GrabKitchen ở Trung Sơn có 14 đối tác là các cửa hàng, quán ăn được người dùng chung quanh khu vực này thường xuyên ghé thăm.
Điểm khác biệt giữa GrabKitchen ở Trung Sơn so với hai điểm bếp trước đây, bên cạnh phục vụ các đơn hàng trực tuyến, họ phục vụ khách hàng ăn tại chỗ.
Sau một năm có mặt ở Việt Nam, lượng người dùng mới tăng khoảng 5 lần theo GrabKitchen, tuy nhiên con số cụ thể không được tiết lộ.
Hoạt động kinh doanh của các đối tác trên GrabKitchen đã trở lại như thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát.
Đại diện Grab Việt Nam cũng chia sẻ đại dịch COVID-19 đã khiến mối quan tâm của người dùng đến các yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng tăng.
Các đối tác cửa hàng tham gia GrabKitchen sẽ được ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM tập huấn.
Việc tiếp tục mở rộng GrabKitchen và tăng cường đầu tư vào an toàn thực phẩm không chỉ giúp Grab nắm bắt tốt hơn những cơ hội mới trong bối cảnh thị trường không ngừng thay đổi mà còn hỗ trợ các đối tác vượt qua khó khăn từ COVID-19, bà Nguyễn Thái Hải Vân - tổng giám đốc Grab Việt Nam phát biểu trong thông cáo báo chí.
Theo số liệu từ Statista, thị trường giao nhận thức ăn trực tuyến tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức doanh thu lên đến 302 triệu USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ đạt mức 557 triệu USD vào năm 2024.
Là siêu ứng dụng đa dịch vụ, Grab có các dịch vụ đặt xe công nghệ, giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hoá tại 8 quốc gia Đông Nam Á.
Tính đến giữa tháng 10 năm nay, Grab có mạng lưới Cloud Kitchen gồm 57 GrabKitchen tại Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Philippines.
Ở Việt Nam, giữa tháng 10, Chef Station, mô hình bếp trung tâm do nhóm doanh nhân trong nước khởi xướng, ra mắt tại Phạm Viết Chánh, Bình Thạnh, TP.HCM.
Mai Trường Giang, một trong các nhà sáng lập cho biết, Chef Station hiện tại có 4 đối tác, trong đó có CJ Foods (Hàn Quốc).
Theo ông Giang, nhà hàng mang tên "Cô Tấm" nhận được trung bình 200 đơn hàng mỗi ngày, 3 quán ăn/nhà hàng còn lại trung bình nhận được khoảng 50-100 đơn hàng mỗi ngày.