Hai thập kỷ sau ngày tang thương của nước Mỹ
Vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã gây ra một cơn địa chấn thay đổi an ninh hàng không trên toàn thế giới.
Thảm kịch đã giết chết 2.996 người, hơn 10.000 người khác bị thương, và gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản ít nhất 10 tỷ USD. Ngày này được cả thế giới nhớ đến là ngày tang tóc của đất Mỹ.
Cụ thể vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, các thành viên Al-Qaeda cướp bốn máy bay thương mại, hai chiếc của American Airlines và còn lại của United Airlines, rồi đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở Thành phố New York, Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia và một cánh đồng ở Pennsylvania.
Những thiệt hại của hai "ông lớn" ngành hàng không thế giới
Các cuộc tấn công đã làm thay đổi ngành hàng không, các chuyến bay phải giảm; cửa buồng lái đã được gia cố để chống lại những kẻ tấn công cố gắng vào các bộ điều khiển bên trong; an ninh sân bay được tăng cường; và chi phí của tất cả đã để lại tương lai của một số hãng hàng không treo ở vị trí cân bằng.
Hãng hàng không trực tiếp bị ảnh hưởng trong sự kiện này là American Airlines - hãng hàng không lớn nhất thế giới và United Airlines là công ty con hàng đầu của UAL Corporation, là một hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ.
Không tặc sử dụng các chuyến bay thương mại 11 và 77 của American Airlines trong vụ tấn công khiến những năm sau sự kiện này, American Airlines liên tục thua lỗ cho đến năm 2005 với mới thu về được khoản lãi 58 triệu USD.
Trong thời gian đó, American Airlines đã phải khai trương nhiều dịch vụ khác trên toàn cầu đến các điểm đến như Trung Quốc và Ấn Độ.
Hai chiếc máy bay thương mại còn lại là 175 và 93 của hãng United Airlines, United giống như phần còn lại của ngành hàng không, đã trải qua sự sụt giảm lưu lượng hành khách sau vụ tấn công khủng bố
Doanh thu trong quý giảm 39%, xuống 2,95 tỷ USD từ 4,79 tỷ USD cùng kỳ năm 2000 nguyên nhân vì sự cắt giảm hoạt động mạnh sau sự kiện.
Thiệt hại bao phủ toàn ngành
Điểm lại một số sự kiện sau đó, các chuyến bay ngừng hoạt động và nhiều hãng hàng không đã phải tuyên bố phá sản.
Ngày 12 tháng 9 năm 2001, Ansett Australia rời Star Alliance do phá sản và sau đó Ansett Australia ngừng hoạt động bay do suy sụp tài chính.
Ngày 24 tháng 9 năm 2001, US Airways quyết định chấm dứt tất cả các chuyến bay của MetroJet.
Ngày 2 tháng 10 năm 2001, một cuộc khủng hoảng lớn về dòng tiền khiến Swissair phải ngừng hoạt động tất cả các máy bay của mình.
Ngày 7 tháng 11 năm 2001, hãng hàng không SABENA của Bỉ bị phá sản ngừng hoạt động, sau khi được thanh lý.
Toàn ngành hàng không đã ghi nhận những thiệt hại nặng nề về mặt tài chính và cũng kể từ đó hàng loạt khâu kiểm tra an ninh dày đặc được hình thành.
Nỗi sợ an ninh trong ngành hàng không đeo đẳng
Cuộc tấn công ngày 11/9/2001 là bước ngoặt chấn động lịch sử cho sự thay đổi lâu dài và mãi mãi trong trải nghiệm bay.
Kể từ sự kiện bi thảm người ta sử dụng các thuật ngữ "an toàn bay" mới trở nên phổ biến.
Bây giờ, khi nhìn vào các thủ tục “bay” hiện tại, chúng ta sẽ không thể tưởng tượng được rằng trước ngày xảy ra khủng bố thì các thủ tục này đã từng dễ dàng như thế nào.
Chúng ta từng lên máy bay không khác gì lên xe buýt hay xe lửa, từng có thể đến sân bay chỉ vài phút trước chuyến bay, có thể nói lời tạm biệt với người thân ngay tại cổng ra máy bay.
Chúng ta được giữ nguyên giày và áo khoác khi đi qua một máy dò kim loại đơn giản.
An ninh sân bay vào thời điểm đó được thực hiện bởi các nhà thầu tư nhân, thường được thuê bởi các hãng hàng không, với ít tiêu chuẩn liên bang.
Nhắm vào điểm yếu đó, không tặc khai thác các biện pháp an ninh sân bay lỏng lẻo, dễ dàng đi qua máy dò kim loại tại bốn trạm kiểm tra an ninh sân bay, với vũ khí chết người trong tay và gây ra vụ khủng bố kinh hoàng.
“An ninh bay" mãi mãi thay đổi sau ngày Thứ Ba, ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Trong vòng 2 tháng sau vụ tấn công, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật an ninh hàng không và vận tải, cho phép thiết lập các vành đai an ninh trên mặt đất và bảo vệ phi hành đoàn trên máy bay.
Giờ đây, du khách thường đứng xếp hàng dài tại các trạm kiểm soát an ninh với thời gian chờ đợi có thể hơn một giờ.
Chúng ta cởi giày, làm rỗng túi và lấy máy tính xách tay và các thiết bị khác ra khỏi túi mang theo trước khi bước vào máy quét toàn thân có độ phân giải cao.
Đối với rất nhiều người, thủ tục này vẫn được cho là quá “phiền hà” nhưng lại là những hoạt động bất khả kháng. Tất cả cũng đều vì mục đích “an toàn bay’’ và điều này đương nhiên luôn là mối quan tâm và độ ưu tiên của tất cả mọi đối tượng.
Tuy nhiên sau sự kiện này khi việc du lịch hàng không tiếp tục trở lại, rất ít người Mỹ sẵn sàng bay. Nhiều người ở Mỹ đã đi ô tô để thực hiện các chuyến đi dài, vì lo ngại khủng bố hoặc để tránh phải chờ đợi lâu và phức tạp ở an ninh sân bay.
Ngành hàng không đã mất nhiều năm trấn an nỗi sợ khủng bố cho du khách để trải nghiệm bay trở lại sau đó.
Nỗi sợ covid-19 hiện nay, thủ tục bay càng nghiêm ngặt
Sau sự kiện 11/9/2001 du khách phải trải qua các trạm kiểm soát an ninh với thời gian chờ đợi có thể hơn một giờ.
Ngày nay khi covid-19 xuất hiện, trạng thái "bình thường mới" trở lại, du khách phải thêm một công đoạn nữa trước khi bay đó là khai báo y tế điện tử.
Tương đồng với nỗi sợ khủng bố, khách hàng bắt đầu hạn chế các phương tiện "công cộng" nơi tập trung nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao, thay bằng phương tiện cá nhân cho các chuyến đi trong nước. Các hoạt động bay và di chuyển cũng bị hạn chế.
Dưới tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, ngành hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang phải đối mặt với thiệt hại lớn, nguy cơ tuyên bố ngừng hoạt động vì đa phần các chuyến bay quốc tế, nội địa đã bị đóng băng.
Tình hình hàng không hiện nay, phương án hộ chiếu Vaccine được kỳ vọng
Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 trong nước chính là một cú sốc lớn cho nguồn lực kinh tế vốn đã phải gồng gánh của các hãng hàng không sau khi chiến lược “Zero Covid” sụp đổ.
1. Tình hình ngành hàng không trong nước đầu 2021
Trong báo cáo hoạt động phát triển doanh nghiệp 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận định thị trường hàng không nước ta đã rơi vào đợt suy giảm nghiêm trọng nhất trong suốt 20 năm qua.
Theo báo cáo của cục hàng không Việt Nam trong 2 tháng năm 2021, 6 hãng bay của nước ta gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco và Vietravel Airlines đã khai thác tổng cộng 38.588 chuyến bay, giảm 36,9% so với cùng kỳ 2019.
2. Ngành hàng không Việt Nam trên mặt trận tài chính
Gánh chịu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không Việt Nam lỗ hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2020, các hãng hàng không trong nước đang rất cần nguồn vốn hoạt động.
Doanh thu trung bình của các hãng hàng không giảm 61% so với cùng kỳ 2019.
Hiện tại 3 hãng hàng không lớn của Việt Nam là Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air và Bamboo Airways đều báo cáo kinh doanh lỗ nghiêm trọng.
Trong đó, Vietnam Airlines chiếm phần lớn với dự kiến lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu 2021, sau khi đã lỗ 4.800 tỷ ở quý 1.
Trước hoàn cảnh này, VNA đã buộc phải kêu cứu chính phủ và rao bán 11 máy bay Airbus A321 nhằm thúc đẩy tái cơ cấu tài sản, cải thiện dòng vốn, xóa lỗ lũy kế, tạo nguồn tiền đầu tư phát triển trong tương lai.
Với Bamboo Airways, hãng đã nhanh chóng nhận ra nhu cầu của thị trường, ngay lập tức tái hoạch định mạng lưới đường bay theo hướng tập trung khai thác thị trường nội địa, đặc biệt là đường bay ngách và các đường bay có thể kết hợp với hệ sinh thái du lịch nghĩ dưỡng của công ty mẹ, tập đoàn FLC.
Ở một mặt trận khác, Vietjet Air chọn cho mình lối đi thông minh khi nguồn thu lớn không nằm ở vận tải hành khách mà tái cơ cấu một số tàu bay để cung cấp không gian tối đa cho vận tải hàng hóa, áp dụng phương thức khai thác mới để tăng cường năng lực vận tải hàng hoá.
3. Phương án hộ hiếu Vaccine từ 2021
“Hộ chiếu Vaccine” có thể hiểu đơn giản là một phần mềm ghi nhận tình trạng của hành khách như âm tính sau xét nghiệm PCR trong vòng 48 tiếng, tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc bệnh nhân đã khỏi Covid-19 tái hòa nhập cộng đồng,...
Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch tổ chức 22 đường bay nội địa và phân các sân bay thành ba nhóm chính: xanh - vàng - đỏ kèm theo những quy định rõ ràng cho phép hành khách sử dụng dịch vụ.
Việc kiểm soát người bay bằng hộ chiếu Vaccine được đánh giá là phương án khả thi nhất giúp kích hoạt lại đường bay vào thời điểm này.
Theo đó, VNA đã thành công áp dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử IATA Travel Pass trên chuyến bay mang số hiệu VN310 từ sân bay Nội Bài đi Narita (Tokyo, Nhật Bản) vào ngày 12/8 và chuyến bay số hiệu VN55 từ Hà Nội đi London (Anh) ngày 2/9.
Ngoài ra, Bamboo Airways cũng đã thành công với chuyến bay đầu tiên bay thẳng tới Mỹ sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch do dịch bệnh và sử dụng IATA Travel Pass đạt kết quả tốt.
Đây là những tín hiệu tích cực báo hiệu ngày “mở cửa bầu trời” đã không còn xa với các doanh nghiệp hàng không nước nhà.
Có thể nói hộ chiếu Vaccine sẽ trở thành thủ tục tương lai trong mọi trải nghiệm bay của hành khách tương tự như những khâu kiểm tra an ninh hàng không sau ngày 11/9/2001 đã thực hiện.
Tuy nhiên American Airlines đã mất 5 năm để phục hồi tài chính sau vụ khủng bố cũng như trấn an hành khách trở lại, vậy tình hình hàng không hiện nay sẽ mất bao lâu để có thể phục hồi vẫn là câu hỏi lớn.
“Chúng ta cần quan tâm những bài học từ nước ngoài mà Việt Nam có thể học được trong hoàn cảnh này” là những gì Ông Ngô Minh Đức Chủ tịch HDQT HG Holdings muốn nhắn nhủ.
Hồng Trâm - Trends Việt Nam
Nguồn: Tổng hợp và biên tập từ bài viết của Ngô Thái Hoàng Tuấn
Để đặt các chương trình Tour, Du lịch của Vietravel tại Việt Nam và nước ngoài, đăng ký TẠI ĐÂY.