Chuỗi nhà thuốc bán lẻ Pharmacity vừa khai trương cửa hàng thứ 500 tại quận 1, TP HCM. Theo người sáng lập công ty, con số cửa hàng sẽ tiếp tục tăng lên 600 trong tháng tới.
Điều này đồng nghĩa với việc công ty sẽ mở thêm 100 cửa hàng chỉ trong vòng một tháng. Đại diện Pharmacity cho biết lẽ ra đã công bố cửa hàng thứ 100 từ cuối tháng 1, nhưng bị hoãn vì dịch Covid-19.
Các cửa hàng hiện có mặt 14 tỉnh thành. Ông Chris Blank - Tổng giám đốc Pharmacity - cho biết công ty vẫn đang theo đuổi mục tiêu có 1.000 cửa hàng vào cuối năm nay. “Đây là áp lực không nhỏ nhưng chúng tôi tin tưởng có thể đạt được”, CEO Pharmacity nói.
Pharmacity ra đời từ cuối năm 2011 và đến năm 2015 có 17 nhà thuốc. Đến nay, sau 6 năm, công ty đã tăng gấp 30 lần số lượng cửa hàng. Tốc độ doanh thu tăng trưởng bình quân 2015-2017 đạt 30%/năm. Pharmacity cho biết riêng từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ này đạt trên 120%.
Mặc dù vậy, do trong giai đoạn mở rộng quy mô, công ty vẫn chưa sinh lời. Theo ghi nhận từ báo cáo tình hình sử dụng vốn vay thông qua phát hành trái phiếu, trong nửa đầu năm 2020, công ty báo lỗ ròng gần 200 tỷ đồng.
Trong khi đó, cuộc đua của các chuỗi nhà thuốc vẫn đang nóng bỏng. Chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng liên tục mở rộng kể từ khi được của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT tiếp quản từ năm 2017.
Theo tài liệu dự kiến trình cổ đông tại đại hội cổ đông thường niên năm 2021 tới, FPT Retail cho biết sẽ mở rộng số lượng cửa hàng lên 350 trong năm nay, tăng 150 so với con số cuối năm 2020.
FPT Retail xác định thị trường dược phẩm rất tiềm năng để phát triển mạnh mẽ trong dài hạn. Theo đó, FPT Retail kỳ vọng chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong hai năm tới. Dược phẩm mang về hơn 1.200 tỷ đồng doanh thu cho công ty, tương đương tỷ trọng 25%.
Doanh thu tăng trưởng nhưng tương tự như Pharmacity, mảng bán lẻ dược phẩm vẫn chưa mang về lợi nhuận cho FPT Retail do đang trong giai đoạn đầu tư liên tục mở rộng.
Phòng phân tích công ty chứng khoán SSI đánh giá ngành dược nhạy cảm với dịch Covid-19, nhưng đang dần phục hồi. “Dịch Covid-19 là thách thức lớn đối với kết quả hoạt động của ngành, đặc biệt trong trường hợp nếu dịch bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng", SSI cho biết.
"Tuy nhiên, chi tiêu chăm sóc sức khỏe là khoản chi tiêu thiết yếu và nhu cầu chỉ bị tạm trì hoãn trong thời gian ngắn. Do đó, khả năng ngành phục hồi trong năm 2021 là rất cao”, SSI nhìn nhận.
Theo đánh giá của Business Monitor International, giá trị thị trường dược phẩm Việt Nam đạt 6,5 tỷ USD vào năm 2019. Trong đó, kênh nhà thuốc chiếm khoảng 30% tổng giá trị thị trường. Tuy nhiên, thị trường này khá phân mảnh với hơn chục nghìn nhà thuốc đang hoạt động trên cả nước.
Theo NDH