phố lớn, Gojek sẽ mở rộng tới các thành phố khác."
Gần đây nhất, Gojek công bố đã cán mốc 200.000 tài xế xe mô tô hai bánh tại Việt Nam, cung ứng đa dạng các dịch vụ như: chở khách (GoRide), giao hàng (GoSend) và giao đồ ăn trực tuyến (GoFood).
Với sự hỗ trợ từ Tập đoàn Gojek, Gojek tại Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng theo cấp số nhân chỉ sau 2 năm.
Theo báo cáo của ABI Research trong nửa đầu năm 2020 về thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, Grab hiện là ứng dụng chiếm thị phần số một lên tới 74,6%. Ứng dụng Be xếp thứ 2 với thị phần 12,4%, theo sau là Gojek (trước đây là Go-Viet) đang nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với thị phần tương ứng là 12,3%.
Trước đó, vào tháng 9/2020, Gojek Việt Nam đã thâu tóm Wepay tiền thân là SohaPay - một sản phẩm của VCCorp, được cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3/2017 nhằm tiến vào lĩnh vực fintech.
Đồng thời Gojek Việt Nam còn triển khai GoBiz - nền tảng quản lý đơn hàng dành cho các đối nhà hàng. Hơn 80% các nhà hàng, quán ăn trên Gojek đang sử dụng GoBiz hàng ngày, giúp rút ngắn thời gian "từ nhà hàng tới khách hàng" lên tới 50% và lượng đơn hàng hoàn thành có thể tăng tới 300%.
Tổng hợp từ Toyota Pháp Vân Hà Nội