HRC là sản phẩm thép cuộn cán nóng có độ dày thông dụng từ 1,2 mm - 14 mm, kích thước từ 1,2 m - 1,5 m. Hiện tại nhu cầu thị trường trong nước mỗi năm khoảng 12 triệu tấn HRC, Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 60% số này.

Thép cuộn cán nóng của Hòa Phát ra lò sản phẩm đầu tiên vào tháng 4/2020, nhưng sản lượng chỉ tăng lên rõ rệt từ tháng 8/2020, sau khi lò cao số 3 được đưa vào hoạt động. Tháng 11/2020, Hòa Phát chính thức cung cấp sản phẩm này ra thị trường.

Hòa Phát cho biết, lượng đơn đặt hàng HRC đã tăng mạnh, vượt xa năng lực cung ứng của Tập đoàn.

null Lượng đơn đặt hàng thép cuộn cán nóng HRC tại Hòa Phát đã tăng mạnh.


Trong năm 2020, giá thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC) liên tục tăng cao trong các tháng cuối năm cũng là một nhân tố thuận lợi. Hòa Phát đã nâng giá thép xây dựng 10 lần trong hai tháng cuối năm 2020, với mức tăng tổng cộng là 25 - 28%.

Nhờ đó, công ty ghi nhận mức lợi nhuận ròng kỷ lục năm 2020, đạt 13.506 tỷ đồng, tăng 80%.

Năm 2021, tập đoàn này dự kiến đặt mục tiêu 2,7 triệu tấn HRC, trên 5 triệu tấn phôi và thép xây dựng; trong đó, Khu liên hợp tại Dung Quất đóng góp toàn bộ HRC và một nửa kế hoạch sản lượng phôi và thép xây dựng toàn tập đoàn.

Công ty chứng khoán SSI nhận định ngành thép trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Các động lực thúc đẩy nhu cầu thép bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng và dòng vốn FDI, điều này cũng giúp thúc đẩy hoạt động xây dựng dân dụng dọc theo các công trình cơ sở hạ tầng và dự án FDI.

Nhu cầu từ xuất khẩu vẫn khá tích cực, nhưng dự kiến cạnh tranh gay gắt hơn. Theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng 4,1% trong năm 2021, được thúc đẩy bởi sự phục hồi ở các thị trường phát triển.

null Công ty chứng khoán SSI nhận định ngành thép trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng trưởng.


Theo TheLeader