Nghệ sĩ Tuấn Nam (thứ hai từ trái sang) và các nghệ sĩ trong đêm nhạc Tuấn Nam jazz tại Hà Nội - Ảnh: MAI HƯƠNG.
Đêm 16-8, Hà Nội chuyển mùa với những trận mưa lớn. Và sau một khoảng thời gian dài, khán phòng Nhà hát lớn lại sáng đèn với đêm nhạc Tuấn Nam Jazz.
Phải lùi 1 ngày so với lịch biểu diễn ban đầu nếu bình thường là chuyện rất hi hữu, nhưng trong bối cảnh thấp thỏm vì dịch bệnh như hiện nay, đó đã là một "chiến thắng" đối với êkip thực hiện chương trình.
Với cả nghệ sĩ trình diễn cũng như khán giả tới thưởng thức, giống như NSƯT Quyền Văn Minh, đó là một cảm xúc thật đặc biệt.
Buổi hòa nhạc đánh dấu chặng đường 10 năm mới trở lại với jazz của nghệ sĩ piano trẻ tuổi Tuấn Nam, cũng là buổi diễn nhạc jazz hiếm hoi ở Hà Nội mấy năm nay.
Chương trình đã quy tụ những nghệ sĩ có thể nói là xuất sắc nhất của jazz ở thủ đô như Tuấn Nam, Quyền Thiện Đắc (saxophone), Mạnh Hùng (drums), Xuân Hòa (saxophone)... và cả những cái tên rất mới ngay cả với người yêu jazz ở Hà Nội.
Ở phần khách mời, ngoài nghệ sĩ Quyền Văn Minh còn có ca sĩ Tùng Dương, Hà Lê và Thủy Bùi.
Buổi diễn chia thành 2 phần, nửa đầu là các tác phẩm standard, đưa người nghe về với những giai điệu chuẩn mực của jazz, và nửa sau là sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời với chủ đề fusion - giao thoa với chùm tác phẩm viết trên các chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, các tiết mục mà jazz "bắt tay" với các chất liệu âm nhạc khác.
Ở thời điểm mà dường như không ai nghĩ tới thưởng thức nghệ thuật, những nghệ sĩ đó đã quyết định một việc có phần "ngược dòng".
Nghệ sĩ Quyền Văn Minh, người "bố" đặc biệt của jazz Hà Nội, chia sẻ:
"Thế hệ tôi đã tạo con đường mòn và giờ các nghệ sĩ trẻ này đã có đường băng để tung cánh. Thực sự tôi còn lo lắng cho đêm diễn này hơn cả chương trình của chính mình. Nhưng các bạn trẻ đã làm được và tôi cảm kích với sự quyết tâm và tinh thần âm nhạc như thế. Táo bạo, giàu năng lượng và nhân văn, đó chính là jazz!".
Người ta vẫn luôn nói về sức mạnh của âm nhạc trong lịch sử như buổi hòa nhạc vào ngày 9-8-1942.
Dàn nhạc Đài phát thanh Leningrad trình diễn bản Giao hưởng số 7 của nhà soạn nhạc Shostakovich tại thành phố Leningrad đang trong thời kỳ cao điểm cuộc vây hãm của phát xít Đức.
Buổi hòa nhạc đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho những con người của thành phố Leningrad khi đó để cuối cùng, quân đội phát xít đã thất bại trước ý chí của họ, tạo nên bước ngoặt quan trọng của Thế chiến thứ 2.
Ở những thời khắc mà con người hoang mang nhất, âm nhạc đã vang lên và truyền đi thứ hơi ấm thật quý giá để ta lại thấy cái đẹp sẽ luôn có mặt đúng lúc để cứu rỗi thế giới.
Theo Tuổi Trẻ