Big C đổi tên thành Tops Market
Với lý do "tái định vị thương hiệu", Tập đoàn Central Retail đã đổi tên 7 siêu thị Big C thành Tops Market và 5 đại siêu thị Big C thành GO!. Trong năm nay, một số đại siêu thị Big C khác cũng sẽ lần lượt tái định vị và đổi tên thành đại siêu thị GO!.
Như vậy sau 22 năm gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam, thương hiệu Big C sẽ không còn hiện diện ở thị trường bán lẻ. Cái tên Big C quá quen thuộc với người Việt vì nó hiện hữu từ lâu dưới thời Tập đoàn Casino (Pháp).
Nhiều người tiêu dùng Việt mặc định Big C là một siêu thị luôn cung cấp sản phẩm giá rẻ hơn so với thị trường.
Năm 2016, Tập đoàn Casino bán toàn bộ hệ thống siêu thị cho Central Group (Thái Lan) với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD. Ngay sau thương vụ này, tập đoàn Thái Lan lên kế hoạch đổi tên trong năm 2017.
Dù thế, đến nay, kế hoạch trên của đại gia Thái Lan mới hoàn tất dù có quyền sử dụng tên này trong 10 năm.
Metro 'hóa' Mega Market
Trước Big C, sau khi mua lại Metro Cash & Carry và đổi tên thành MM Mega Market, tỷ phú Thái Lan chưa thể cải thiện kết quả kinh doanh của hệ thống phân phối này.
Năm 2015, chuỗi bán sỉ Metro Cash & Carry (Đức) gây bất ngờ khi quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam và Thái Lan. Tập đoàn TCC của Thái Lan đã quyết định chi ra 655 triệu euro để mua lại 19 trung tâm Metro Việt Nam.
Siêu thị điện máy Trần Anh về tay Điện Máy Xanh
Trong lĩnh vực điện máy, thương hiệu đình đám một thời là Trần Anh cũng đã xoá sổ. Năm 2018, Thế Giới Di Động mua lại 23,6 triệu cổ phần tương đương 95,2% vốn của CTCP Thế giới số Trần Anh, chủ chuỗi điện máy Trần Anh.
Trần Anh là thương hiệu bán lẻ lớn với hệ thống 34 siêu thị. Sau khi bị thâu tóm, điện máy Trần Anh đã chính thức trở thành thương hiệu của Điện Máy Xanh.
Đây được xem là một trong những thương vụ M&A đình đám của thị trường điện máy Việt Nam.
Shop&Go 'tặng lại' thương hiệu cho Vingroup
Ở mảng cửa hàng tiện lợi, thương hiệu Shop&Go đã biến mất sau khi về tay Vingroup giá chỉ 1 USD.
Cửa hàng đầu tiên của Shop&Go xuất hiện vào năm 2006 trên đường Hai Bà Trưng, Q.1 TP.HCM với đặc trưng là mở cửa 24/24 giờ mỗi ngày, chuyên kinh doanh các mặt hàng từ thực phẩm chế biến, công nghiệp đến hóa mỹ phẩm.
Những năm 2010, Shop&Go là chuỗi cửa hàng tiện lợi có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam. Đến năm 2013, chuỗi này cán mốc 100 cửa hàng trong khi những đối thủ khác chưa đến 30 điểm.
Hàng loạt thương hiệu bán lẻ khác đóng cửa và đổi tên
Sau Maximark, Ocean Mart, Fivimart tiếp tục bị xóa tên khỏi thị trường bán lẻ, sau khi được sáp nhập vào hệ thống siêu thị Vinmart. Theo đó, 23 siêu thị Fivimart được đổi thành tên Vinmart từ tháng 10/2018.
Một thương hiệu bán lẻ khác của Pháp, Auchan, cũng đóng cửa siêu thị ở Việt Nam năm 2019. Auchan vào Việt Nam từ 2015, phát triển được 18 siêu thị tại Hà Nội, TP.HCM và Tây Ninh.
Viễn Thông A cũng đã biến mất trên thị trường. Cuối năm 2018, Vingroup thâu tóm lại gần 65% cổ phần Viễn thông A nhằm mở rộng cho Vinpro. Tuy nhiên, một năm sau đó, toàn bộ hệ thống siêu thị điện máy VinPro bị giải thể.
Viễn thông A từng được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực thương mại điện thoại di động, thiết bị điện tử với gần 200 cửa hàng trên toàn quốc.
Lý do cho những thương vụ chuyển nhượng ngành bán lẻ
Giới quan sát cho rằng việc duy trì cùng một lúc hai thương hiệu sẽ khiến các doanh nghiệp thương mại phải chi nhiều hơn cho hoạt động marketing và định vị khách hàng bị phân tán. Trái lại, việc hợp nhất sẽ giúp tăng cường sự hiện diện của một thương hiệu.
Bán lẻ Việt Nam từng được ví như gà đẻ trứng vàng, được Hãng A.T.Kearney xếp hạng là thị trường có chỉ số phát triển bán lẻ thứ 6 trên toàn cầu. Thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho thấy, tổng mức bán lẻ của thị trường bán lẻ VN đang tăng mạnh trong các năm qua.
Với thị trường gần 100 triệu dân, mức thu nhập ngày càng cao, kinh tế phát triển ổn định, giới phân tích đánh giá Việt Nam tiếp tục là một thị trường bán lẻ hàng hóa đầy tiềm năng.
Lý do đóng cửa hệ thống siêu thị, Auchan lý giải là bởi đối mặt với những khó khăn, áp lực khi tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong suốt 5 năm có mặt tại Việt Nam.
Năm 2018, doanh thu của hãng chỉ đạt khoảng 45 triệu Euro; cùng sự cạnh tranh của bán lẻ hiện đại buộc hãng bán lẻ hàng đầu của Pháp tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam.
Tại thời điểm bán cho Thế giới Di động, theo báo cáo tài chính kiểm toán giai đoạn 1/4/2018-31/12/2018 của Trần Anh, công ty tiếp tục thua lỗ hơn 4 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đã lên đến 58 tỷ trên vốn điều lệ 249 tỷ đồng.
Nếu như Auchan hay Trần Anh tìm được đối tác để bán lại với giá cao thì công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống, chủ thương hiệu Shop&Go đã bán cho Vingroup với giá 1 USD để họ tiếp tục đầu tư, phát triển.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, sự cạnh tranh dự kiến còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và thử nghiệm tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh và kỳ vọng phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt.
"Câu chuyện thành bại của một doanh nghiệp bán lẻ có lẽ nằm ở chiến lược kinh doanh, bên cạnh đó là tích hợp công nghệ để phù hợp với thói quen tiêu dùng hiện đại.
Cũng không loại bỏ hướng đi tích hợp hệ sinh thái bán lẻ hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để đa dạng hóa sự phát triển, tận dụng thế mạnh của cả hai bên hướng tới cung cấp nhiều trải nghiệm, sản phẩm tốt, tiện lợi, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng".
- bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, điểm yếu của thị trường bán lẻ Việt Nam là chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng để sẵn sàng giới thiệu mặt bằng bán lẻ cho các đơn vị phát triển bán lẻ lớn. Chi phí đất cao tại các khu đô thị lớn, đòi hỏi nhiều vốn đầu tư ban đầu và thu hồi vốn chậm hơn các sản phẩm bất động sản khác như nhà ở.
Dù khốc liệt nhưng cuộc đua trên bán lẻ tiếp tục sôi động, các "ông lớn" bán lẻ lớn của nước ngoài như: Family Mart, K Mart, Lotte, Central Group, Aeon, Circle K,... lại liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường tại Việt Nam.
Nguồn: Tổng hợp