Rời Sài Gòn về quê làm nông
Từng theo học lái tàu tại Đại học Giao thông vận tải ở TPHCM, Hạnh đã có công việc với chức danh thuyền trưởng.
Sau những lần thấy tận mắt, nghe tận tai những câu chuyện buồn về ung thư do ăn thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, Hạnh quyết định về quê ở Nghệ An lập nghiệp sau vài năm với công việc ở Sài Gòn.
“Mẹ nhìn em trố mắt khi nghe em muốn làm nông. Bà khóc “Mày điên hở con”. Nhưng em quyết rồi, mẹ đành chịu nhưng bụng không vui”, Hạnh kể.
Trên trang cá nhân của mình, một bài viết cách đây sáu năm khi từ thành phố về Nghệ An của mình, Hạnh có chia sẻ: “Cùng các bạn trên vùng đất khô cằn sỏi đá, thiếu thốn đủ thứ, cả chuyên môn. Lúc đó, tôi cũng không nghĩ sẽ vượt qua được mọi thử thách”.
Ban đầu, người dân không chịu làm vì làm nông nghiệp mà không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu.
Hạnh bắt tay vào mày mò bón cho đất phân chuồng ủ, bón thêm đạm cá khi dứa đã lớn chút. Thuốc trừ sâu thì thay bằng hỗn hợp từ tỏi, ớt, sả và gừng xay nhuyễn rồi pha nước.
“Gà đồi thì hơi nhẹ ký so với gà công nghiệp, nhưng thịt dai và ngọt phải biết. Dứa ở Quỳnh Lưu cũng vậy, ngọt giòn hơn khi trồng hữu cơ”, Hạnh kể.
Thời gian đầu bán dứa vào vụ thu hoạch không dễ. Một hai giờ sáng, chất dứa vừa cắt lên xe chở ra điểm thu mua. Khi nông dân cắt bán đồng loạt thì chuyện dư cung, bị ép giá là thường.
Có hôm bán không được giá hay thương lái không thu mua thì ngậm ngùi chở đống dứa nặng trịch về.
Tập làm doanh nhân
Hạnh đưa dự án “Phát triển tài nguyên bản địa với Dứa Hạnh Phúc của Hợp tác xã nông nghiệp Hạnh Phúc” dự cuộc thi khởi nghiệp.
Giải thưởng là gói hỗ trợ từ Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) xây dựng tiêu chuẩn LocalGAP, bước đệm trung gian giúp xuất khẩu các sản phẩm đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP.
Thời gian và chi phí LocalGAP chỉ bằng chỉ khoảng 30% của chứng nhận GlobalGAP, giảm bớt gánh nặng và áp lực cho các hợp tác xã nông nghiệp theo đuổi quy trình làm nông đạt chuẩn quốc tế.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - ông Nguyễn Lâm Viên là thầy của Hạnh sau một lần gặp gỡ, ông rất chú tâm đào tạo lớp doanh nhân trẻ, những doanh nhân tạo dựng cơ ngơi từ nông nghiệp.
Ông Viên chia sẻ với lớp nông dân mới về canh tác hữu cơ, nhận phân phối nông sản sau nhiều lần xem xét quy trình và chất lượng sản phẩm.
Duhapu - Dứa Hạnh Phúc thương hiệu từ sản phẩm trái tươi, dứa sấy dẻo, trà dứa, và mật dứa từ nước dứa cô đặc.
Chứng kiến lũ lụt ở miền Trung, Hạnh mày mò sách vở, gặp gỡ dược sỹ Đông y để làm ra các viên mứt dứa. Các viên ngậm này vừa bổ sung dưỡng chất, vừa làm ấm cơ thể cho người miền Trung đang ngâm mình trong nước lũ.
Hạnh nhanh nhạy cắt những dòng không có lợi nhuận. Trà dứa bị loại khỏi sản xuất khi trên thị trường quá nhiều sản phẩm cạnh tranh. Sản phẩm mật dứa vẫn cần đóng chai, không tiện lợi lắm.
“Một quả dứa tươi Quỳnh Lưu từ 600-900 gam chỉ bán sỉ với giá ba bốn ngàn đồng. Sau khi tinh chế bằng công nghệ sấy lạnh, quả dứa tinh gọn trong gói bột dứa sấy lạnh. Giá bán là 12.000 đồng, rẻ hơn một ly nước ép dứa, nhưng ngang giá trị bổ dưỡng và tiện lợi”, Hạnh tươi rói kể.
Thời trang từ cánh đồng dứa
Sau mỗi vụ thu, dân Quỳnh Lưu thường đốt lá dứa làm phân bón, khói ngút trời. Hạnh lại mày mò tìm hiểu kinh nghiệm của nông dân Philippines, chế máy tách sợi.
“Thông thường mỗi héc ta dứa thì bán quả được 350 triệu đồng mỗi vụ dứa 18 tháng. Thay vì tốn công đốt lá, nông dân lại có thêm 50-70 triệu đồng tiền lá dứa. Phần thịt lá còn lại làm phân hữu cơ nhanh hơn, tiện hơn”, Hạnh chia sẻ.
Một chiếc máy tách sợi tốn hết 50 triệu đồng, nhưng mỗi ngày cho có thể xử lý được 3 tấn lá dứa, bằng sức lao động của 20 người.
Và cứ mỗi 100 ki lô gam lá dứa, thì lại có 1-2 ki lô gam sợi thô với giá bán mỗi ki lô gam 800.000 đồng.
Hạnh nói các thành viên trong hợp tác xã có thể chỉ bán lá thôi hay có thể làm công đoạn tách và bán sợi thô cho EcoSoi – viết tắt của Sợi Môi trường, công ty do Hạnh và hai đối tác thành lập hồi tháng ba năm nay. Hạnh giữ chức giám đốc kỹ thuật của công ty mới.
Lễ hội thời trang bền vững Gwand năm nay tổ chức từ ngày 2 đến 4-9 tại Luzern, Thụy Sỹ. Chương trình thường niên gồm triển lãm các sản phẩm và hội thảo các chủ đề về thời trang với sự tham gia của các nhãn hàng, nhà thiết kế, công ty liên quan.
Sản phẩm sợi lá dứa thô và túi xách làm tự sợi lá dứa của EcoSoi được khách hàng Thụy Sỹ và nhiều nước quan tâm. Sản phẩm mang thông về thân thiện môi trường, tạo sinh kế từ nguồn tài nguyên bản địa và cho người dân địa phương.
Bà Vũ Thị Liễu, đối tác phụ trách kinh doanh tiếp thị của EcoSoi tại lễ hội Gwand, cho biết một công ty Anh chuyên chế tạo vải giả da từ sợi thiên nhiên cũng quan tâm đến sợi lá dứa.
Niềm vui mới
Những giờ làm nông, bên máy tách sợi, những giờ họp trực tuyến dài, Công việc của hợp tác xã và công ty sợi thiên nhiên chiếm hết thời gian của Hạnh thì niềm vui của anh đến từ khu vườn nhỏ.
“Đây là giàn hoa đậu biếc mà bạn nào cần pha trà hay làm bánh gì đấy thì nói mình, mình hái gửi tặng. Còn đây quả nhàu hay noni có tác dụng chống oxy hóa và chữa bệnh, bạn nào thì nhắn mình. Đây là quả na dai…”, Hạnh say sưa kể trong clip đăng vào cuối tuần.
Trái nhàu hay trái na nguồn tài sản giá trị mà thế giới đang hướng đến được các nhà khoa học xem là siêu trái cây vì những tác dụng y học, mang lại lợi nhuận lớn cho người trồng.
Mỗi vụ dứa dài đến 18 tháng, bằng thời gian mình có thể có hai đứa con – Hạnh hài hước.
Còn bây giờ thì anh đang chờ niềm vui của vụ đầu. Bé gái đầu lòng sẽ được đặt tên là Phúc. “Em ghép tên mình và đứa con trong tương lai để đặt tên cho hợp tác xã”, Hạnh cười.
Theo Kinh tế Sài Gòn